Từng tự ti, nói ngọng, chàng trai 9x truyền cảm hứng về nghị lực sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từng tự ti, nhút nhát và nói ngọng, chàng trai núi rừng Tây Nguyên đã có cuộc “lột xác” ngoạn mục, trở thành người diễn thuyết được yêu thích nhất, đi khắp buôn làng truyền cảm hứng cho giới trẻ về nghị lực sống.

Từng áp lực đến mức vào viện

Đó là chàng trai M’Nông- Điểu Vượt (SN 1998, ở bon Bu Ndrong A, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Điểu Vượt vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xã hội học (ĐH Bình Dương), quyết định về quê đầu quân cho Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống và Hướng nghiệp Tây Nguyên Skills.

“Từ đầu mình đã xác định về quê làm việc. Nơi đây có buôn làng, có những đứa trẻ từng giống mình cần được truyền động lực. Vả lại, thời đại 4.0, mình làm việc ở đâu cũng được. Tuy ở Đắk Nông, nhưng nếu có các chương trình dưới TPHCM, Bình Dương hay bất cứ nơi đâu, mình có thể sắp xếp tham gia”, Điểu Vượt chia sẻ.

Điểu Vượt có một tuổi thơ cơ cực. Nhà có 2 anh em, bố mẹ cậu đã ngoài 70 tuổi, lại thêm 3 người bác không có con cháu, sống tựa vào nhau ở tuổi xế chiều. Thiếu ăn, khốn khó đã đành, cậu còn bị ám ảnh cảnh chủ nợ đến đòi tiền do ông anh rể nát rượu gây ra. Hoàn cảnh khốn khó khiến chàng trai nói tiếng Kinh không sõi càng mặc cảm, tự ti. “Tiếng mẹ đẻ của mình không có dấu. Khi nói tiếng Kinh, mình nói rất ngọng nghịu, lơ lớ, không ai hiểu. Chúng bạn trong lớp hay trêu cười, mình càng xấu hổ, thu mình lại. Năm lớp 8, mình đã có ý định bỏ học...”, Điểu Vượt nhớ lại.

“Mình không phải người giỏi nhất nhưng sẽ cố gắng thực hiện ước mơ như chính cái tên Điểu Vượt (loài chim rừng sải cánh chinh phục bầu trời) mà bố mẹ mong ước khi sinh ra mình”.

Anh Điểu Vượt (Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống và Hướng nghiệp Tây Nguyên Skills)

Đứng trước cánh cửa đại học, gia đình muốn Điểu Vượt làm thầy giáo nhưng cậu lại chọn ngành Xã hội học. “Mình thích được tìm hiểu, giao lưu với thế giới bên ngoài. Chọn xong ngành học, mình đối mặt với nỗi lo chi phí học tập cho 4 năm học. Mình viết thư ngỏ và được các nhà hảo tâm, nhà trường hỗ trợ học phí, Mái ấm dân tộc Lái Thiêu cho vào ở nên khá yên tâm. Lần đầu được xuống thành phố, mọi thứ mới mẻ khiến mình có phần lo sợ”, Điểu Vượt chia sẻ.

Hai năm đầu đại học, Điểu Vượt lao vào học và đi làm thêm như một cái máy khiến cậu bị áp lực đến mức rối loạn lo âu phải vào bệnh viện. Nghe lời bác sĩ, cậu bỏ làm thêm, tập trung học tập một cách khoa học. Cậu bắt chuyện với bạn bè xung quanh và chợt nhận ra, thế giới không quay lưng với mình mà do bản thân chưa mở lòng hòa nhập. Cậu tham gia các khóa học về kỹ năng mềm và chủ động tham gia CLB, đội nhóm để giao lưu, chia sẻ. Và cậu bắt đầu tập luyện nói trước đám đông.

Truyền cảm hứng cho giới trẻ buôn làng

Bước ngoặt cuộc đời của Điểu Vượt là khi cậu tham gia Cuộc thi Speak-up “Thế hệ Bình đẳng - Tương lai tôi muốn” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp cùng Viện Đào tạo quốc tế Học viện Ngân hàng (ISB) tổ chức vào tháng 7/2020. Bước vào cuộc thi với tâm thế giao lưu là chính, Điểu Vượt chia sẻ câu chuyện của chính buôn làng, gia đình mình.

“Người M’Nông theo chế độ mẫu hệ. Con gái phải sắm lễ vật đi cưới chồng. Mọi việc trong nhà đều các mẹ, các chị quần quật sớm tối còn đàn ông ít khi chia sẻ. Như chị gái mình lấy phải người chồng nát rượu, bỏ bê việc nhà, còn mang nợ về cho gia đình. Cũng có người muốn phụ vợ công việc bếp núc, nhà cửa nhưng ngại người khác đàm tiếu, ví mình giống phụ nữ. Chính những định kiến trên đã khiến việc bình đẳng giới còn rất nan giải ở buôn làng”, Điểu Vượt nói.

Với chủ đề trên, Điểu Vượt đã khuyên các mẹ, các chị, nhất là trẻ em gái phải có ước mơ và đừng bỏ học. Con đường học tập sẽ giúp nhận thức rõ được giá trị của bản thân. Khi biết yêu, biết quý bản thân thì mới mong cầu được hạnh phúc và bình đẳng. Câu chuyện của Điểu Vượt đã chạm đến trái tim người nghe và cậu đoạt giải “Người diễn thuyết được yêu thích nhất”.

Sau cuộc thi, Điểu Vượt càng tự tin hơn với lựa chọn làm “nghề diễn thuyết”. Với chất giọng trầm ấm như âm vang của núi rừng Tây Nguyên, cậu muốn mang câu chuyện của chính mình, buôn làng mình để truyền cảm hứng cho giới trẻ, nhất là các bạn đồng bào dân tộc thiểu số. Cậu lập nhóm trên mạng xã hội, tập hợp các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn để giao lưu, chia sẻ các câu chuyện nghị lực sống.

MỚI - NÓNG