Vật vã đăng kí thi đánh giá năng lực: Những câu hỏi cần Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đợt đăng kí thi đánh giá năng lực năm 2024 được Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng từ 9h00 hôm 18/2, đã trở thành đợt đăng kí nhớ đời đối với phụ huynh và thí sinh. 

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đến 17 giờ 00, hôm 18/2, số lượng thí sinh đã chọn ca thi là 49.328, đạt 93,7 % số chỗ thiết kế phục vụ các đợt thi tháng Ba và tháng Tư năm nay. Hiện tại, các điểm thi tại một số tỉnh ngoài Hà Nội vẫn còn chỗ để thí sinh lựa chọn.

Vật vã đăng kí thi đánh giá năng lực: Những câu hỏi cần Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời ảnh 1

Thí sinh dự thi HSA năm 2023

Cổng đăng ký thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) năm 2024 của ĐHQGHN mở từ 9h00 ngày 18/2 tiếp nhận hồ sơ các thí sinh dự thi HSA các đợt thi trong tháng Ba và tháng Tư năm 2024. Ba đợt thi đầu tiên của năm 2024 (401, 402 và 403 – mã do ĐHQGHN đặt) thiết kế phục vụ trên 51.500 lượt thi tại 17 địa điểm thi ở các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương.

Số lượng tài khoản ghi nhận trên cổng đăng ký đến thời điểm chiều qua là 121.679. Thí sinh khu vực Hà Nội chiếm khoảng 37%, tiếp đó là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa…

Thời điểm 9h25 phút có số lượng thí sinh đăng nhập cao điểm trên 96.200 tài khoản dẫn đến hệ thống nghẽn mạng. Đến 14h30 cùng ngày, hệ thống đăng ký hoạt động trở lại bình thường khi một phần thí sinh hoàn thành việc chọn ca thi.

Tuy nhiên thực tế, nhiều phụ huynh ở Hà Nội phản ánh hệ thống đăng kí thi HSA của ĐHQGHN hôm qua nghẽn tới 6 tiếng, phải đến 15h30 mới đăng kí được.

Không những thế, phụ huynh thắc mắc, đăng kí đã mệt, khi thanh toán cũng mệt không kém. Vì ĐHQGHN chỉ cho phép chuyển tiền qua hệ thống thanh toán của Viettel với 3 kênh: Viettel app, Viettel pay, Viettel money. Có phụ huynh chuyển qua Viettel money không được lại mất thời gian chuyển qua Viettel pay.

Đại diện Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN cho biết hệ thống thanh toán Viettel chỉ thu giúp lệ phí thi đánh giá năng lực, phụ huynh, thí sinh chuyển tiền không mất phí. Nhưng theo phụ huynh, các hệ thống thanh toán khác cũng không mất phí khi người dân thực hiện giao dịch qua đơn vị thanh toán thứ 3 này, không riêng hệ thống của Viettel.

Phụ huynh, thí sinh muốn nộp lệ phí dự thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024 bắt buộc phải tải áp thanh toán của Viettel, tại sao ĐHQGHN không đa dạng hóa các kênh thanh toán như chuyển khoản và các hệ thống thanh toán khác mà làm khó phụ huynh? Vì với số lượng thí sinh, phụ huynh thực hiện giao dịch thanh toán lệ phí dự thi HSA con số cũng không nhỏ.

Băn khoăn nữa của phụ huynh chính là tình trạng nghẽn mạng khi đăng kí. Những năm trước, khi ĐHQGHN mở cổng đăng kí đều xảy ra tình trạng nghẽn mạng cục bộ trong thời gian ngắn, như năm 2023 khoảng 90 phút. Nhưng năm nay, có nơi thời gian mạng “chết lâm sàng” lên tới 6 tiếng.

Phía Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN giải thích rằng do số lượng chỗ dự thi chỉ có hạn mà số thí sinh muốn đăng kí dự thi quá lớn nên xảy ra tình trạng nghẽn này. Đơn vị này cũng khẳng định nếu năm sau số lượng thí sinh đông hơn thì tình trạng nghẽn sẽ tiếp tục diễn ra lâu hơn.

Trừ khi tăng quy mô chỗ thi lên đáp ứng tất cả nhu cầu trong 1, 2 đợt thi. Tuy nhiên, thời gian tới ĐHQGHN chắc chắn vẫn phải duy trì nhiều đợt thi vì nếu còn 1 đợt thi thì không thể có 100.000 máy tính cùng lúc cho thí sinh dự thi.

Nhưng anh Trần Hùng, có con đăng kí dự thi năm nay băn khoăn, ĐHQGHN là đơn vị đào tạo ĐH, nghiên cứu lớn nhất cả nước. Đồng thời còn có 1 trường ĐH chuyên đào tạo về công nghệ. Trong khi số lượng thí sinh lúc truy cập hệ thống đông nhất cũng chỉ trên 96 nghìn lượt, con số vẫn chưa phải là quá lớn. Tình trạng nghẽn mạng cũng đã diễn ra ở các mùa thi trước, tại sao ĐHQGHN không cải thiện được tình hình này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN không tham gia vào khâu kĩ thuật hạ tầng của kì thi HSA do Trung tâm Khảo thí tổ chức.

Còn theo chuyên gia công nghệ thông tin, về lí thuyết xử lí kĩ thuật giải quyết vấn đề nghẽn mạng không khó. Có thể phía Trung tâm Khảo thí chưa dự đoán trước được nhu cầu của thí sinh lớn thế nên mới xảy ra tình trạng nghẽn mạng nghiêm trọng thế. Khó nhất của kì thi này là số lượng máy tính để cho thí sinh dự thi cùng lúc tại các điểm thi là có giới hạn.

“Các trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài còn tổ chức được trên toàn thế giới không bị nghẽn mạng khi đăng kí nên vấn đề ở đây vẫn là phần kĩ thuật”, một chuyên gia nhận định.

MỚI - NÓNG