Vì sao Thị Nở - Chí Phèo 'sốt' không hạ?

TP - “Thị Nở- Chí Phèo” ngay từ những ngày đầu ra mắt cách đây hơn một năm đã thu hút khán giả. Trong lần Nam tiến này, vở kịch dựa trên truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao tiếp tục gặt hái thành công, cháy vé. Lý giải  cơn sốt, bà chủ của sân khấu Lệ Ngọc cho rằng: ê kip đã nỗ lực chế biến một “món ngon”, góp phần gây  nghiện văn học Việt cho “thượng đế”.  
Vì sao Thị Nở - Chí Phèo 'sốt' không hạ? ảnh 1

Chiếc áo của Chí Phèo bị khán giả “phê” diện hơn mức cần thiết

Khán giả đã tặng cho vở kịch “Thị Nở-Chí Phèo” của sân khấu Lệ Ngọc mưa lời khen: “Sự sáng tạo kết hợp với sự khéo léo trong cách dàn dựng đã tạo nên một vở kịch hấp dẫn”; “Rất trân trọng những người nghệ sỹ tâm huyết và làm cho sân khấu sáng đèn với những đề tài gắn với đời sống như vậy”; “Những cảm xúc thật lạ đối với người lần đầu xem kịch như tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên nó đã hay như thế nào…

Không núp bóng Nam Cao

“Thị Nở- Chí Phèo”, kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng, với sự tham gia của dàn diễn viên giỏi nghề. NSND Lệ Ngọc vừa hóa thân thành Thị Nở, vừa là vợ ba Bá Kiến. Vai Chí Phèo được giao cho NSND Tạ Tuấn Minh. Vai Bá Kiến do nghệ sỹ Tiến Minh đảm trách… Đây cũng là tác phẩm kịch nói được đầu tư sâu ở khâu phục trang, với sự tài trợ của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Nghe đồn số tiền đầu tư cho trang phục của các nhân vật trong “Thị Nở- Chí Phèo” lên tới cả chục tỉ đồng. Thí dụ, bà Ba được diện những chiếc áo dài dát vàng thêu những họa tiết hoa văn cổ. Cũng vì sự tận tâm của nhà thiết kế, thành ra có khi lại gây hiệu ứng ngược.

Một khán giả cho rằng: “Thời đó, Chí Phèo lấy đâu ra cái áo đẹp đến thế”. Điều đáng khen nhất của vở kịch là không bị áp lực từ cái bóng quá lớn của Nam Cao nhấn chìm. Họ rõ ràng không minh họa truyện ngắn mà đã thổi vào vở kịch không khí mới. Vở kịch khép lại bớt phần u tối như trong truyện ngắn. Nếu trong truyện Nam Cao, Nở nhìn xuống cái bụng và nhìn về phía lò gạch thì trong kịch, Nở hứa: “Nở sẽ không bỏ nó trong cái lò gạch cũ, để nó không phải như Chí”. “Thị Nở- Chí Phèo” cũng có những câu tạo “trend”: “Sống trên đời phải có tâm”, hài hước khi câu nói ấy lại được đặt vào miệng Bá Kiến.

Không sợ lỗ, chỉ sợ “nấu” chưa “ngon”

Đặt câu hỏi với bà chủ sân khấu Lệ Ngọc: “Yếu tố nào khiến Chí Phèo cháy vé? Do tác phẩm quen thuộc hay do sáng tạo của nghệ sỹ?”. Người thủ hai vai quan trọng trong vở kịch đáp: “Tôi nghĩ cả hai”. Bà chọn “Chí Phèo” của Nam Cao đưa lên sân khấu của mình vì “muốn mang văn hóa Việt quảng bá ra nước ngoài”. NSND Lệ Ngọc cảm nhận văn học Việt còn thưa thớt trên sân khấu kịch.  Với “Thị Nở- Chí Phèo”, sân khấu Lệ Ngọc còn muốn đưa tới một cách tiếp cận văn học Việt khác cho độc giả nước nhà. Hai đối tượng sân khấu Lệ Ngọc nhắm tới là giới trẻ và tầng lớp trí thức. Thực tế, khán giả trẻ tới với sân khấu Lệ Ngọc khá đông.

Vì sao Thị Nở - Chí Phèo 'sốt' không hạ? ảnh 2  Bá Kiến và vợ ba

Đưa “Chí Phèo” của Nam Cao lên sân khấu kịch là thách thức nhưng NSND Lệ Ngọc tự tin vào quyết định của mình: “Chúng tôi đã diễn hơn 100 đêm rồi. Những đêm đầu tiên khán giả đã nhiệt tình ủng hộ. Sau đó tôi làm công văn đến các trường đại học và thắng lợi không ngờ”. Chú ý lắng nghe khán giả bằng tinh thần cầu thị đó là thái độ của những người làm kịch “Thị Nở- Chí Phèo”: “Sân khấu của tôi khác sân khấu khác là đêm nào cũng có nhận xét của khán giả. Tôi đọc hết và nhận thấy “Thị Nở- Chí Phèo” đặc biệt ngấm vào tầng lớp sinh viên. Các bạn ở Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội nói, sau khi xem kịch “Thị Nở- Chí Phèo” các bạn về làm tiểu luận liên quan tác giả Nam Cao, văn học hiện thực, văn xuôi Việt đạt điểm cao”. NSND Lệ Ngọc bật mí thêm: Bà yêu văn học Việt nhờ thừa hưởng từ cha, một nhà giáo dạy văn nổi tiếng của Hà Nội.

“Thị Nở- Chí Phèo” cũng như những vở kịch khác của sân khấu Lệ Ngọc nhanh chóng lấy lòng khán giả miền Nam: “18 buổi diễn đều kín mít khán giả. Thị trường miền Nam thật tuyệt vời”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ. Theo bà, khán giả miền Nam dứt khoát hơn khán giả miền Bắc trong thưởng thức nghệ thuật: “Nếu không thích họ đứng dậy ra về. Còn thích thì vài tiếng vẫn ngồi xem”. Sài Gòn là nơi không “đói” kịch cũng như những loại hình giải trí khác: “Hiếm có một đơn vị nghệ thuật nào dám thuê 18 buổi diễn ở Nhà hát lớn Sài Gòn như sân khấu Lệ Ngọc”. 

 “Thị Nở- Chí Phèo” đã “xuất ngoại”, đến Pháp, Ý, Hàn Quốc… và sẽ tiếp tục “vượt biên” trong tương lai. Rào cản ngôn ngữ không phải vấn đề lớn khi thưởng thức nghệ thuật, bởi khán giả ngoại quốc có thể hiểu thông điệp của vở diễn, hiểu văn hóa Việt qua âm thanh, âm nhạc, phục trang, diễn xuất… Một ngài thị trưởng ở một thành phố nước Pháp đã hết lời ca ngợi “Thị Nở- Chí Phèo”, ông nhận ra sự tương đồng giữa văn hóa Việt và văn hóa Pháp.

Với những đêm cháy vé, sân khấu Lệ Ngọc lời lãi thế nào? Bà chủ sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội nói: “Một khi làm văn hóa phải xác định có lúc lãi, có lúc lỗ nên đã chuẩn bị tâm lí rồi. Tôi nghĩ mỗi một tác phẩm là một món hàng. Nếu có món hàng tốt thì khách sẽ đến. Nếu đãi người ta món ăn ngon người ta vẫn ăn liên tục”. “Nghĩa là sân khấu Lệ Ngọc đang sống tốt?”, tôi hỏi. Vợ ba Bá Kiến cười lớn: “Đang mong như vậy”. 

MỚI - NÓNG