Ùn tắc hàng nông sản ở biên giới phía Bắc: Tìm đường xuất khẩu qua đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bên cạnh đẩy mạnh hội đàm với Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực tìm giải pháp giảm tải ùn tắc ở cửa khẩu đường bộ bằng cách xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt liên vận.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, ngày 27/12, phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao do vậy, lượng xe thông thương qua cửa khẩu Lạng Sơn rất hạn chế.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc trong vài ngày gần đây chỉ xuất được 50- 60 xe hàng (trong đó một nửa là hàng nông sản, trái cây). Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình chỉ có gần 10 xe hàng rỗng của Trung Quốc sang Việt Nam để sang tải hàng. Nông sản, hoa quả, bột sắn ở Chi Ma vẫn chưa được thông quan.

Ùn tắc hàng nông sản ở biên giới phía Bắc: Tìm đường xuất khẩu qua đường sắt ảnh 1
Lực lượng Hải quan làm việc tại ga Ðồng Ðăng. Ảnh: Duy Chiến

Các cửa khẩu khác ở Lạng Sơn, trong đó có cửa khẩu chính xuất khẩu hàng nông sản như Tân Thanh (huyện Văn Lãng) vẫn chưa được mở cửa, thông thương hàng hóa.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, hiện tại, ở biên giới Lạng Sơn vẫn còn gần 5.000 phương tiện chở hàng “ăn chực, nằm chờ”.

“Nếu mỗi ngày chúng ta thông quan được 88 xe thì với lượng hàng hóa đang tồn hiện nay với điều kiện không tiếp tục đưa hàng lên nữa thì cũng phải mất 60 ngày nữa mới giải quyết được hết hàng hóa tồn đọng tại Lạng Sơn”.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

Xuất hàng qua đường sắt

Trước thực trạng “nóng” ách tắc trên tuyến đường bộ, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn họp bàn, trao đổi với phía Trung Quốc đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu theo tuyến đường sắt liên vận.

Ông Liễu Anh Minh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngành đã có văn bản đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp cần hướng đến việc đa dạng hóa hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, trong đó cần lưu ý, tính toán khai thác tuyến vận tải đường sắt, liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.

Việc xuất khẩu hàng qua tuyến đường sắt cũng là những gợi mở, song cũng không ít khó khăn.

Theo ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nếu thực hiện vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa qua ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận chuyển. Cùng với đó, lượng hàng vận chuyển sẽ lớn hơn rất nhiều so với thực hiện xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ. Mặt khác, việc thực hiện xuất khẩu các loại hàng hóa qua đường sắt vào thời điểm này còn góp phần giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 do số lượng người tập trung rất ít.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết: Các ngành chức năng Lạng Sơn đã và đang rốt ráo tổ chức các cuộc hội đàm với các đơn vị liên quan của Trung Quốc để khuyến khích các doanh nghiệp nước bạn thực hiện nhận hàng qua tuyến đường này. Qua đó, nhằm thúc đẩy thông quan và giải phóng hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn một cách nhanh nhất .

Mặc dù nhiều thuận lợi là vậy, nhưng theo các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa chủ động thực hiện nhận hàng qua tuyến đường này. Do đó, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo tuyến đường sắt liên vận vẫn khá hạn chế.

Theo báo cáo của Hải quan Lạng Sơn, trung bình mấy hôm nay, hàng xuất qua ga Quốc tế Đồng Đăng được 20 đến 30 toa, tương đương 500 đến 700 tấn, hàng xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, đồ gỗ thủ công, cây huyết đằng.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...