Về rồi nhớ lúm đồng tiền…

Chị Lò Thị Toản chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch bên tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Chị Lò Thị Toản chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch bên tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
TP - Họ là những người trẻ. Rất trẻ. Xuất phát điểm và quê quán khác nhau nhưng tất cả đã tụ hội về mảnh đất lịch sử này chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Với họ, dịp may hiếm hoi trong đời là cơ hội để họ rèn luyện, tri ân và trưởng thành.

Tình nguyện

Thành phố Điện Biên Phủ nóng hầm hập những ngày tháng 4. Cả thành phố sôi động, náo nhiệt hơn khi đón hàng triệu lượt du khách, trong đó phần nhiều là các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây cũng là dịp để tuổi trẻ của mảnh đất lịch sử này đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào thành công của ngày đại lễ.

Đang là sinh viên năm nhất Đại học Văn hóa Hà Nội, tranh thủ sắp xếp lịch học ở trường, đã hơn một tháng nay, Phạm Thị Huyền (SN 1995) trở về Điện Biên xin gia nhập đội hướng dẫn viên du lịch tình nguyện phục vụ các đoàn khách tham quan. Khoác lên người bộ trang phục của dân tộc Thái, trông Huyền duyên dáng và nữ tính. “Mình cũng là người Thái nhưng Thái Bình”, Huyền cười. 

Huyền là người Kinh nhưng sinh ra và lớn lên ở Điện Biên. Ngay từ nhỏ, Huyền đã được ông bà, bố mẹ và thầy cô truyền dạy nhiều thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng vì thế mà bây giờ, Điện Biên gần như trở thành quê hương của Huyền. 

“Dịp này, may mắn là mình sắp xếp được lịch học nên xin về quê làm hướng dẫn viên phục vụ đại lễ”, Huyền kể. Học ngành Văn hóa, lại có sẵn vốn kiến thức về Điện Biên Phủ, nhưng để có thêm kinh nghiệm và cách hướng dẫn sinh động, hấp dẫn, Huyền phải học và đọc thêm nhiều tài liệu trên mạng, đồng thời tham gia khóa huấn luyện trước khi đi dẫn đoàn. “Thế mà lần đầu tiên dẫn đoàn vẫn run. Đứng trước đông người, lại nói về kiến thức lịch sử nên càng khó khăn hơn”, Huyền chia sẻ.

Vừa bán xong món đồ lưu niệm cho khách, thấy đoàn cựu chiến binh vào tham quan mà không có người hướng dẫn, nghe tiếng gọi của chị quản lý, Huyền đeo bộ phát thanh vào bên hông, nhanh nhảu nhận dẫn khách vào tham quan bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…

Chờ hơn nửa tiếng ngoài cửa mới thấy Huyền bước ra. Chưa kịp hỏi chuyện, gạt vệt mồ hôi trên trán, Huyền nhanh nhảu “Mình phải đưa các bác sang khu di tích A1, hầm tướng Đờ Cát và tượng đài Chiến thắng nữa”. 

Về rồi nhớ lúm đồng tiền… ảnh 1

Phạm Thị Huyền đang hướng dẫn cho du khách trên đồi A1

Theo chân Huyền sang đồi A1, sự nhiệt tình và hướng dẫn chi tiết của cô gái tuổi 20 khiến nhiều người ngạc nhiên. “Trước mặt các cô, các bác, các anh, các chị đang là hố của khối bộc phá 1.000kg. Tại đây, vào đêm ngày 6/5/1954 đã diễn ra trận chiến ác liệt…”, Huyền giới thiệu. Huyền đứng giữa vòng vây của du khách, nói liên tục. Tranh thủ lúc du khách chụp ảnh lưu niệm, Huyền kể, trung bình mỗi ngày dẫn được khoảng 3 – 5 đoàn khách đi tham quan một lượt các địa điểm lịch sử. 

“Nắng nóng, mệt mỏi nhưng phải cố gắng thôi. Đây là dịp tốt để thể hiện tình yêu, cống hiến cho thành phố mà”, Huyền nói. Huyền bảo nhiều khi cũng bí, vì du khách hỏi những câu rất khó. Ví dụ như Tướng Đờ Cát ăn trong hầm thế nào, ngủ tại đâu, người Thái đen, Thái trắng khác nhau như thế nào, tại sao lại phải búi tóc lên trên đầu…Bằng kinh nghiệm của bản thân, cộng với kiến thức học từ sách vở, gia đình, Huyền vẫn trả lời làm hài lòng du khách.

Vừa tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia Hà Nội, trở về quê hương Điện Biên chờ việc, Lường Thị Thu Hương (SN 1990) cũng tham gia vào đội hình hướng dẫn viên du lịch dịp kỷ niệm 60 năm. “Cũng được ban quản lý hỗ trợ một ít chi phí, nhưng chủ yếu là giúp hướng dẫn du khách tham quan”, Hương nói. Là người dân tộc Thái, sinh sống tại Điện Biên từ nhỏ, nên Hương hiểu biết nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy nhiên, vẫn phải học thêm từ trên mạng và các tài liệu lịch sử. 

“Mình gặp nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Lúc ấy, mình trở thành “du khách” để nghe các bác ấy kể chuyện”, Hương cười. Hương bảo, ấn tượng nhất là đoàn đại biểu cựu chiến binh từ Lệ Thủy (Quảng Bình), quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra thăm. 

“Trên xe, mình có kể chuyện, hát mấy bài hát về Điện Biên cho các bác nghe. Ai cũng xúc động”, Hương nói. Tuy vất vả, cực nhọc, nhưng Hương cho rằng đây là việc làm ý nghĩa nên lúc nào cũng cố gắng hết sức có thể.

Nhà ở ngay thành phố Điện Biên Phủ, thu xếp việc gia đình, Lò Thị Toản (SN 1987) cũng tham gia vào đội hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách. “Từ ngày bắt đầu đi học, mình đã mong có ngày sẽ được làm việc giúp ích cho quê hương”, Toản nói. Cùng đội với Toản còn có Tòng Thị Lệ. Lệ sinh năm 1992, ở Tuần Giáo. Hiện Lệ thuê nhà trên thành phố Điện Biên Phủ để đi làm hướng dẫn viên du lịch. “Mình sẽ làm đến khi kết thúc lễ hội mới thôi”, Lệ nói.

Tri ân

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 40 cây số, Mường Phăng - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cũng là một điểm đến của rất nhiều du khách. Ông Lò Văn Hoàng, Ban quản lý di tích Mường Phăng cho biết, những ngày này, du khách đổ về đông. 

Về rồi nhớ lúm đồng tiền… ảnh 2

Cà Thị Minh đang hướng dẫn cho du khách trong khu di tích lịch sử Mường Phăng

“Cuối tuần, có đến cả ngàn lượt khách đến tham quan”, ông Hoàng nói. Cùng với hai nhân viên hướng dẫn du lịch tại chỗ, hiện nay, khu di tích Mường Phăng cũng được tăng cường thêm người từ thành phố vào. “Tất cả đều chung một mong muốn làm sao để hài lòng du khách đến tham quan”, ông Hoàng nói.

“Mình tiếp nối truyền thống của gia đình, cũng là một cách để tri ân những thế hệ đi trước. Mình lúc nào cũng cố gắng hết sức để cống hiến vì quê hương”

Lò Thị Thủy

10 giờ trưa, trời Mường Phăng nắng nóng như lửa. Cô hướng dẫn viên người Thái tên Cà Thị Minh được phân công dẫn đoàn đi tham quan khu di tích lịch sử Mường Phăng. “Muốn biết người Thái lấy chồng hay chưa, hãy nhìn lên đầu họ và vui lòng không sờ vào hiện vật”, cả đoàn du khách bật cười với lời giới thiệu hóm hỉnh của Minh. Minh kể, mỗi ngày, trung bình dẫn khoảng 4 - 5 đoàn vào tham quan, lúc cao điểm có thể gần chục đoàn/ngày. 

“Mỗi lần đi khoảng gần 1 cây số đường dốc, cũng mệt lắm”, Minh lấy tay gạt nhẹ mồ hôi. Cũng vì ngay lời giới thiệu đầu tiên đã nói đến “không sờ hiện vật”, nên suốt cả hành trình, Minh được gọi là “cô hiện vật”. Minh chia sẻ, dù vất vả đến mấy thì cũng cố gắng vui cười với khách tham quan, hướng dẫn nhiệt tình, vì được làm việc ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 60 năm. 

“Có người còn viết cảm nhận về hướng dẫn viên trong sổ ghi cảm tưởng nữa đấy”, Minh cười rồi đọc hai câu thơ viết về mình “Về rồi nhớ lúm đồng tiền - Đôi mắt biết nói dịu hiền dễ thương”.

Cùng là “chủ công” hướng dẫn du lịch tại Mường Phăng với Minh là Lò Thị Thủy (SN 1989). Thủy đã làm việc này trong suốt 5 năm. Thủy là trường hợp đặc biệt khi là cháu của cụ Lù Thị Đôi - người có vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần. Có lẽ, cũng vì thế mà Thủy gắn bó với nghề này, đồng thời có thêm nhiều tư liệu từ gia đình để giới thiệu với du khách. Không chỉ có thế, Thủy còn là phiên dịch viên cho các cựu chiến binh mỗi khi thăm và nói chuyện với cụ Đôi về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

“Mình tiếp nối truyền thống của gia đình, cũng là một cách để tri ân những thế hệ đi trước. Mình lúc nào cũng cố gắng hết sức để cống hiến vì quê hương”, Thủy nói.

MỚI - NÓNG