Văn không cần hình ảnh?

Văn không cần hình ảnh?
TP - Câu văn ngay trang đầu cuốn Lolita của Nabokov được Dương Tường dịch là “trên dòng kẻ có những dấu chấm” bị nhiều người cho rằng dịch không thoát, khó hiểu. Họ gợi ý đổi thành “trong những tờ khai”. Mẫu in sẵn của tờ khai ở Âu - Mỹ có những dòng kẻ do những dấu chấm hợp thành, để điền thông tin cần thiết của cá nhân vào đấy. 

Đổi vội vàng như thế thì tiện quá. Nếu thế thì người viết văn không cần dùng hình ảnh nữa, có gì cứ nói toạc ra để cung cấp thông tin chính xác và trực tiếp cho xong. 

Thay cho viết: “Thôi đừng có con tằm nhả tơ nữa” thì viết thẳng ra rằng: “Thôi đừng có dài dòng loanh quanh nữa”.   

Thay cho viết: “Nó ngồi cho đến hết giờ thi rồi nộp giấy trắng” thì viết: “Nó ngồi đến hết giờ thi mà không viết được chữ nào”. 

Thay cho viết: “Ông đã ở dưới ba thước đất” thì viết: “Ông đã chết”.

Dịch cũng thế. Có dịch giả người Mỹ khi chuyển tác phẩm của tôi sang tiếng Anh, cũng đã bỏ một số hình ảnh như vậy, rồi thay thế bằng cách diễn nôm trực tiếp. Tôi không đồng ý, tôi đề nghị họ giữ lại những hình ảnh và cách ví von của tiếng Việt, rồi chú thích ý nghĩa của chúng bằng tiếng Anh. Hoặc tìm được một hình ảnh tương đương trong tiếng Anh thì nhất, nhưng khó, không phải bao giờ cũng tìm được. Hữu xạ tự nhiên hương, phải dịch nghĩa nôm na là nếu anh thơm thì tự động người ta sẽ ngửi thấy, nhưng tốt hơn cả là tìm được một tục ngữ tương đương: Handsome is what handsome does (anh đẹp thì cái đẹp của anh sẽ bộc lộ qua việc anh làm).

Dịch diễn nôm, cốt để lấy ý cho người đọc hiểu, hay là giữ lại hình ảnh gốc rồi chú thích để người đọc thưởng thức một cái lạ. Đây vẫn còn là tranh cãi trong giới dịch thuật. 

Chẳng hạn câu này: Nhưng một khi màn bụi đã bắt đầu rơi xuống (Moon Palace, tr. 22). Người đọc không hiểu bụi với đất gì ở chỗ này. Thực ra câu này có nghĩa là: Nhưng một khi mọi việc đã lắng xuống. Muốn giữ nguyên hình ảnh gốc thì chuyển thế cũng được, nhưng cần chú thích, kẻo người đọc thấy tối nghĩa, hoặc hiểu theo một nghĩa khác.

Ông Dương Tường khăng khăng không chịu từ bỏ cái hình ảnh “trên dòng kẻ có những dấu chấm” của Nabokov để diễn nôm thành ý trực tiếp. Có thể có người đọc không hiểu cái ý này mà ở châu Âu ai cũng hiểu, như con tằm nhả tơ thì người Việt hầu như ai cũng hiểu, nhớ cả sự tích, nhưng với người nước ngoài thì phải chú thích. Thế thì cái ý kia của Nabokov cũng nên được giữ nguyên, kèm theo chú thích là ổn.

MỚI - NÓNG