Viện nghiên cứu, trường đại học: Đối mặt tình trạng nhà khoa học bỏ việc, nghỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình trạng cán bộ nghỉ việc, thôi việc chủ yếu do những nguyên nhân trong cơ chế, chính sách, đãi ngộ nhân lực trong khu vực công.

Ngày 15/12, Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 với chủ đề “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”.

Chảy máu chất xám

PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (gọi tắt: Viện Hàn lâm) cho biết, tính đến tháng 11, Viện Hàn lâm có trên 2.100 cán bộ trong biên chế, chiếm trên 1,6% nhân lực khoa học, công nghệ cả nước, trong đó có 52 giáo sư, 152 phó giáo sư.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm cũng đối diện tình trạng cán bộ nghỉ việc, thôi việc chủ yếu do những nguyên nhân trong cơ chế, chính sách, đãi ngộ nhân lực trong khu vực công.

“Tình trạng chảy máu chất xám đang là thách thức rất lớn ở nhiều ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn của Viện Hàn lâm do sự cạnh tranh từ các khu vực tư, công ty, tập đoàn lớn về khoa học, công nghệ”, ông Tuấn chia sẻ.

Viện nghiên cứu, trường đại học: Đối mặt tình trạng nhà khoa học bỏ việc, nghỉ việc ảnh 1

Nghiên cứu khoa học trong một trường đại học. Ảnh: Diệp An

Công tác tuyển dụng có xu thế giảm do Viện Hàn lâm phải tinh giản biên chế theo quy định; số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học tự nhiên, nhất là các chuyên ngành khoa học cơ bản ngày càng ít, chất lượng nhìn chung chưa đồng đều. Việc liên tiếp phải giảm biên chế thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến số lượng người làm việc của Viện Hàn lâm.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thông tin, Bộ KH&CN đang tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ 2013.

Để cắt giảm theo kế hoạch, nguồn thực hiện chủ yếu được lấy từ số lượng viên chức nghỉ hưu, thôi việc của các đơn vị (phần đông là các nghiên cứu viên cao cấp, có trình độ cao). Nếu tiếp tục tinh giản nữa sẽ phải tính đến tinh giản các cán bộ khoa học có trình độ cao, từ thạc sĩ trở lên, kết hợp với không thể tuyển dụng mới các cán bộ khoa học trẻ dẫn tới nguy cơ hẫng hụt nhân lực, không có đội ngũ kế cận không chỉ cho 5 năm tiếp theo mà còn xa hơn.

PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông nhận định một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định…

Nên xem xét lại bản chất công bố quốc tế

Tại Hội nghị, GS. TS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất nguyên tắc thực chất. “Không phải ngẫu nhiên mà đưa ra nguyên tắc này vì có những chỗ, những quy định, có thực tế chưa đạt được điều này.

Nguyên tắc thứ hai là hướng tới hội nhập chuẩn quốc tế. Và làm thế nào để thực chất, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và phục vụ cho nhu cầu phát triển của chính Việt Nam”, GS Giang nói.

Về hội nhập quốc tế, ông Giang cho rằng, phải có sản phẩm để khẳng định vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. “Đánh giá chung là thời gian qua có tăng về số lượng nhưng 5 năm vừa qua Việt Nam không có tạp chí đạt chuẩn quốc tế, trừ những tạp chí đã có sẵn của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và ĐH Quốc gia. Như vậy khuyến khích nhà khoa học mang tiền đi đăng bài ở các tạp chí nước ngoài”, ông Giang nói.

Ông lấy ví dụ trong ngành Sử, nhiều tác giả đăng bài tại các tạp chí của Ba Lan, Rumani… vốn là những nước có “công nghệ” để đưa tạp chí vào hệ thống tạp chí ISI, Scopus (hệ thống danh mục các tạp chí nổi tiếng thế giới). Do đó, ông Giang đề nghị phải xem lại những bài báo công bố quốc tế có đúng đạt chuẩn quốc tế hay chỉ là hình thức.

“Đã đến lúc phải tính đến chuyện xem xét lại công bố quốc tế. Chúng ta có một số tạp chí cận kề quy chuẩn quốc tế. Sản phẩm của chúng ta có chất lượng nhưng bán ở “chợ cóc”, không có quầy hàng trang trọng truy xuất được nguồn gốc do chưa có ý thức đầu tư. Thời gian tới tập trung đầu tư tạp chí của Việt Nam lên chuẩn quốc tế thay vì khuyến khích đem tiền đăng bài ở các tạp chí nước ngoài”, ông Giang nói.

MỚI - NÓNG