Ứng phó AI trong thách thức của tòa soạn

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Xinhua giới thiệu về người dẫn chương trình tin tức AI (trên màn hình) của hãng tại Bắc Kinh. Ảnh: Thái An
Đại diện Xinhua giới thiệu về người dẫn chương trình tin tức AI (trên màn hình) của hãng tại Bắc Kinh. Ảnh: Thái An
TP - Liên đoàn các nhà báo châu Âu (EFJ) đang kêu gọi các cơ quan công quyền không nên siết quản lý việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong tòa soạn, mà thúc đẩy cách dùng sao cho phù hợp với đạo đức báo chí.

Theo EFJ, việc sử dụng các thuật toán trong tòa soạn cần phải giữ được tính đa nguyên của truyền thông và quyền tự do biểu đạt, đặc biệt với các nhóm thiểu số. “AI có thể giúp báo chí và cả đời sống thường nhật của công dân. AI sẽ không thể giải quyết được mọi vấn đề, nhưng có thể giúp tạo ra sự khác biệt”, EFJ nhận định.

AI sẽ nắm giữ quyền lực thứ tư?

Ứng phó AI trong thách thức của tòa soạn ảnh 1

Một nền tảng với sự kết hợp của AI và MGC (nội dung do máy tạo ra) có khả năng tổng hợp, biên tập và sản xuất tin video trong vòng 10 giây. Minh họa: New York Times

Ngày 11 và 12/5/2021, hơn 300 đại biểu, trong đó có Chủ tịch EFJ Mogens Blicher Bjerregard, tham dự hội nghị trực tuyến “AI và tương lai báo chí: Liệu AI sẽ nắm giữ quyền lực thứ tư?”, tập trung thảo luận về các chính sách, cơ hội và thách thức liên quan AI đối với tương lai của báo chí. Ông Bjerregard cho rằng, ngoài nhiều cơ hội, AI cũng đem lại không ít nguy cơ cho lĩnh vực báo chí-truyền thông. Thứ nhất, khi áp dụng AI trong tòa soạn, sẽ có nguy cơ gia tăng khoảng cách giữa các cơ quan báo chí lớn và nhỏ. Các cơ quan báo chí-truyền thông lớn, đa quốc gia có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào công nghệ mới, trong khi các đơn vị địa phương, quy mô nhỏ có thể bị bỏ lại phía sau. Thứ hai, sẽ xuất hiện các thách thức liên quan đạo đức, thiên kiến phía sau các thuật toán; cần phải đào tạo, bồi dưỡng cho nhà báo về khoa học dữ liệu, trong khi các phóng viên tự do thường không đủ tiêu chuẩn để tham dự.

“Các gã khổng lồ về công nghệ sinh ra đã là kỹ thuật số và sẽ luôn luôn tiên phong về công nghệ mới. Nhưng họ không quan tâm đến đạo đức và vai trò của báo chí. Các thuật toán của họ cũng vậy”, Chủ tịch EFJ nhận định. Vì thế, các cơ quan báo chí-truyền thông, cụ thể là các phóng viên, biên tập viên, cần phải được nâng cao trình độ chuyên môn để tạo ra các thuật toán riêng có cân nhắc yếu tố đạo đức và tính công ích của báo chí, ông nói.Ông Gustavo Cardoso, Giám đốc OberCom (cơ quan nghiên cứu, hỗ trợ báo chí-truyền thông ở Bồ Đào Nha), nhấn mạnh, AI là do con người xây dựng, tất cả thuật toán, công cụ công nghệ thông tin đều được truyền giá trị của con người, nên mặc định là có thiên kiến; nhà báo phải có trách nhiệm gắn kết các giá trị báo chí vào AI.

Các đại biểu cũng thảo luận về cách thức chính phủ hỗ trợ báo chí-truyền thông liên quan AI mà không can thiệp. Ông Nano Artur Silva, Quốc vụ khanh Điện ảnh, Nghe nhìn và Truyền thông của Bồ Đào Nha (Bồ Đào Nha đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu đến ngày 30/6/2021), nói rằng, có thể trợ giúp báo chí-truyền thông thông qua việc trợ cấp cho báo chí chất lượng cao do con người thực hiện, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng liên quan cho phóng viên, hỗ trợ thay đổi thông qua quản lý, đầu tư vào công nghệ… Nhưng điều quan trọng là phải bảo đảm tính độc lập của báo chí. Về vấn đề này, ông Bjerregardcho rằng, lời giải chính là sự tự điều chỉnh. “Chúng ta cần đạo đức thuật toán, chứ không cần điều tiết thuật toán vì nếu điều tiết thuật toán, chúng ta sẽ đánh mất công việc báo chí đúng nghĩa. Hỗ trợ báo chí-truyền thông đồng nghĩa hỗ trợ dân chủ”, Chủ tịch EFJnói.

Bà Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách lĩnh vực giá trị và sự minh bạch, cho biết, châu Âu sẵn sàng ủng hộ các đổi mới sáng tạo trong ngành báo chí-truyền thông, nâng cao kỹ năng của người trong ngành, hỗ trợ tài chính theo cách thiết thực, hữu ích nhất. Các quốc gia, nền tảng báo chí-truyền thông và AI áp dụng các biện pháp kiểm duyệt cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề tin giả, tin sai đang ngày càng lan tràn, vì thế, họ nên thiết lập các cơ chế kiểm tra, xác minh dữ kiện nhanh chóng, thuận tiện hơn, bà Jourova nói. Ngoài ra, có thể áp dụng chế tài để giảm nội dung độc hại xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí-truyền thông, đặc biệt là trên báo điện tử, mạng xã hội.

Dùng AI để phát hiện tham nhũng

Gần đây, website báo chí điều tra trực tuyến Ojo Público của Peru tạo ra một công cụ để có thể phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong các hợp đồng mua bán tài sản công. Ojo Público phát triển một thuật toán tên là “Funes” để nhanh chóng xác định các chỉ số và mối liên quan giữa chúng, như số lượng đơn vị đấu thầu, giá bỏ thầu, lãnh đạo chính quyền địa phương…, theo LatAm Journalism Review.

AI nổi bật trong các xu hướng báo chí

Đầu năm nay, Viện Nghiên cứu báo chí Reuters xuất bản báo cáo về các xu hướng, dự báo về báo chí-truyền thông và công nghệ năm 2021, trong đó đề cập khá nhiều về AI. Theo báo cáo này, đại dịch toàn cầu COVID-19 đang đẩy nhanh việc chuyển đổi số; phóng viên mảng y tế và chuyên gia y tế là những bộ phận quan trọng của tòa soạn; báo chí dữ liệu đi đầu; làn sóng thông tin sai lệch tiếp theo sẽ liên quan vắc-xin; các phương tiện truyền thông đại chúng mạnh có vai trò to lớn; việc thu phí đọc báo online sẽ tăng tốc; giữ chân độc giả sẽ là từ khóa của năm 2021; làn sóng đa dạng hóa doanh thu tiếp theo sẽ là thương mại điện tử và sự kiện trực tiếp; các cơ quan báo chí-truyền thông bắt đầu giống các nhà bán lẻ; dữ liệu và thông tin sâu về độc giả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo; độc giả muốn có thiết kế và giao diện người dùng tốt hơn; các nền tảng như Facebook, Apple News… sẽ bắt đầu trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức theo nhiều cách khác nhau; tính trung lập, khách quan được quan tâm hơn; các dịch vụ bản tin newsletter kiểu như Substack sẽ phát triển, đem lại doanh thu lớn hơn; podcast và tin tức dạng audio sẽ tiếp tục tăng trưởng; AI sẽ quan trọng hơn…

Viện Nghiên cứu báo chí Reuters nhận định, sẽ xuất hiện nhiều tranh cãi dữ dội về tác động của AI đối với xã hội, như về tốc độ thay đổi, độ minh bạch, độ công bằng, khách quan… AI, tương tác thực tế ảo (AR), kết nối 5G và các thiết bị thông minh sẽ tác động đáng kể tới báo chí trong thập kỷ tới. Năm nay có thể xuất hiện việc tự động hóa các format đa phương tiện từ văn bản, tự động hóa các ngôn ngữ mới (các mô hình thần kinh đã cho phép dịch hơn 100 ngôn ngữ với chất lượng dịch thuật cao). Trong khi đó, mặt trái của AI sẽ trở nên rõ ràng hơn;các clip hình ảnh, âm thanh siêu giả (deep fake) sẽ xuất hiện ngày càng nhiều…

Mấy năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới sử dụng AI cho nhiều việc cụ thể, như trả lời câu hỏi về COVID-19 (BBC), xác định khách hàng tiềm năng (South China Morning Post), viết tin tài chính (Bloomberg), đưa tin về động đất (Los Angeles Times), sản xuất, biên tập tin video (Xinhua)…

MỚI - NÓNG