Vì sao nhiều lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp tham gia Hội đồng trường đại học?

SVVN - Hàng loạt trường đại học ở TP. HCM đã được công nhận Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đáng chú ý, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đều có tên trong Hội đồng trường các trường đại học. Vì sao?

Nhiều tên tuổi đáng chú ý

Tại quyết định số 2358/QĐ-BGDĐT, Bộ GD - ĐT công nhận Hội đồng trường trường ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH), nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 25 thành viên. Trong đó, có 3 thành viên đương nhiên; 6 thành viên đại diện viên chức, người lao động; 8 thành viên đại diện giảng viên; 8 thành viên đại diện cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.

Vì sao nhiều lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp tham gia Hội đồng trường đại học? ảnh 1  25 thành viên Hội đồng trường trường ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH), nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đáng chú ý, Thành viên Hội đồng trường có ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM; PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT; ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM; ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP. HCM; ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TP. HCM; ông Trương Quốc Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng; ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã có quyết định công nhận Hội đồng trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP. HCM, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội đồng trường này do PGS. TS Vũ Xuân Cường, Bí thư Đảng uỷ trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP. HCM, làm Chủ tịch. Trong danh sách này có ThS Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, là Chủ tịch Hội Cựu sinh viên trường này.

PGS. TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng là một trong 23 thành viên Hội đồng trường này. Ông Dương Anh Đức năm nay 52 tuổi, quê quán Đà Nẵng. Ông Đức tốt nghiệp Trường Ivanovo State University (Nga) và ĐH Tổng hợp TP. HCM ngành Toán, chuyên ngành Tin học vào năm 1990. Trước đó, Phó Bí thư thường trực TP. HCM Trần Lưu Quang cũng tham gia Hội đồng trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM.

Vì sao nhiều lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp tham gia Hội đồng trường đại học? ảnh 2 21 thành viên Hội đồng trường ĐH Nông Lâm TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hội đồng trường ĐH Nông Lâm TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 21 thành viên: Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, đại diện Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên là người của trường, đại diện giảng viên và các thành viên bên ngoài trường. Bảy thành viên ngoài nhà trường gồm có đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân.

TS Bùi Ngọc Hùng (Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2012 - 2017) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngoài ra, còn có ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao…

Trường ĐH Luật TP. HCM công bố quyết định của Bộ GD - ĐT công nhận Hội đồng trường và PGS. TS Vũ Văn Nhiêm làm Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội đồng trường của trường ĐH Luật TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 19 thành viên, gồm một chủ tịch, một thư ký hội đồng và 17 ủy viên. 

Trong đó, có 6 thành viên bên ngoài trường, gồm TS Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng vụ pháp chế, thành viên được Bộ GD - ĐT cử tham gia Hội đồng trường và 5 thành viên đại diện cho cộng đồng xã hội. Cụ thể, ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital; ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên viên cao cấp Ngân hàng Techcombank kiêm Giám đốc phê duyệt tín dụng; bà Trịnh Thị Kim Oanh, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Bình Minh; ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh niên…

Vì sao?

Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Giáo dục Đại học năm 2018 quy định, Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung. Hội đồng trường cũng có quyền quyết phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức...

Theo Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD - ĐT, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học (luật số 34/2018/QH14) đã quy định các chính sách để cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ. Theo đó, cơ chế thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là theo cơ chế hội đồng trường.

Vì sao nhiều lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp tham gia Hội đồng trường đại học? ảnh 3 Hội đồng trường của trường ĐH Luật TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 19 thành viên, gồm một chủ tịch, một thư ký hội đồng và 17 ủy viên. 

Luật số 34/2018/QH14 quy định trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Do đó, các chủ thể trong thực hiện cơ chế tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học gồm Nhà nước, ban giám hiệu, các khoa và các đơn vị chức năng, đội ngũ giảng viên, sinh viên, các tổ chức chính trị xã hội… đều phải có đại diện tham gia hội đồng trường để cân bằng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cơ chế bên trong và bên ngoài của mỗi trường đại học. Hay nói cách khác, chỉ có hội đồng trường mới đưa ra được các quyết định thể hiện ý muốn của các bên liên quan trong thực hiện cơ chế tự chủ tại trường đại học.

Khoản 10 điều 1 luật số 34/2018/QH14 quy định: “Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động” nên việc các cá nhân có uy tín, có năng lực khoa học hoặc kinh nghiệm quản lý đã kinh qua các hoạt động thực tiễn sản xuất, điều hành… trong xã hội, được hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của cơ sở giáo dục đại học bầu tham gia hội đồng trường của các trường đại học là hoàn toàn phù hợp.

Sự tham gia của những cá nhân này vào hội đồng trường còn đảm bảo sự kết nối giữa đào tạo và thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; bổ trợ cho những điểm còn thiếu, hạn chế của các thành viên trong trường về quản lý nhà nước, thực tiễn đời sống xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng, việc lựa chọn các thành viên, cơ cấu hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường phải đủ năng lực, trách nhiệm. Luật quy định chủ tịch hội đồng trường là chuyên trách, còn trước đây là kiêm nhiệm nên giờ phải có trách nhiệm cao.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).