Khắc phục bất cập, hướng tới quyền lợi của người học
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh mục tiêu quan trọng của dự thảo là khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh, đồng thời đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho tất cả thí sinh. Ông khẳng định, trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng, việc đổi mới quy chế tuyển sinh là điều tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống giáo dục, đặc biệt là trong giai đoạn các trường được trao quyền tự chủ.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Ảnh: MOET |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, những năm qua, Bộ GD - ĐT luôn lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý và các thầy cô trực tiếp tham gia công tác đào tạo để từng bước hoàn thiện các quy định. Dự thảo lần này được xây dựng trên tinh thần cầu thị, với mục tiêu tối ưu hóa quá trình tuyển sinh, giảm thiểu bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Những nội dung nổi bật trong dự thảo
Một trong những điểm sửa đổi quan trọng là quy định về hạn mức xét tuyển sớm. Theo đó, các cơ sở đào tạo được quyền xét tuyển sớm nhưng không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành hoặc nhóm ngành. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng mất cân đối trong xét tuyển, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Ngoài ra, điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ được quy đổi về cùng một thang điểm chung, đảm bảo sự minh bạch và thống nhất. “Đây là thước đo công bằng cần thiết giữa các thí sinh, mặc dù quá trình quy đổi không đơn giản”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm là việc xét tuyển dựa trên học bạ. Dự thảo quy định nếu sử dụng học bạ, các trường phải xem xét kết quả học tập cả năm lớp 12, thay vì chỉ tính 5 học kỳ đầu ở bậc THPT. Điều này nhằm đảm bảo thí sinh học tập đồng đều, không chủ quan với các môn học trong học kỳ cuối.
Đặc biệt, dự thảo khuyến nghị các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cần công bố sớm điểm thi lên hệ thống chung. Điều này sẽ giúp các trường và thí sinh thuận lợi hơn trong quá trình đăng ký và xét tuyển.
Đặt lợi ích của thí sinh lên hàng đầu
Tại Tọa đàm, các chuyên gia và lãnh đạo các cơ sở giáo dục bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo. Họ cho rằng, những điều chỉnh lần này không chỉ tháo gỡ vướng mắc hiện tại mà còn giúp hệ thống tuyển sinh vận hành hiệu quả hơn trong bối cảnh tự chủ giáo dục.
Các chuyên gia và lãnh đạo các cơ sở giáo dục bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo. Ảnh: MOET |
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng kiến nghị cần chú trọng hơn vào hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Việc đồng bộ dữ liệu, giảm tải cho hệ thống là yếu tố then chốt để tránh xảy ra các sự cố không đáng có trong mùa tuyển sinh cao điểm.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo. “Mục tiêu của chúng tôi là đặt lợi ích của thí sinh lên hàng đầu, đồng thời đảm bảo công bằng, minh bạch trong xét tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo”, bà Thủy khẳng định.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ, Dự thảo không chỉ tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh, mà còn thúc đẩy sự phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng một hệ thống giáo dục hiệu quả, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Dự kiến, Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 sẽ được hoàn thiện và ban hành chính thức trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cả người học và các cơ sở đào tạo.