Vẽ về sinh viên để thấy mình tươi trẻ

Vẽ về sinh viên để thấy mình tươi trẻ
SVVN - “Mỗi năm có cả chục cuộc thi vẽ biểu trưng, chưa kể những đơn đặt hàng riêng nhưng với tôi, được tham gia các cuộc thi liên quan đến giới trẻ luôn mang lại cảm giác đặc biệt, tôi thấy mình như được sống lại thời sinh viên sôi nổi”, họa sĩ Phạm Tam, người vừa giành giải Nhất cuộc thi sáng tác biểu trưng tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 – 20223, chia sẻ.

Nhìn vào phẩm chất của người trẻ

Họa sĩ Phạm Tam là giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM. Anh cũng là cái tên quen thuộc và có tiếng tại rất nhiều cuộc thi vẽ biểu trưng: “Có rất nhiều cuộc thi nhưng không phải lần nào tôi cũng tham gia. Với những sự kiện của sinh viên, tuổi trẻ, điều hấp dẫn tôi và nhiều anh em họa sĩ khác là chất sôi nổi, trẻ trung của các bạn như hòa vào chúng tôi. Làm công tác giảng dạy nên khi biết có cuộc thi, tôi vẫn thường cổ vũ học trò cùng tham gia. Có khi đoạt giải, tôi lại thấy mình dạy dở; còn khi học trò được vinh danh, tức là mình… dạy tốt”.

Vẽ về sinh viên để thấy mình tươi trẻ

Tác phẩm đoạt giải Nhất của hoạ sĩ Phạm Tam đã được chọn làm Biểu trưng chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X

Với tác phẩm đoạt giải Nhất lần này, theo Họa sĩ Phạm Tam, cái khó không phải là kỹ thuật thể hiện ra bản vẽ mà nằm ở việc nắm bắt tinh thần của cuộc thi, chọn ngôn ngữ thiết kế làm sao phải toát lên chất trẻ trung, sôi nổi và tri thức gắn liền với những diễn biến cuộc sống: “Phải nhấn vào sự tươi mới, nhiệt huyết, trái tim vì cộng đồng, đó là những phẩm chất của người trẻ hiện nay. Họ có tri thức, có hoài bão và tinh thần cống hiến. Yếu tố cuối cùng là nhấn vào con số X của Đại hội. Trong tác phẩm này, tôi chọn và nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bao trùm lên đời sống đất nước và các bạn sinh viên, đại diện cho lớp trí thức trẻ sẽ đón nhận cơ hội và thách thức từ thời cuộc. Tất cả thể hiện bằng ngôn ngữ đơn giản nhưng phải làm bật lên sự chuyển động của khoa học kỹ thuật, sinh viên làm chủ tri thức”.

Vẽ về sinh viên để thấy mình tươi trẻ

Anh Phạm Công Luận, Phó TBT báo SVVN trao giải cho tác giả Phạm Tam (giữa) và Hồ Sỹ Khải

Từ lúc còn là sinh viên, họa sĩ Phạm Tam đã bắt đầu đến với công việc vẽ biểu trưng, “logo” cho các cuộc thi và các doanh nghiệp. Giải thưởng đầu tiên của anh là tại cuộc thi vẽ biểu trưng  “300 năm Sài Gòn – Gia Định” hồi cuối thập niên 1990, khi đó, anh đoạt giải Khuyến khích. Sau đó, tác phẩm của chàng sinh viên Kiến trúc đã được sử dụng chính thức cho sự kiện lớn này.

153 giải thưởng

Giải thưởng đầu tiên ngay lập tức tạo nên thương hiệu cho Phạm Tam. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã tìm đến chàng trai quê Bình Thuận này để nhờ vẽ. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP. HCM, họa sĩ Phạm Tam làm việc cho một số đơn vị nhưng “duyên” giảng dạy đã đưa anh trở lại trường năm 2003, trở thành giảng viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp.

Ở rất nhiều cuộc thi sau lần đoạt giải đầu tiên đó, Phạm Tam thường xuyên dự thi và gặt hái vô số giải thưởng, từ cơ quan Nhà nước đến các công ty, từ cấp trung ương đến địa phương, từ lớn đến nhỏ. Trong giới vẽ biểu trưng tại Việt Nam, có lẽ anh thuộc số những người giành nhiều giải thưởng nhất. Một số giải thưởng khác gắn liền với tên tuổi của Phạm Tam: Giải Nhất “logo” Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần III, năm 2009 (3th Asian Indoor Games Vietnam 2009), giải Nhất “logo” Đa dạng sinh học Việt Nam, giải Nhất “logo” Hội nghị Thương mại ASIAN, giải Nhất “logo” Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, giải Nhất “logo” TP. Vinh, “logo” tỉnh Tiền Giang... Anh cũng là tác giả tạo nên “logo” của nhiều thương hiệu: SAGRI, Herbal Pharma, Local Mart, SHTP, Satra Mart....

“Trước khi tham dự  cuộc thi của Hội Sinh viên Việt Nam, tổng cộng, tôi đã giành 151 giải. Với 2 giải lần này, con số đã là 153 giải thưởng lớn nhỏ, ở các cấp độ khác nhau. Tôi sáng tác khá nhiều “logo” nhưng hoàn toàn không sống bằng nghề này. Tuy nhiên, vẽ “logo” cũng giúp tôi tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong nghề nghiệp. Tôi nghĩ, đây là một nghề rất hấp dẫn cho các bạn trẻ”. Theo Phạm Tam, lĩnh vực thiết kế đồ họa tại các trường đại học, cao đẳng luôn thu hút rất đông sinh viên và việc giảng dạy vẽ “logo” đã được đưa vào chương trình đào tạo. Đây là môn học chính thức, mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, kinh tế cho các tổ chức, doanh nghiệp... “Logo” không phải là thời trang trong một thời gian ngắn mà mang giá trị biểu tượng lâu dài. Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới không bao giờ thay đổi “logo” hoặc phải tốn kém rất nhiều kinh phí, uy tín thương hiệu khi buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay môn học về “logo” vẫn chưa có chuyên khoa đào tạo. Đây cũng là nỗi trăn trở của họa sĩ Phạm Tam và nhiều họa sĩ khác.

Cuộc thi sáng tác biểu trưng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 do Hội Sinh viên Việt Nam và báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức, diễn ra từ 9/2/2018 đến 31/5/2018. Sau hơn 3 tháng tổ chức cuộc thi, đã có 157 tác phẩm của 65 tác giả trong toàn quốc gửi tham gia. Người gửi nhiều tác phẩm nhất là 7 tác phẩm, ít nhất là một tác phẩm. Sau 5 đợt phân loại, Ban Tổ chức đã chọn 40 tác phẩm để chấm Chung khảo. Kết quả, tác giả Phạm Tam đã giành giải Nhất và giải Ba chung cuộc (không có giải Nhì). Tác phẩm đồng giải Ba còn lại thuộc về họa sĩ Hồ Sỹ Khải (TP. HCM). Tác phẩm giành giải Nhất của tác giả Phạm Tam đã được Ban Tổ chức Đại hội chọn làm biểu trưng chính thức của Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, chất lượng tác phẩm dự thi tương đối đồng đều, cho thấy khả năng đồ họa vững vàng của các tác giả.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm