Một gương mặt rất nổi tiếng tham dự VinFuture năm nay là GS Daniel Kammen, người giảng dạy về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ). Ông từng được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bổ nhiệm làm chuyên gia năng lượng đầu tiên của sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho châu Mỹ (ECPA) năm 2010. GS Kammen từng được tin tưởng đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Khoa học cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Tham dự VinFuture năm nay, ông là diễn giả của tọa đàm chuyên đề về Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh - một vấn đề rất được quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân tặng hoa cảm ơn các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cầm cân nảy mực giải VinFuture 2022. Ảnh: BTC |
Góp mặt trong tọa đàm này còn có gương mặt Nobel - GS Kostya S. Novoselov, nổi tiếng với công trình được trao giải Nobel Vật lý năm 2010 về việc phân lập graphene. Ông là nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ, vật lý trung mô và công nghệ nano. Từ năm 2014 đến nay, GS Novoselov luôn nằm trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Ở một nội dung rất được quan tâm là công nghệ bán dẫn, VinFuture năm nay có sự tham dự của một gương mặt khoa học rất nổi tiếng là GS Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao Đại học Quốc gia Singapore. Ông đóng vai trò quản lý, thúc đẩy và quyết định trong việc nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore. Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng về Hành chính công vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục kỹ thuật, quản lý khoa học và công nghệ cho quốc gia. Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ.
Tọa đàm bán dẫn cũng có sự tham dự của một diễn giả nổi tiếng khác là TS Sadasivan (Sadas) Shankar, Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Ông hiện giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học California Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ California. GS là người khởi xướng và lãnh đạo chương trình Thiết kế vật liệu tại Intel từ năm 2006, giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế chất bán dẫn và hiệu suất năng lượng.
Xuất hiện Những tên tuổi hot nhất thế giới về AI
Nắm bắt được sự quan tâm đặc biệt của thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), VinFuture năm nay mời và nhận được sự đồng ý tham dự của những tên tuổi rất hot trong lĩnh vực này.
Chủ tọa của phiên chuyên đề về AI trong chuỗi sự kiện VinFuture là TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Xử lý ngôn ngữ. Trước đây, ông từng giữ vị trí Thành viên kỹ thuật và Giám đốc Công nghệ của Azure AI thuộc Microsoft.
Một gương mặt tên tuổi khác là TS. Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo, người đã xuất bản hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị hàng đầu với hơn 18.000 trích dẫn.
Tham dự và là diễn giả của tọa đàm này còn có GS Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Ông được trao tặng giải thưởng A.M. Turing năm 2010 với nghiên cứu về học máy, độ phức tạp tính toán và tính toán song song. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực lý thuyết khoa học máy tính.
Nhiều nhà khoa học rất được quan tâm khác như GS Christian Borgs, Giám đốc Viện Bakar về Vật liệu Kỹ thuật số cho Hành tinh (BIDMaP) và Thành viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Berkeley (BAIR) tại Đại học California, Berkeley. GS Jennifer Tour Chayes, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin thuộc Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, Chủ nhân Giải thưởng John von Neumann của Hiệp hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng.
Tuần lễ VinFuture năm nay diễn ra từ 18-21/12 tại Hà Nội với chuỗi tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống, chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture tại các trường đại học. Lễ trao giải VinFuture diễn ra vào tối 20/12 tại nhà hát Hồ Gươm. Sau đó là buổi giao lưu với chủ nhân giải thưởng VinFuture 2023 tại Đại học VinUni ngày 21/12.
Vũ Thanh Tùng
Hồi hộp quá, VN vui mừng là điểm đến của những nhà khoa học xuất chúng nhất thế giới.
Thích Trả lời