Tuyển sinh 2023: Tăng cơ hội trúng tuyển bằng chứng chỉ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Số lượng các trường đại học xét chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL, SAT, ACT) để tuyển sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, để trúng tuyển, thí sinh phải đảm bảo các yêu cầu khác của trường.

Chứng chỉ quốc tế chỉ là điều kiện cần

Năm 2023, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 70% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp. Phương thức này áp dụng xét với tất cả các mã ngành/chương trình tuyển sinh năm 2023, trong đó có đối tượng: thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kĩ năng kết hợp điểm thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia; thí sinh có chứng chỉ IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kĩ năng kết hợp điểm thi 2 môn (trừ môn tiếng Anh) thi tốt nghiệp THPT 2023 (20% chỉ tiêu).

Tuyển sinh 2023: Tăng cơ hội trúng tuyển bằng chứng chỉ quốc tế ảnh 1

Thí sinh chú ý đến điều kiện đủ khi tham gia xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh: Nghiêm Huê

Năm 2023, Trường ĐH Xây dựng đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36. Các chứng chỉ phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển. Điều kiện kèm theo cho phương thức này là thí sinh phải có tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên, trong đó có môn Toán và 1 môn khác không phải ngoại ngữ. Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm môn Vẽ Mỹ thuật của trường năm 2023 phải đạt từ 12 điểm trở lên.

Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh chú ý đến điều kiện đủ khi tham gia xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ như yêu cầu về điểm học bạ hoặc yêu cầu điểm 2 môn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp xét tuyển… Trong đó, có trường vẫn yêu cầu thí sinh phải tham gia xét tuyển tổ hợp như bình thường như Trường ĐH Y Hà Nội, chỉ ưu tiên điểm trúng tuyển thấp hơn so với thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ. Vì vậy, dù có chứng chỉ quốc tế, thí sinh vẫn cần phải đảm bảo yêu cầu kiến thức các môn học.

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, điều kiện tiên quyết là thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm tốt trong 3 năm học THPT và có kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Ngoại ngữ quy định. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL iBT đạt từ 79 điểm trở lên và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi THPT năm 2023 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo phương thức xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi Toán và Vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trường ĐH Việt Đức cũng dự kiến trong năm 2023, thí sinh đạt IELTS 6.0 và điểm trung bình 5 môn đạt từ 8.5 điểm trở lên sẽ được xét tuyển thẳng vào trường.

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh năm 2023 giữ ổn định các phương thức như năm 2022. Trong đó, với phương thức xét tuyển tài năng đối tượng là thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế phải kèm theo điều kiện có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên (riêng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022, lớp 12 chỉ tính học kỳ I); có ít nhất 1 trong các chứng chỉ quốc tế sau (hoặc tương đương): SAT, ACT, A-Level, AP và IB. Mỗi thí sinh được chọn tối đa 3 nguyện vọng tương ứng với 3 chương trình đạo tạo theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 3.

Cần có chứng chỉ trước thời điểm xét tuyển

Có chứng chỉ quốc tế là một lợi thế đối với thí sinh vì tăng cơ hội xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, mỗi cơ sở đào tạo có yêu cầu riêng. PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, dự kiến năm nay ĐH Bách khoa mở đăng ký xét tuyển tài năng từ 1/4 - 15/5 nên những thí sinh muốn xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế phải có chứng chỉ trước 15/5.

Theo PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, đối với các thí sinh tham gia xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ quốc tế nên có sự chuẩn bị sớm, xác định rõ loại chứng chỉ mà các trường ĐH chấp nhận để xét. Ví dụ như đối với Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh có thể sử dụng nhiều loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhưng nếu dùng chứng chỉ IELTS cần lưu ý là dùng IELTS Academic. Đồng thời, thí sinh nên tích luỹ chứng chỉ từ sớm để có cơ hội cải thiện điểm chứng chỉ nếu cần, và khi các trường thông báo dự tuyển thì thí sinh đã sẵn sàng các minh chứng cần thiết.

PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lưu ý, chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS/ TOEFL/HSKK…) có thời hạn 2 năm. Thí sinh chú ý quy định của từng trường, trong đó đa số yêu cầu chứng chỉ phải còn hạn đến 1/6. Do đó, thí sinh nên có chứng chỉ từ học kỳ II năm lớp 11.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.