Vì sao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021 không có chủ nhân?

0:00 / 0:00
0:00
PGS. Phạm Tiến Sơn, trường Đại học Đà Lạt được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Ảnh Đình Nam
PGS. Phạm Tiến Sơn, trường Đại học Đà Lạt được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Ảnh Đình Nam
TPO - Từ năm 2013, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho các nhà khoa học Việt Nam có công trình xuất sắc vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Tuy nhiên năm nay, không có nhà khoa học nào được xướng tên.

Năm 2021, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) đơn vị tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu đã tiếp nhận được 41 hồ sơ phân bố ở cả 8 ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, trong đó Vật lý và Khoa học Nông nghiệp có nhiều hồ sơ nhất (9 hồ sơ/ngành).

Quy trình đánh giá Giải thưởng năm 2021 được thực hiện theo quy định như các năm trước, bao gồm kiểm tra điều kiện hồ sơ; xin ý kiến chuyên gia phản biện; đánh giá tại Hội đồng Khoa học ngành của Quỹ và Hội đồng Giải thưởng (HĐGT). Kết quả, các Hội đồng Khoa học đề cử 2 giải thưởng chính và 2 đề cử giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ để xem xét tại HĐGT.

Các hồ sơ đề cử đã được rà soát, hoàn thiện và gửi xin ý kiến chuyên gia phản biện quốc tế (trung bình 3 phản biện/hồ sơ) trước phiên họp của HĐGT. Cuối tháng 4, HĐGT năm 2021 đã tiến hành phiên họp đánh giá xét chọn hồ sơ. HĐGT năm nay, ngoài các Chủ tịch Hội đông khoa học ngành của Quỹ còn có sự tham gia của GS. Pierre Darriulat (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và GS. Henry Nguyen. T (Trường Đại học Missouri, Mỹ). Sau hơn 4 tiếng thảo luận và bỏ phiếu, HĐGT đã quyết định không đề xuất trao tặng Giải thưởng cho các hồ sơ đề cử.

GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021 cho biết theo quy trình, các nhà khoa học có thể tự ứng cử, hay các cơ quan có thể đề cử hồ sơ cho giải thưởng. Ở các Hội đồng Khoa học, các hồ sơ này sẽ được gửi cho 2 chuyên gia cùng chuyên ngành đánh giá. Sau đó các Hội đồng Khoa học chuyên ngành sẽ thảo luận và bỏ phiếu chọn nhiều nhất một hồ sơ cho giải thưởng chính và một hồ sơ cho giải thưởng trẻ đề cử lên HĐGT.

Năm nay, mặc dù số lượng hồ sơ tham gia đánh giá xét chọn của Giải thưởng tương đương với số lượng hồ sơ các năm vừa qua nhưng số lượng hồ sơ được các Hội đồng Khoa học đề cử khá hạn chế cả về số lượng và lĩnh vực; chỉ có 2/7 hội đồng chuyên ngành với 4 hồ sơ đề cử, trong khi năm 2020 là 8 hồ sơ.

Bản thân ngành Toán mà GS. Ngô Việt Trung cũng là Chủ tịch sau khi sàng lọc đã chọn được 2 hồ sơ thoả mãn các tiêu chí của giải thưởng. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu thì không có hồ sơ nào đạt 2/3 số phiếu bầu. Vì vậy, Hội đồng ngành Toán quyết định không đề cử ai. Tại vòng bỏ phiếu của HĐGT, GS. Ngô Việt Trung cũng cho biết 4 công trình được đề cử đều không đạt số phiếu quá bán. Căn cứ điều đó, Hội đồng giải thưởng thảo luận đi đến kết luận không có hồ sơ nào xứng đáng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021.

Theo GS Ngô Việt Trung, chất lượng của công trình được trao giải thưởng rất quan trọng. Nếu không giữ vững được chất lượng các công trình theo những tiêu chí đã đặt ra, sau này giải thưởng sẽ mất uy tín. Việc không trao giải thưởng cũng xảy ra ở các giải thưởng lớn trên thế giới. Ví dụ như giải thưởng nhà nước của Trung Quốc, trị giá khoảng 750.000 đô la Mỹ, được trao bởi Chủ tịch nước từ năm 2000 đã hai lần không trao giải thưởng. Đáng chú ý nhất là năm 2015, giải thưởng nhà nước Trung Quốc không có ứng viên nào được chọn nhưng cũng là năm đầu tiên Trung Quốc có người đang sinh sống trong nước đoạt giải Nobel.

GS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng ngành Vật lý, cho biết dù năm nay Hội đồng nhận được một số hồ sơ, trong đó có công trình xuất bản ở tạp chí uy tín nhưng không đề cử công trình nào lên HĐGT. Lý do hầu hết các công trình này mới được xuất bản chừng nửa năm trở lại đây trong khi Hội đồng ngành Vật lý cho rằng cần đánh giá công trình ở bình diện quốc tế, thông qua số lượng trích dẫn. Vì vậy, các thành viên hội đồng Vật lý thống nhất lùi thêm một năm nữa để có đánh giá chuẩn xác hơn về chất lượng công bố với các công trình này.

Đề xuất điều chỉnh Quy chế xét giải thưởng

Qua thời gian 8 năm triển khai, GS. Ngô Việt Trung cho rằng đến lúc cần điều chỉnh lại quy chế xét giải thưởng để phù hợp hơn với thực tế. Ví dụ như quy định của giải là tự đề cử trong khi các giải thưởng quốc tế thường quy định rõ không nhận hồ sơ này. Thực tế, các nhà khoa học cũng ngại tự đề cử mình được giải thưởng. Cơ cấu của giải theo GS. Ngô Việt Trung cũng cần thay đổi theo hướng nên có nhiều giải thưởng trẻ để để khuyến khích giới trẻ đạt thành tích cao trong nghiên cứu.

Nếu có giải thưởng trẻ cho từng chuyên ngành là tốt nhất vì những người trẻ trong các ngành thực nghiệm rất khó có những công bố xuất sắc. Ở ngành này, phụ thuộc nhiều vào các phòng thí nghiệm và các cộng sự. Cũng vì những lý do này, GS. Ngô Việt Trung mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ nên xét việc trao giải cho công trình của một tập thể hay cụm công trình thay vì chỉ xét trao giải cho một cá nhân có một công trình xuất sắc. Những đề xuất này sẽ mở rộng hơn đối tượng được trao giải.

GS Nguyễn Hữu Đức cũng bày tỏ sự ủng hộ năm sau quy chế nên thay đổi một chút. “Hiện nay, các tiêu chí của giải đang nặng về chỉ số cứng như ảnh hưởng của tạp chí, còn khả năng phân tích sâu giá trị của từng công trình vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, theo tôi cần cân đối tiêu chí cứng với giá trị cụ thể và những điểm độc đáo của công trình, cộng với ý kiến chuyên gia, ý kiến cộng đồng”, GS Nguyễn Hữu Đức nói.

Theo thống kê từ Quỹ, tính đến hết năm 2020, 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự.

MỚI - NÓNG