Tuýt còi lấy điểm IELTS ưu tiên vào lớp 10: Bộ GD&ĐT được ‘ủng hộ’?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ GD&ĐT, việc ưu tiên học sinh có IELTS vào lớp 10 tạo ra sự bất bình đẳng, bởi không phải ai cũng có điều kiện học và thi chứng chỉ này. Vì thế, Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.

Những ngày qua, thông tin một số địa phương dùng chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương để tuyển sinh lớp 10, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, để có được chứng chỉ IELTS, các cháu đã phải ôn luyện nghiêm túc từ lớp 8, lớp 9. Lớp 8, lớp 9 phải học và thi IELTS để vào lớp 10 mà kêu "giảm áp lực"?! Trong khi chứng chỉ chỉ có hiệu lực 2 năm và đa số cũng không có nhu cầu du học ở cấp THCS/THPT?! Chuyện giảm áp lực, có hay không? Có gì mà tiếc nuối ở đây chứ?

Tại sao bị “tuýt còi”?

Tối 23/2, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo, phê duyệt, thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh.

Văn bản này xuất phát từ thực tế một số địa phương đã và đang chưa thực hiện quy định chung, cụ thể như có tỉnh áp dụng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm cho học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, năm 2014, Bộ ban hành quy chế tuyển sinh THPT, nêu rõ bốn nhóm thí sinh được tuyển thẳng, gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyến tật; đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.

Ba nhóm khác được cộng điểm ưu tiên là: con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn....

Ngoài các diện trên, quy chế cho phép Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho một số nhóm học sinh khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về cộng điểm khuyến khích bộc lộ mặt trái, có thể tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh.

Từ quy định nêu trên, có thể thấy rõ việc các địa phương áp dụng quy định tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là không đúng quy định.

Chính thế, vài ngày sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT như: Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương, Quảng Trị, Nghệ An, Vĩnh Long,… đã thông tin sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 vì đã thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.

Tiếp đến, Quảng Bình cũng vừa phê duyệt việc bỏ môn tiếng Anh ra khỏi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm nay, chỉ giữ lại hai môn toán và ngữ văn. Mục tiêu mà tỉnh đưa ra để giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Có một thực tế, việc dùng IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh vào trung học phổ thông đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều năm qua, nhất là việc bảo đảm công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền.

Bởi việc cộng điểm, xét tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thực sự không công bằng với những em ở địa bàn khó khăn, chưa có điều kiện học tập ngoại ngữ thuận lợi.

Vì sao được ủng hộ?

Ngay khi “lệnh cấm” của Bộ GD&ĐT đưa ra, ý kiến của phần lớn nhà giáo, phụ huynh ủng hộ.

Có con đang học lớp 9, bà Nguyễn Thị Kim Anh, phụ huynh ở ngoại thành Hà Nội cho rằng, bà phản đối quy định này và cho rằng tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ.

"Ở quê, việc tiếp cận với những chứng chỉ này còn rất hạn chế. Nếu có khả năng học nhưng khả năng tài chính không có thì cũng chịu. Thậm chí, nhiều học sinh thi tốt nghiệp và đại học rất quan trọng, biết sẽ thiệt thòi nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận đấy thôi"- phụ huynh này cho hay.

Thầy giáo Vũ Huy Tiến, giáo viên tiếng Anh của một trường mầm non quốc tế ở khu vực quận Hà Đông, Hà Nội thẳng thắn phản đối việc ưu tiên xét tuyển vào lớp 10.

Vị giáo viên này cũng cho rằng, bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh.

Tuy nhiên, thầy Tiến thừa nhận, thực tế, có rất nhiều gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ từ rất sớm, ngay từ lớp 6,7,8.

“Điều này cũng không sao cả nếu các em có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng vào chuyên ngoại ngữ cấp 3. Như vậy, nếu học sinh đã học được chứng chỉ thì việc cho điểm khuyến khích cũng không phải là vấn đề lớn"- thầy giáo cho hay.

Thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn giáo dục trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, quyết định dừng áp dụng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm cho học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS,... ở một số tỉnh vào kì thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn chính xác.

Vị giảng viên này cho rằng, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS mang tính học thuật. Lượng kiến thức đòi hỏi trình độ hiểu biết nhất định, nếu cho học sinh cấp 2 đã đi học thì biến học sinh thành con vẹt.

“Việc bắt học sinh học kiến thức không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh là không nên do đó Bộ quyết định dừng là đúng đắn”- ông Đạt cho hay.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.