Về Kim Sơn xem làng nghề cói mỹ nghệ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Trải qua bao thăng trầm, nghề cói Kim Sơn đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong huyện mà còn sang các huyện khác như Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp… Hiện nay, huyện Kim Sơn có 100% làng, xã đều tham gia chế biến cói; 20 làng nghề cói được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói. 

Mỗi năm doanh thu từ chế biến cói của toàn huyện ước đạt trên 200 tỷ đồng. Nghề trồng, chế biến cói đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho 23.250 lao động địa phương. 

Trước đây sản phẩm cói của Kim Sơn chủ yếu là chiếu cói, ngày nay các sản phẩm được chế tác từ cói rất đa dạng, phong phú. Ngoài chiếu cói còn có thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách,…đều được làm từ cây cói.

Sở dĩ sản phẩm cói mĩ nghệ của Kim Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng là vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc mà giá thành lại rẻ.

Để có được một sản phẩm cói mĩ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kĩ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm. Điển hình như kĩ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình vận chuyển qua hàng nghìn cây số đường biển trong quá trình xuất hàng ra nước ngoài. Nhờ đó mà sản phẩm cói mĩ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để làng cói Kim Sơn thực sự phát triển và trở thành một thương hiệu thủ công mạnh trên thị trường Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) đã thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cói mỹ nghệ Kim Sơn” dùng cho sản phẩm làm từ cói tại huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình”.

Trong thời gian 22 tháng (từ tháng 8-2013 đến tháng 5-2015), dự án tập trung vào việc xác lập quyền sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể “Cói mỹ nghệ Kim Sơn” dùng cho các sản phẩm làm từ cói huyện Kim Sơn; thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể trên thực tế với mô hình thí điểm; nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, tạo lập và phát triển các kênh thương mại nhằm đảm bảo tính ổn định của đầu ra cho sản phẩm, gìn giữ và phát triển danh tiếng. 

Dự án được chia thành nhiều phần với nhiều nội dung công việc khác nhau: Xác lập và thống nhất tổ chức tập thể đứng tên đăng ký nhãn hiệu tập thể (là Hiệp hội nghề cói tỉnh Ninh Bình); thiết kế, lựa chọn mẫu nhãn hiệu tập thể để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng quy chế trao và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nộp hồ sơ và theo đuổi hồ sơ; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cói; xây dựng phương án khai thác nhãn hiệu tập thể; tổ chức đánh giá khả thi, tính hiệu quả của hệ thống các phương tiện quản lý khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể trước khi áp dụng vào thực tế; triển khai hỗ trợ các hoạt động quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể.

Khi tham gia dự án, người trồng, chế biến sản xuất cói sẽ được hướng dẫn, giám sát thực hiện các quy trình sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Người sản xuất sẽ sử dụng logo, tem, nhãn sản phẩm, ký hiệu, nhận biết sản phẩm nhãn hiệu tập thể do dự án xây dựng, đồng thời giúp tiêu thụ sản phẩm cói mỹ nghệ mang nhãn hiệu tập thể thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển. 

Trên phương diện đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm, người sản xuất các sản phẩm cói mỹ nghệ mang nhãn hiệu tập thể Kim Sơn sẽ được pháp luật bảo vệ khi thương hiệu cói Kim Sơn bị vi phạm. Đối với người tiêu dùng trong và ngoài sẽ được mua sản phẩm làm từ cói mang nhãn hiệu tập thể Kim Sơn có chất lượng theo từng dòng sản phẩm đã quy định, sản phẩm được đảm bảo bằng các hệ thống hay các ký hiệu nhận diện, các tiêu chí về chất lượng đặc trưng của từng sản phẩm, tính thống nhất của hệ thống quản lý.

Trong thời gian tới khi nhãn hiệu tập thể “cói mỹ nghệ Kim Sơn” được hoàn thành chắc chắn uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ được nâng cao.Qua đó, giữ gìn và phát triển các làng nghề sản xuất cói mỹ nghệ Kim Sơn, góp phần phát triển vùng, phát triển kinh tế nông thôn.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Tuổi dậy thì dễ mắc những bệnh gì?

Tuổi dậy thì dễ mắc những bệnh gì?

TPO - Giai đoạn dậy thì (nam từ 13-18 tuổi, nữ từ 11-15 tuổi) là thời kỳ cơ thể phát triển… thần tốc. Đây là độ tuổi khỏe mạnh nhưng do có sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý nên cũng dễ gặp phải một số bệnh, PGS. TS. Hoàng Đình Âu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ.
Bạn có thể bị ung thư da tại… mắt

Bạn có thể bị ung thư da tại… mắt

TPO - Môi trường sống ngày càng thay đổi theo chiều hướng xấu đi, khiến con người phải tiếp xúc với nhiều chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là làn da. Nhiều trường hợp trở thành bệnh ung thư da. Ung thư da gây ra những nguy hiểm khó lường tới sức khỏe của người bệnh.
Bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với những người sau

Bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với những người sau

TPO - Cuối mùa đông và đầu mùa xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh cúm. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm truyền qua không khí và xâm nhập vào cơ thể qua mũi hoặc miệng. Bất cứ ai cũng dễ bị nhiễm virus cúm.