Vì sao nhiều cặp vợ chồng 8X ở Trung Quốc ly hôn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dễ đổ vỡ là một đặc điểm trong hôn nhân của những người Trung Quốc sinh vào thập niên 80 thế kỷ trước. Theo kết quả một cuộc khảo sát, tỷ lệ tan vỡ hôn nhân của các cặp vợ chồng 8X hiện cao nhất, tới 30%. Vì đâu nên nỗi…

Đối với một số người thuộc thế hệ 8X, giặt giũ, nấu nướng, dọn phòng, chăm sóc người già gần như đã là chuyện xưa. Trong quan niệm của họ, sống là phải thảnh thơi vui vẻ, hưởng thụ sung sướng, dù sao cha mẹ cũng chỉ có một con, tiền bạc cũng đều là của mình, không hưởng thì ai hưởng. Nhà cửa có thể thuê người làm bán thời gian dọn dẹp, bữa ăn có thể đặt mang đến, người già có thể nhờ bảo mẫu chăm sóc. Tóm lại, họ không muốn biến mình thành những bà nội trợ kiểu cũ hay ông chồng “đầu bếp tại gia”.

Vì sao nhiều cặp vợ chồng 8X ở Trung Quốc ly hôn? ảnh 1

Tan vỡ hôn nhân ở lứa 8X hiện cao nhất ở Trung Quốc.

Họ đã quen với việc không tiết kiệm tiền, không nấu ăn, không giặt giũ và không làm việc nhà, nhưng cha mẹ họ vẫn già đi và khi tiền của cha mẹ tiêu hết, gia đình sẽ gặp phải vấn đề, không giải quyết được thì phải chia tay. Bình Bình và bạn trai Đổng Nam đều sinh vào cuối những năm 1980. Họ đi ô tô và thích chơi game, đến bữa nếu không ship đồ ăn thì cũng gọi mang về. Trông họ rất sành điệu, thời thượng nhưng thực chất thu nhập hàng tháng không nhiều, ở chung với bố mẹ, lương chỉ đủ tiêu vặt. Sau khi hai người kết hôn, họ có 80% thời gian sống ở nhà Đổng Nam và về ở nhà Bình Bình 20%, không hề có áp lực từ việc nhà và cuộc sống.

Thật bất ngờ, sau một năm họ kết hôn, cha của Bình Bình bị một cơn đau tim nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật khiến đôi vợ chồng trẻ mệt mỏi. Mẹ của Bình Bình sức khỏe không tốt, kinh tế gia đình cũng không khá giả nên không thuê được hộ lý, Bình Bình và Đổng Nam phải thay phiên nhau chăm sóc bố, đôi vợ chồng trẻ mệt đến mức ban ngày chuyên ngủ gật khi làm việc.

Tiếp theo là khoản chi viện phí, cả Bình Bình và Đổng Nam đều chưa từng xảy ra sự cố lớn nào, ban đầu họ tưởng rằng khoản tiền đặt cọc 20.000 nhân dân tệ cho bệnh viện sẽ dùng được lâu, không ngờ chỉ vài ngày là hết. Hết kiểm tra đến xét nghiệm, khoa điều trị nội trú thông báo họ nộp viện phí. Cả hai người vốn phóng tay tiêu nên không có tiền tiết kiệm. Các khoản tiền tiết kiệm của bố mẹ hai bên đều đã được dùng để mua nhà khi họ kết hôn. Giờ hai vợ chồng trẻ trắng tay, phải đôn đáo vay mượn khắp nơi, nhưng bạn bè cùng trang lứa cũng hầu hết không có nhiều tiền tiết kiệm. Cuối cùng, Bình Bình đề nghị bán nhà, Đổng Nam nghe được liền nói: “Nếu cô muốn bán nhà, tôi sẽ ly hôn”. Bình Bình cũng nổi nóng: “Anh là đồ bỏ đi, vừa gặp khó khăn đã tính bài chuồn, ly hôn thì ly, tính mạng bố tôi quan trọng hơn anh. Bán nhà rồi, anh cầm lấy phần mình rồi biến khỏi cuộc đời tôi!”.

Một số cặp vợ chồng 8X phải đối mặt với áp lực gia đình kiểu 4 + 2 + 1. Trên là bốn người già, dưới là một đứa trẻ, họ phải gồng gánh cuộc sống của bảy người, khiến những con người vốn quen được nuông chiều không chịu nổi, một số chọn cách chạy trốn hôn nhân…

Một số khác cũng thuộc thế hệ 8X luôn có hoài bão lớn nhưng con đường lại hẹp, sự phát triển của thông tin khiến họ luôn mơ ước trở thành Bill Gates, nhưng sự cạnh tranh xã hội ngày càng gia tăng đã ngăn cản họ thực hiện ước muốn của mình, vì vậy khi cảm thấy sự nghiệp của bản thân hoặc bạn đời không suôn sẻ, họ có thể đổ lỗi cho đối phương, hoặc bỏ tình cũ tìm người khác. Trong quan niệm của họ, phải nổi tiếng sớm, lập nghiệp đúng lúc nên một khi gặp khó khăn trong công việc và sự nghiệp, họ sẽ nơm nớp lo sợ. Xã hội có những yêu cầu quá cao đối với họ, là con độc nhất nên họ bị đặt quá nhiều hy vọng.

Trần Hinh và Khưu Diệp kết hôn chưa đầy một năm, trước khi cưới, Khưu Diệp là sếp trực tiếp của Trần Hinh và là người đứng đầu công ty luật Hân Hoa, không ngờ công ty lại thay đổi giám đốc sau nửa năm họ kết hôn. Khưu Diệp mất cân bằng tâm lý nên xin nghỉ việc và trở thành một luật sư tự do. Anh nghĩ rằng với ba năm kinh nghiệm làm việc và một số khách hàng thường xuyên, anh có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, vì vậy đã thuê một ngôi nhà nhỏ gần trại giam mở văn phòng với giá thuê hàng tháng là 3.000 tệ, bắt đầu sự nghiệp riêng.

Ban đầu Khưu Diệp nghĩ rằng có rất nhiều tù nhân trong trại giam, nếu muốn giảm án hay kháng án, họ sẽ tìm đến anh ta, ngoài ra những người đến thăm tù nhân cũng có nhu cầu tư vấn pháp lý. Nhưng thật bất ngờ, văn phòng đã mở được hai tháng, ngoại trừ một số đến xin tư vấn, anh không có một khách hàng nào. Trần Hinh cũng lo lắng cho chồng, cả hai đều có tính khí thất thường, và bắt đầu cãi nhau, Trần Hình nói chồng không có năng lực, còn Khưu Diệp nói rằng chính cô đã làm ảnh hưởng đến anh. Đặc biệt là sau khi Trần Hinh tham dự buổi họp lớp dịp Tết, cô càng nhìn chồng càng thấy không thích. Cô nói rằng các bạn cô đều lấy được chồng tốt, có xe hơi xịn và mặc đồ hiệu nổi tiếng; cô nói Khưu Diệp không chăm chỉ, mang bộ mặt thất bại mỗi ngày, không biết cách tìm kiếm công việc, chỉ giỏi ăn và biếng làm...

Ban đầu Khưu Diệp vẫn tranh cãi với Trần Hinh, nhưng sau đó anh ngừng nói chuyện hoàn toàn và bắt đầu chiến tranh lạnh. Cuối cùng, anh nói với vợ: “Vì cô không thích tôi, chúng ta hãy chia tay. Cô có thể tìm một người đàn ông tốt hơn, và tôi có thể tập trung vào sự nghiệp của mình”. Thế là cuộc hôn nhân của họ tan vỡ…

MỚI - NÓNG
Vụ biển Đồ Sơn ngập rác, đục ngầu: Huy động 200 người dọn dẹp
Vụ biển Đồ Sơn ngập rác, đục ngầu: Huy động 200 người dọn dẹp
TPO - Sau phản ánh "hàng vạn du khách ngụp lặn biển ngập rác , nước đục ngầu" đăng trên báo Tiền Phong, ngày 29/4, UBND quận Đồ Sơn - TP Hải Phòng đã huy động 200 công nhân, lực lượng quân đội dọn sạch rong rêu và rác thải trôi dạt vào bãi tắm 295 phục vụ người dân và du khách tới vui chơi, tắm biển dịp nghỉ lễ 30/4.