Úc, Bangladesh huy động quân đội giám sát thực thi phong toả ngăn COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Úc đang huy động binh lính xuống phố để giám sát người dân thực thi quy định phong toả. (Ảnh: Getty Images)
Úc đang huy động binh lính xuống phố để giám sát người dân thực thi quy định phong toả. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Từ tuần này, thêm vài trăm binh lính được điều đến Sydney, thành phố đông dân nhất của Úc, để hỗ trợ giám sát người dân thực hiện quy định phong toả, sau khi chính quyền báo cáo số ca mắc COVID-19 cao nhất trong làn sóng lần này.

“Không may là xu hướng này còn tiếp tục trong những ngày tới”, Reuters dẫn lời Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian nói với báo giới hôm 13/8 tại Sydney.

Số ca mắc COVID-19 ở thành phố này tăng cao khiến lệnh phong toả kéo dài 9 tuần khó có thể kết thúc vào ngày 28/8 như dự kiến ban đầu.

Giới chức nói có thể nới lỏng hạn chế nếu đủ số người được tiêm vắc-xin và số ca mắc giảm.

Ngày 6/8, Bộ Quốc phòng Úc cho biết đã nhận được yêu cầu triển khai thêm binh lính để hỗ trợ cảnh sát thực thi quy định người dân phải ở nhà tại các khu vực ngoại ô bị COVID-19 tấn công nặng nề nhất.

“Quân đội đang chuẩn bị triển khai thêm 200 binh lính từ tuần tới, trong đó có việc giám sát tuân thủ ở các khách sạn và sân bay”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc nói với Reuters hôm 13/8.

Sau gần 7 tuần phong toả ở thủ phủ Sydney, bang New South Wales ghi nhận 390 ca mắc mới trong cộng đồng. Ngày 18/8, Úc ghi nhận 658 ca mắc, theo số liệu trên trang Our World in Data.

Nhiều thị trấn của New South Wales cũng bị phong toả vì người dân vi phạm quy định và virus tiếp tục lây lan.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết Úc đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, với khoảng 1 triệu mũi trong 4 ngày, nhưng ông vẫn bị chỉ trích vì tốc độ tiêm chủng chậm, trong khi nước này đang chờ lô vắc-xin Pfizer và Moderna.

Chính quyền khẳng định phải tiếp tục phong toả ở hai thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne cho đến khi ít nhất 70% người trưởng thành được tiêm vắc-xin.

“Nếu mục tiêu của họ là để làm cho người dân khiếp sợ, tôi bảo đảm với bạn là họ đã làm được điều đó”, Dai Le, một uỷ viên hội đồng địa phương ở Sydney, bình luận về việc triển khai thêm binh lính trên khắp thành phố.

Trước đó, cảnh sát đã huy động thêm 100 người ra các vùng ngoại ô đa dạng sắc tộc của Sydney để giám sát thực thi phong toả. Những vùng ngoại ô ở phía tây và tây nam Sydney là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu dân, chủ yếu là dân lao động, làm việc trong các ngành thực phẩm, y tế.

Từ đầu tháng 7, Bangladesh triển cũng huy động cả cảnh sát và quân đội giám sát đợt phong toả nghiêm ngặt, chỉ cho phép người dân ra ngoài để mua đồ thiết yếu hoặc làm việc khẩn cấp.

Cảnh sát trưởng của thủ đô Dhaka nói với báo chí rằng bất kỳ ai ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt và có thể bị bắt. Biện pháp mạnh tay này khiến đường phố thủ đô trở nên vắng vẻ. Các cửa hàng phải đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc.

Trong năm 2020, khi phải đối mặt với tình trạng bùng phát lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, hàng loạt quốc gia từ Trung Quốc, đến Jordan, El Salvador, Ý, Pháp, Ả-rập Xê-út…đều điều quân đội xuống phố.

Chưa bao giờ kể từ Thế chiến 2 mà có quá nhiều quốc gia phải vật lộn với tình trạng khẩn cấp đến mức áp đặt những thay đổi đột ngột và cơ bản đối với hành vi của con người như trong các làn sóng bùng phát COVID-19 vừa qua.

Theo BBC, Reuters
MỚI - NÓNG