Ve sầu hoành hành cà phê

Ve sầu hoành hành cà phê
TP - Vài tháng trở lại đây, hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê tại xã Nam Yang, Tân Bình… huyện Đak Đoa (Gia Lai) như ngồi trên lửa khi sắp đến mùa thu hoạch nhưng cà phê lại vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết.

Ông Nguyễn Công Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang, cho biết: Qua đợt khảo sát gần đây của Hội, cả xã Nam Yang, có khoảng 20% trong số gần 1.300 ha cà phê bị ve sầu cắn phá. Cơ quan chức năng của huyện Đak Đoa đã về tìm hiểu, kết quả ban đầu cho thấy, mỗi gốc cà phê có hàng chục ấu trùng ve sầu.

Ông Bình dẫn chúng tôi đi thực địa tại 2 ha rẫy cà phê bị ảnh hưởng nặng bởi nạn ve sầu. Rẫy của ông Nguyễn Văn Hải tại thôn 5 đang trong thời kỳ cho năng suất cao nhất nhưng năm nay, ve sầu phá nên sẽ mất đến 80% năng suất. Những cây cà phê cao hơn đầu người đang độ sung sức, nhưng lá bị vàng, trên lá có nhiều vết lấm chấm cháy như bị bệnh gỉ sắt, quả ít lại nhỏ li ti. Chỉ vào đám chồi rũ, ông Bình bảo rằng, cây đã bị ve sầu cắn rễ.

Bước sang rẫy cạnh đấy, ông Nguyễn Văn Thanh dùng cuốc đào từng gốc cà phê lên chỉ cho chúng tôi xem. Có nhiều ấu trùng ve sầu trắng muốt. Đào chừng hơn mười phút, ông Thanh moi lên gần hai chục con. Ông cho biết, mỗi gốc cà phê bị vàng lá, rụng quả có không dưới trăm ấu trùng ve sầu. Nếu tính theo mức giá cà phê nhân hiện tại, gia đình ông sẽ tổn thất hơn trăm triệu đồng.

Ông Bình cho biết thêm, tại xã Nam Yang, cây cà phê bị nạn ve sầu phá hoại, đã có mấy năm nay, tuy nhiên năng suất bị ảnh hưởng không đáng kể. Năm nay nạn ve sầu phá cà phê đã thành dịch. Một số nông dân đã mua chế phẩm sinh học dùng cùng vôi để diệt thử nhưng chưa thấy hiệu quả.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tại Gia Lai không chỉ Đăk Đoa mà nhiều vùng chuyên canh cà phê như Ia Grai, Chư Pah, Chư Sê cũng xuất hiện nạn ve sầu hoành hành, nghiêm trọng nhất là tại các Cty Cà phê Ia Sao I, Cty Cà phê Ia Sao II. Một cán bộ kỹ thuật của Cty Cổ phần khử trùng Việt Nam đại diện ở Tây Nguyên cho biết, tình trạng cà phê bị ve sầu đang làm đau đầu ngành bảo vệ thực vật, bởi loại thuốc đặc trị chưa có, các ấu trùng ve sầu chui rất sâu trong lòng đất ăn sạch toàn bộ rễ cám cây cà, phê khiến cây bị suy dinh dưỡng nhanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG