Tuyển sinh Đại học: Không thể để điểm sàn quá thấp

Tuyển sinh Đại học: Không thể để điểm sàn quá thấp
TP - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sáng 5-3, lãnh đạo Bộ làm việc với Hiệp hội các trường ngoài công lập (HH NCL) bàn một số vấn đề mà HH NCL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tìm giải pháp giúp các trường có điều kiện hoạt động tốt hơn.

> Sẽ thay đổi điểm sàn trong kì thi tuyển sinh ĐH
> Thủ tướng chỉ đạo xem xét kiến nghị của trường tư

Ông Ga cho biết, hai bên đã trao đổi thẳng thắn và tập trung 2 vấn đề lớn: Hỗ trợ các trường NCL tuyển sinh đạt chỉ tiêu; Cơ chế chính sách giúp các trường NCL phát triển.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại Trường ĐHDL Thăng Long. Ảnh: HT
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại Trường ĐHDL Thăng Long. Ảnh: HT.

Cân nhắc xét tuyển

Theo ông Ga, HH NCL báo cáo: Những năm gần đây, nhiều trường NCL gặp khó khăn, đặc biệt, năm 2012 nhiều trường tuyển được ít sinh viên, có nguy cơ ngừng hoạt động.

HH NCL đề xuất nhiều phương án: Nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH để có kỳ thi 2 trong 1, từ đó các trường xét tuyển, không phải tổ chức thi tuyển sinh; Bỏ điểm sàn (ĐS) hoặc có nhiều ĐS khác nhau cho các tốp trường khác nhau; giao cho các trường tự xác định ĐS khác nhau theo từng khu vực, từng ngành nghề mà không cần ĐS chung.

Một phương án khác được HH NCL đề nghị là giao cho các trường NCL tự tuyển sinh riêng và chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học ở phổ thông.

Ông Ga cho biết: Bộ ủng hộ tất cả trường ĐH CL và NCL xây dựng phương án tuyển sinh riêng, có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp nhưng phải đảm bảo công bằng, công khai, không làm nảy sinh hiện tượng luyện thi như trước đây và phải có cơ chế để xã hội giám sát.

Về phương án đề nghị được xét tuyển vào ĐH dựa trên kết quả học THPT, ông Ga nói: Chủ trương này mới áp dụng trong diện hẹp (một số ít trường năng khiếu nghệ thuật do đặc thù các trường này thi và lấy hệ số cao hai môn năng khiếu) mà xã hội đã có vẻ không đồng tình. Vì vậy, Bộ khuyến cáo các trường NCL cân nhắc.

Nếu chất lượng đầu ra không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng uy tín lâu dài của các trường. Lý do Bộ không đồng tình ghép 2 kỳ thi làm một, theo ông Ga, là do tính chất 2 kỳ thi khác nhau nên cần được nghiên cứu thận trọng.

Ông Ga khẳng định: Bộ cho rằng, mọi thay đổi cần được nghiên cứu cẩn trọng và ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục thi ba chung, với một vài thay đổi về kỹ thuật, đến năm 2015.

Ông Ga hé mở chủ trương mới: Sau 2015 khi chất lượng đào tạo ở phổ thông nâng cao, thi tốt nghiệp THPT chất lượng hơn..., có thể có nhiều phương án khác nhau.

Cụ thể là sẽ có thể có một số trường xét tuyển, một số trường tốp trên thi nhiều môn và các trường chọn số môn tuyển; Ông Ga còn nói: Thi tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển là một phương án Bộ đang tính tới, nhưng không thể làm ngay.

Sáp nhập một số trường

Để giúp các trường NCL giải tỏa bế tắc trong tuyển sinh năm nay và các năm tiếp theo, ông Ga cho biết, chủ trương của Bộ là không phân biệt trường CL và NCL để đảm bảo quyền lợi người học. Ông Ga nhấn mạnh: Nếu có tuyển sinh riêng, cơ chế đặc thù riêng hoặc dễ dãi trong ĐS thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt; sau đó, chất lượng đầu ra và xã hội sẽ không thừa nhận người tốt nghiệp thì hệ quả còn trầm trọng hơn. Khi đó, sự bế tắc của các trường NCL sẽ lặp lại và còn khó giải quyết hơn.

Trước mắt, ngành GD&ĐT đang mở diễn đàn để tìm phương án ĐS hợp lý hơn, có nguồn tuyển dồi dào hơn, không thể để điểm sàn quá thấp.

Theo ông Ga, để được hưởng ưu đãi về thuế, các cơ sở NCL phải đảm bảo 55 m2/sinh viên. Tuy nhiên, đến nay không có cơ sở đào tạo NCL nào đủ điều kiện để được ưu đãi.

Trên cơ sở đề nghị của HH NCL, Bộ đã báo cáo Chính phủ đề nghị không quy định trường phải đảm bảo có đủ 55 m2/sinh viên, tất cả các cơ sở đào tạo NCL chỉ đóng 10% thuế để có điều kiện phát triển tốt hơn.

HH NCL cũng đề nghị địa phương giao đất cho trường trong khu vực có dân, trong thành phố để giúp các trường tuyển được học sinh.

Về thắc mắc của HH NCL với các chỉ tiêu trước đây là đến năm 2020 có 450 sinh viên/vạn dân, trong đó có 40% số sinh viên NCL không được đề cập trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ông Ga giải thích: Thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT đã mở ồ ạt các trường ĐH, trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ không theo kịp để đảm bảo chất lượng, nên ngành GD&ĐT sẽ không đề cập tiêu chí về số lượng mà chú trọng chất lượng.

Ông Ga nói: Sắp tới Bộ đề xuất với Chính phủ quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH. Theo đó, ngành GD&ĐT sẽ hoạch định rõ từ nay đến 2020 có bao nhiêu trường, mở bao nhiêu và giảm bớt bao nhiêu trường… Ông Ga nhấn mạnh: Các thành viên HH NCL cũng cho rằng trong thời gian vừa qua, mạng lưới các trường phát triển quá nóng, sắp tới có khả năng sẽ sáp nhập một số trường lại để có trường lớn hơn, đủ năng lực tuyển sinh và đủ uy tín để tránh hiện tượng có địa phương có tới vài ba trường ĐH tranh nhau tuyển sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG