Vị xuân quê nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Không đâu bằng Việt Nam!” câu nói ấy được anh Vũ Trọng - một Việt kiều thốt lên khi đi thăm vườn mai đang dần hé nụ.

Xưa và nay

Tôi gặp anh Vũ Trọng vào những năm 2000, khi anh mới về Việt Nam chơi, thăm bạn bè, thăm lại quê nhà sau nhiều năm định cư ở nước ngoài. Dạo ấy anh đi xuyên Việt và gặp chúng tôi ở Hà Nội. Chúng tôi biết anh là dịch giả Việt kiều, lần đầu tiên anh em văn học gặp nhau rất phấn chấn. Chúng tôi ngồi chơi gần cầu Thê Húc, rồi đi vào phố cổ cà phê, ăn tối trò chuyện thâu đêm. Ấn tượng sâu đậm về Việt Nam đã khiến anh quyết định chuyển hẳn về nước sinh sống làm việc.

Dạo đại dịch COVID-19, anh quay lại nước ngoài thì bị kẹt, không về được Việt Nam. Hết dịch, chúng tôi đã thấy anh vai sách vai đàn trở lại với đường sách, với những làng quê soi bóng hàng dừa. Anh Trọng bảo: “Ở nước ngoài công việc bận rộn, đi lại xa xôi, anh em bạn bè có khi cả năm chẳng gặp nhau. Thèm không khí Việt Nam, ới một tiếng là tụ tập được liền, nói chuyện văn chương, dịch thuật cả ngày không chán”.

Mùa xuân năm nay, anh đi thăm vườn mai ở Bình Chánh. Đi qua những con đường quanh co, qua nông trường Lê Minh Xuân một thời mà theo anh kể là “vùng xa heo hút, chỉ thanh niên xung phong mới tới để khai phá”, anh nói: “Thành phố biết bao đổi thay”.

Anh Vũ Trọng nhớ lại: “Khi tôi về nước những năm 2000, cứ ấn tượng mãi những nữ công nhân bịt kín mặt, dùng búa để đập từng viên đá nhỏ giữa con đường khói bụi mịt mùng. Đường làm mãi không xong, rồi xong đoạn này đã hư đoạn khác. Bây giờ, chỗ nào cũng có đường hiện đại, đường cao tốc, thi công bằng máy móc nên tôi không còn thấy những nữ công nhân cầu đường phải lam lũ như xưa”.

Làng mai Bình Lợi huyện Bình Chánh trải dài với những cánh đồng mai cao hơn đầu người. Mỗi vườn cả hàng ngàn gốc. Lúc này mai chưa được tỉa lá, đang dành sức khai hoa cho Tết Nguyên Đán nhưng đâu đó đã thấp thoáng những cánh mai vàng. So với vườn đào Nhật Tân ở Hà Nội thì vườn mai Bình Lợi không thua kém.

Đi dọc con đường dài cả cây số, thấy bên đường đã bày bán rất nhiều chậu mai cổ thụ. Một người bán mai chạy xe máy đuổi theo, gọi anh khách Việt kiều: “Cần mai chơi Tết nhớ quay lại làng chúng tôi nhé!”.

Anh Vũ Trọng nhận xét: “Phong cảnh làng mai như tranh vẽ. Dưới thì sông nước, trên bờ thì mai vàng xếp lớp miên man! Tới Tết hoa nở sẽ thành tiên cảnh, bồng lai, hẹn Tết sẽ quay trở lại”.

Lo việc gia tiên

Vị xuân quê nhà ảnh 1

Nhạc sĩ ca sĩ Trịnh Nam Sơn và ca sĩ Bằng Kiều (Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ)

Cô Liên là Việt kiều Pháp, năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng quả quyết: “Tết năm nay tôi sẽ về miền Trung, lo xây lăng mộ cho ông ngoại”.

Từ Pháp, cô gọi điện về Việt Nam, nhờ người tìm thợ xây, nhờ người khắc bia mộ. Cô chia sẻ: “Mộ ông ngoại tôi nằm trên cồn cát vùng Thừa Lưu (Thừa Thiên - Huế), thời chiến tranh bom đạn cày xới. Nay tôi lớn tuổi, nghĩ thời gian còn lại rất quý, nên Tết nay về Việt Nam sửa sang mồ mả tổ tiên”.

Người thợ làm bia, nhận được điện thoại vội đi ra mộ, chụp ảnh quay phim, rồi báo cô Liên: “Tấm bia thời chiến tranh bị đạn bắn vỡ hết rồi cô ạ! Không rõ người dựng bia, không rõ ngày làm bia. May mắn vẫn còn dòng chữ khắc tên ông ngoại cô”. Cô Liên nghe thế càng nóng ruột, nói: “Vậy chắc chắn tôi sẽ về, hỏi thăm cô bác trong làng, xem có ai còn nhớ câu chữ khắc trên bia, để phục dựng lại như xưa”.

Bác Chi là Việt kiều Mỹ, năm nay đã trọn 20 năm mới đưa cả gia đình con cái, dâu rể về ăn Tết Việt Nam. Lịch trình chuyến đi dày đặc, thăm các phong cảnh đất nước, từ đất liền mà ra cả Phú Quốc. Nhưng “tâm điểm” vẫn là hai ngày về quê cũ làng cũ, nơi bác Chi sinh ra và lớn lên. Bác nói rằng: “Con chim nhớ tổ, con người nhớ quê. Làm người không thể không có nơi chốn đi về”.

Vị xuân quê nhà ảnh 2

Ca sĩ Hương Lan biểu diễn tại TPHCM (Ảnh: Trần Nguyên Anh)

Bác Chi là người từng đi Mỹ theo diện HO trong đợt cuối cùng, bác kể: “Thực lòng ai cũng muốn ở lại quê hương, đi nước ngoài là để trải nghiệm, để làm việc, khám phá các vùng đất mới. Các con tôi ở nước ngoài, cứ về nhà là nói tiếng Việt. Đến thế hệ thứ ba là các cháu tôi, tuy sinh ra ở nước ngoài và chưa về Việt Nam nhưng cũng đều biết nói tiếng Việt”.

Bác Chi có sở thích âm nhạc và bóng đá. Bác cho biết: “Tôi ở Mỹ nhưng hầu như chưa bỏ qua trận đấu nào của đội tuyển Việt Nam chiếu trên internet và ti vi! Mừng vì thấy bóng đá nước nhà phát triển, ta đã có trận thắng cả đội tuyển mạnh Trung Quốc - điều mà các đội Đông Nam Á khác chưa làm được”.

Hội tụ ở Việt Nam

Năm 2023, sau khi đại dịch COVID được cơ bản khống chế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức bình thường trở lại. Sân khấu Việt Nam đón các nghệ sĩ từ nước ngoài về biểu diễn.

Nhóm Tam ca Áo trắng có đêm diễn cảm động tại sân khấu Đồng Dao. Các nữ ca sĩ cho biết: “Ở nước ngoài, chị em chúng tôi chỉ gặp nhau và hát trong nhà thờ thôi, điều kiện để biểu diễn chung rất khó. Sau hàng chục năm, ba chị em mới đứng chung một sân khấu, mà sự kiện được tổ chức tại Việt Nam!”.

Về Việt Nam biểu diễn dịp Xuân 2024, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn chia sẻ: “Tôi đã lâu không có cơ hội ăn bánh Đa Kê (món ngọt dân gian của miền Bắc) có lẽ từ lúc khoảng 7-8 tuổi. Bánh Đa Kê có vẻ rất ít người biết đến... Sáng nay được bạn thương nên trong lúc ngồi cafe đã cho người đi mua bánh Đa Kê về cho mình và những người khác ăn thử. Ngon làm sao... vị kê vẫn thơm, mềm mại, bánh đa giòn, đậu xanh bùi... hoá ra vị của nó vẫn như xưa, không lẫn vào đâu được...”.

Đại gia đình ca sĩ Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Khánh Hà, Thúy Anh, Tô Chấn Phong sinh sống ở Mỹ sẽ có đêm diễn vào đầu tháng 1/2024 tại TPHCM. Tuấn Ngọc, Khánh Hà chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, một trong những thú vui của anh em chúng tôi là ngồi hát với nhau. Và cũng không ai ngờ cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn ngồi hát với nhau”. Điều đặc biệt là họ “đoàn tụ” trên sân khấu quê hương Việt Nam vào những ngày xuân 2024 Giáp Thìn.

Ngày càng nhiều ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn thường xuyên, thậm chí “dài hạn”, như ca sĩ Hương Lan, ca sĩ Như Quỳnh. Mới đây, ca sĩ Như Quỳnh cho biết sẵn sàng chấp nhận lỗ để tổ chức đêm nhạc liveshow riêng mình tại Việt Nam để tri ân khán giả.

Mùa xuân cũng là mùa anh em nghệ sĩ trong nước và nước ngoài hội ngộ. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết vừa hồi phục qua 3 lần mổ não, chương trình đầu tiên của anh sau khi “thoát khỏi cửa tử” là các buổi biểu diễn kết hợp với nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyên Lê trở về từ Pháp.

Nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Nam Sơn từng viết trong ca khúc của mình: “Vào mùa đông lạnh lùng buốt giá, nỗi cô đơn riêng mình ta…”, nhưng mùa xuân năm nay anh đã bớt cô đơn khi thực hiện nhiều đêm biểu diễn tại Hà Nội, Huế.

Chuyến biểu diễn ở Huế, anh Trịnh Nam Sơn tiết lộ: “Từ xa nhìn phi trường Phú Bài với lối kiến trúc theo lối cung đình lạ mắt. Tôi thích Huế, vì vẻ đẹp của Huế thật hiền hoà, tĩnh lặng, cây cối nhiều. Đồng thời đây cũng là quê của mẹ tôi”.

MỚI - NÓNG