Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Sáng nay (22/12) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa cùng nhiều nghệ sĩ, chuyên gia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "dân tộc - khoa học - đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

“Cần tập trung vào giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, tập trung những sản phẩm, dịch vụ nào để tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ra sao cũng là vấn đề được quan tâm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Đặt mục tiêu đóng góp 7% GDP

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

"So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.

Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP ảnh 2
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức sáng 22/12. Ảnh: Nhật Bắc.

Tuy nhiên báo cáo của Bộ VHTTDL cũng chỉ ra nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn mang tính dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ...

Những bất cập, hạn chế xuất phát từ thực tiễn ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý nên thiếu giải pháp phát triển tổng thể. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính cho văn hóa từng bước được nâng lên nhưng vẫn thấp hơn so với nhu cầu.

Bộ VHTTDL hướng tới mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm như tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TPHCM và định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt…).

Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP ảnh 3

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ ra một số nguyên nhân khiến công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chưa phát triển xứng tầm. Ảnh: Nhật Bắc.

Một số giải pháp được đưa ra như: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng nêu giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hoá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

MỚI - NÓNG