Vì sao số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân khỏi bệnh ở Bình Dương vênh nhau rất lớn?

0:00 / 0:00
0:00
Vì sao số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân khỏi bệnh ở Bình Dương vênh nhau rất lớn?
TPO - Trong khi tổng ca mắc COVID-19 tính đến nay ở Bình Dương có trên 287.000 ca nhưng số bệnh nhân công bố xuất viện và khỏi bệnh hơn 403.000. Dư luận tại tỉnh Bình Dương đang thắc mắc về số liệu vênh nhau này.

Ngày 15/12, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày ở địa phương có giảm nhưng chưa bền vững. Trong khi đó, số ca tử vong vẫn ở mức cao (từ 10 đến 18 ca tử vong mỗi ngày).

Hôm qua 14/12, Bình Dương ghi nhận 352 ca mắc COVID-19 mới, 3.660 bệnh nhân khỏi bệnh và 18 ca tử vong. Hiện, địa phương này đang điều trị 64.486 bệnh nhân (chủ yếu tại nhà), trong đó có 485 bệnh nhân nặng cần thở oxy.

Vì sao số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân khỏi bệnh ở Bình Dương vênh nhau rất lớn? ảnh 1

Số liệu ca mắc và bệnh nhân khỏi bệnh ở Bình Dương vênh nhau xuất phát từ kết quả xét nghiệm

Theo số liệu công bố của ngành y tế tỉnh Bình Dương, tính đến nay địa phương ghi nhận 287.908 ca mắc COVID-19; 2.954 ca tử vong và 403.003 bệnh nhân khỏi bệnh.

Dự luận địa phương đang thắc mắc về số liệu vênh nhau quá lớn, khi số bệnh nhân công bố khỏi bệnh cao hơn rất nhiều tổng ca mắc.

Giải thích về việc này, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay F0 tại địa phương hầu hết điều trị tại nhà. F0 điều trị tại nhà chủ yếu qua xét nghiệm test nhanh dương tính. Số ca công bố khỏi bệnh bao gồm cả trường hợp test nhanh dương tính điều trị khỏi tại nhà. Số liệu công bố ca mắc dựa trên kết quả xét nghiệm khẳng định PCR, do đó có sự vênh nhau về tổng số ca mắc và bệnh nhân khỏi bệnh.

“Số bệnh nhân tử vong thời gian qua rơi vào các trường hợp có bệnh lý nền, người già và người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Mặc dù địa phương bố trí lực lượng, điểm tiêm cố định phục vụ liên tục nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan chưa đi tiêm. Tới đây địa phương nỗ lực bao phủ vắc xin 2 mũi cho toàn bộ người dân và triển khai tiêm nhắc lại mũi 3 cho người từ từ 18 tuổi trở lên”, đại diện Sở Y tế Bình Dương thông tin.

Về thời gian tiêm vắc xin, khoảng cách tiêm mũi bổ sung cách mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày, đối với mũi nhắc lại là ít nhất 6 tháng. Loại vắc xin được tiêm là vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin Pfizer. Nếu trước đó, người dân tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin Pfizer; nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc Pfizer hoặc AstraZeneca.

MỚI - NÓNG