Tuyển sinh ĐH năm 2024: Chọn học chuyên sâu hay học rộng?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù chưa đăng kí thi tốt nghiệp THPT nhưng phụ huynh, thí sinh đã rất quan tâm đến ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH). Đặc biệt là cơ hội trúng tuyển những ngành học yêu thích.

Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp cùng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tại Hải Dương, Hải Phòng đã thu hút sự quan tâm của trên 1 vạn thí sinh và phụ huynh.

Tại đây, nhóm ngành được thí sinh quan tâm nhất là Sức khỏe, An ninh, Quốc phòng, Ngôn ngữ. Khác với những năm trước, năm nay nhóm ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Tuyển sinh ĐH năm 2024: Chọn học chuyên sâu hay học rộng? ảnh 1

Thí sinh tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp để tìm hiểu thông tin ngành nghề, cơ hội trúng tuyển ĐH. Ảnh: Nghiêm Huê

Tuy vậy, ghi nhận từ những thắc mắc của thí sinh có thể thấy, dù năm nay xét tuyển nhưng các em vẫn còn mông lung về ngành nghề đào tạo của các trường ĐH. Trước những băn khoăn của thí sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lí đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thí sinh nên lựa chọn ngành học rộng để có nền tảng vững chắc, trước khi đi sâu một nhánh nào đó.

Để thực hiện lộ trình này, thí sinh nên tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo muốn học. Khi làm được điều này, thí sinh có kiến thức nền tảng tốt, từ đó có thể chuyển sang các “nhánh” khác nhau của ngành để học một cách dễ dàng hơn.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trong số các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau. Ví dụ, sinh viên lựa chọn ngành học Quản trị kinh doanh, hay học ngành Makerting có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. “Nhưng để có thể “nhảy việc” ở nhiều nhánh trong khối ngành kinh tế, các em cần có nền tảng kiến thức chung vững chắc”, ông Triệu nói.

“Tôi cho rằng thí sinh nếu có điều kiện thì học hơn 1 ngành để có nhiều năng lực cốt lõi ứng phó với bối cảnh mới. Trong đó, thí sinh cần có năng lực công nghệ khi lựa chọn học bất cứ ngành nào. Nếu thí sinh không có điều kiện học nhiều ngành thì nên trang bị thêm 1 chứng chỉ đủ mạnh để có cơ hội việc làm tốt hơn”.

Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

Do chưa tìm hiểu được kĩ về ngành Ngôn ngữ nên có khá nhiều thí sinh băn khoăn khi muốn lựa chọn học ngành này. Bà Hiền khẳng định, quan điểm về học ngôn ngữ hiện nay của thí sinh và nhiều người chưa thật chuẩn xác. Bà Hiền nêu một ví dụ, một sinh viên đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0 liệu có đủ năng lực để tranh tụng bằng tiếng Anh trong một phiên tòa quốc tế hay không?

Theo bà Hiền, câu trả lời sẽ là không vì để làm được việc đó, sinh viên phải có ít nhất 2 năng lực là ngoại ngữ giao tiếp và kiến thức ngành luật, thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Bởi thế trong bối cảnh hiện nay, những học sinh muốn theo đuổi ngành Ngôn ngữ cần tìm hiểu và lựa chọn một lĩnh vực ứng dụng ngôn ngữ cụ thể.

Chọn đúng mã ngành mong muốn

Một trong những điểm đáng lưu ý khi thí sinh tham gia xét tuyển, đó là nắm chắc các khái niệm trong tuyển sinh. Ghi nhận từ trao đổi của thí sinh với các chuyên gia tuyển sinh tại chương trình tư vấn cho thấy, thí sinh còn khá mơ hồ về các khái niệm này.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, trong đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH có các phương thức xét tuyển tên na ná nhau, thí sinh rất dễ nhầm lẫn như xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng.

Ông Hùng nhấn mạnh, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT là dành cho những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Nhưng mỗi trường lại có một quy định khác nhau. Ví dụ, Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng ở ngành Y khoa đối với những thí sinh đoạt giải Nhất môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Những ngành khác lại tuyển thẳng tới những thí sinh đoạt giải 3 trở lên.

Các trường khác thì lại tuyển thẳng những thí sinh đoạt giải khuyến khích trở lên. Những thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng chắc chắn trúng tuyển ngành mong muốn. Còn ưu tiên xét tuyển thẳng thì phần lớn các trường ĐH dành cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT... Những thí sinh trong diện này đủ điều kiện xét tuyển nhưng được xét theo độ dốc đến khi đủ chỉ tiêu.

PGS.TS Vũ Thị Hiền cho rằng, thí sinh và phụ huynh đang nhầm lẫn nghề nghiệp của nhóm ngành Kinh tế và nhóm ngành Kinh doanh - Quản lí.

Theo bà Hiền, phụ huynh, thí sinh nghĩ tốt nghiệp ngành Kinh tế sẽ làm về kinh tế. Nhưng thực chất đây là ngành đào tạo về nghiên cứu, phân tích chính sách kinh tế. Còn để làm được kinh tế thì phải học nhóm ngành Kinh doanh - Quản lí. Vì vậy khi đăng kí xét tuyển, thí sinh phải chọn đúng mã ngành mong muốn.

MỚI - NÓNG