Văn hóa đọc, gu thẩm mỹ của thanh niên: Thiếu 'bộ lọc' tốt

Thanh niên luôn chờ đón những tác phẩm nghệ thuật có giá trị
Thanh niên luôn chờ đón những tác phẩm nghệ thuật có giá trị
TP - Lần đầu tiên các nghệ sĩ có nhiều sáng tác cho tuổi trẻ đã có buổi bàn về văn hóa đọc, gu thẩm mỹ cũng như những tác phẩm sáng tác cho người trẻ. Chương trình do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức sáng qua (23-1).

>> Giới trẻ đang thiếu định hướng thị hiếu thẩm mỹ

Thanh niên luôn chờ đón những tác phẩm nghệ thuật có giá trị
Thanh niên luôn chờ đón những tác phẩm nghệ thuật có giá trị . Ảnh: Đăng Khoa

Khi ca từ nhạt nhẽo lên ngôi

Gần 30 nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu đã tham gia giao lưu, chia sẻ những cảm xúc, trăn trở của mình về khó khăn khi sáng tác cũng như sự đón nhận của thanh niên.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu mở màn: "Chúng ta không khỏi giật mình khi gu thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ lệch lạc. Nhưng thực tế, các nhạc sĩ chân chính cũng thấy hiện nay có vô số bài hát thiếu sự tinh tế giữa các ca từ, ngữ điệu, nội dung thiếu tính định hướng...”.

Tiến sĩ (TS) văn học Đoàn Hương cho rằng, văn học nghệ thuật nói chung hiện nay nhàn nhạt, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của công chúng. TS Hương khẳng định: "Không ít bạn trẻ hiện nay tỏ ra thích thú những bài hát có ca từ không ý nghĩa như: Ông xã em number one; thích anh chàng Done Nguyễn giả gái hát xuyên tạc những bài thị trường…

"Khi giảng dạy, tôi từng hỏi các em yêu thích những tác phẩm nào? Thật sự ngạc nhiên pha chút đau xót khi các bạn đưa cho tôi một list bài hát, tác phẩm chủ yếu là của nước ngoài", TS Hương nói.

Theo TS mỹ học Thế Hùng, hiện nay khó kiếm được những thanh niên đọc đắm say các tác phẩm văn học hay có thói quen đọc sách hằng ngày mọi lúc, mọi nơi.

TS Hùng dẫn giải, nếu như ngày trước các thư viện, hiệu sách chật kín chỗ thì nay số lượng này giảm rất nhiều. Điều này cho thấy văn hóa đọc trong thanh niên đáng báo động. Tư duy, nhận thức của một phần nhỏ thanh niên chưa được định hướng đúng đắn.

TS Hùng cho rằng, những người sáng tác có tác động lớn đến tâm hồn, tư tưởng con người phải làm sao để khuyến khích sống đẹp, yêu đẹp và tổ chức Đoàn phải là đơn vị gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Bộ lọc tốt

Xung quanh chủ đề giới trẻ hiện nay đang có xu hướng lựa chọn dòng nhạc thị trường hoặc hướng ngoại hơn là những ca khúc truyền thống, nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập chia sẻ: "Thanh niên có quyền lựa chọn những gì phù hợp với mình. Chúng ta không thể cưỡng ép thanh niên sống với những gì họ không trải qua, quan trọng là làm sao để họ thấy yêu văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Nếu chúng ta có tác phẩm hay, họ luôn đón nhận".

Nhà thơ Bằng Việt: "Nếu không ý thức được việc trau dồi kiến thức bằng văn hóa đọc chúng ta sẽ có một lớp trẻ què quặt trong tâm hồn".

Nhà thơ Nguyễn Trung Sơn: "Chúng ta phải biết chấp nhận thị hiếu của thanh niên và biết cách nói chuyện với họ bằng tác phẩm. Nhiệm vụ của người sáng tác rất nên có những tác phẩm có nội dung định hướng".

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Chúng ta nên có niềm tin vào giới trẻ và sáng tạo những tác phẩm chất lượng phục vụ họ”.

Với trách nhiệm người sáng tác, Trần Lập cho rằng trong nghệ thuật, ranh giới giữa sự "thông tục" và "tính đời sống" là rất mong manh. “Vì thế, chính nghệ sĩ phải biết tự cải thiện mình. Trong nghệ thuật chỉ có hay và dở. Tác phẩm không hay, không phù hợp sẽ bị loại bỏ. Sự thật, cũng có nhiều tác phẩm mình là người trẻ mình cũng thấy khó nghe nhưng vấn đề mình có bộ lọc tốt sẽ không chọn tác phẩm đó để nghe" - Trần Lập cho biết.

Một tác phẩm đến được với công chúng phụ thuộc vào cả một quy trình. Từ người sáng tác đến người thể hiện, người sản xuất và cuối cùng là khâu phát hành.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải với nhiều sáng tác về thanh niên, gần đây nhất là ca khúc Cho con là người Việt Nam. Bài hát dùng lời ru để căn dặn đứa con tuổi trưởng thành được lan truyền trên mạng khá nhanh. Anh cho biết có nhiều comment xúc động và đó chính là động lực để anh sáng tác. “Vì thế không nên nghĩ, thanh niên đang thích nhạc thị trường hơn hay không" - anh Hải nói.

Nhiều sinh viên có mặt tại buổi hội thảo có chung quan điểm với nhà văn Thụy Anh: "Để tạo nên nhận thức và tư duy thẩm mỹ cho thanh niên chủ yếu là nền tảng giáo dục trong nhà trường. Đó là quá trình tạo bộ lọc. Vì thế, nếu thanh niên nào được đào tạo bài bản sẽ lựa chọn tác phẩm nghệ thuật có giá trị".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đánh giá sản phẩm âm nhạc, tác phẩm văn học, nghệ thuật có tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng của thanh niên. Ông cho rằng, tổ chức Đoàn nên có nhiều buổi giao lưu, trao đổi giữa nhạc sĩ và thanh thiếu niên để cùng hiểu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG