Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng

0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn.
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn.
SVVN - Đây là chủ đề của Diễn đàn khoa học do ĐHQG Hà Nội chủ trì trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI, được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS. TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, mục đích của Diễn đàn “Việt Nam học: Thành tựu và Triển vọng” là tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới và nhân loại trong bối cảnh trải qua những biến chuyển to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với những mối quan tâm chung ngày càng gia tăng.

Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng ảnh 1

GS. TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu khai mạc diễn đàn.

GS. TS Lê Quân bày tỏ kỳ vọng các nhà khoa học cùng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua những sáng kiến, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội giúp Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với thế giới.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn với chủ đề: “Việt Nam học: Kinh nghiệm quá khứ và những vấn đề đang đặt ra”, GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết, nghiên cứu Việt Nam dưới tiếp cận của từng khoa học chuyên ngành đã được thực hiện ở cả trong và ngoài nước từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, nghiên cứu Việt Nam với tư cách là một khoa học liên ngành dựa trên những lý thuyết và phương pháp mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn nửa thế kỷ gần đây.

GS. TSKH Vũ Minh Giang cho biết thêm, trong chiến lược phát triển chung, Trung tâm Phối hợp nghiên cứu Việt Nam đã được thành lập tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội – tiền thân của ĐHQG Hà Nội, bắt đầu xây dựng ngành Việt Nam học theo định hướng nghiên cứu liên ngành. Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam kết nối với giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài hợp tác triển khai các chương trình nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQG Hà Nội được thành lập năm 2004 với chức năng triển khai nghiên cứu khoa học và đào tạo về Việt Nam học. Bên cạnh đó, lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam còn được triển khai và đào tạo tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt thuộc trường ĐH KHXH&NV và Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Khu vực học, trong đó có Việt Nam học tại trường ĐH Việt Nhật. Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động học thuật nhằm mở rộng, tăng cường kết nối nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng ảnh 2

GS. TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn bằng hình thức trực tuyến, GS. TSKH Vladimir Kolotov - trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg trình bày tham luận “11 năm thành lập Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHQG Saint Petersburg”. Theo đó, Viện Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên và duy nhất ngoài lãnh thổ Việt Nam được thành lập tại trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Trong suốt 11 năm qua, Viện Hồ Chí Minh hoạt động theo khái niệm trục trong 7 lĩnh vực chính gồm: Ngoại giao nhân dân, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm phân tích, Trung tâm thẩm định, tư vấn, Lĩnh vực văn hóa, Lĩnh vực giáo dục và Lĩnh vực kinh tế.

Bàn về tình hình nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản trong 20 năm qua, GS. Furuta Motoo - nguyên Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật (ĐHQG Hà Nội) đã chỉ ra những thách thức hiện tại và triển vọng hướng tới tương lai. Theo GS. Furuta Motoo, đa dạng hóa và tiếp cận thực tế xã hội Việt Nam qua điều tra điền dã là thế mạnh của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản hiện nay. Tuy nhiên, số lượng nhà nghiên cứu về Việt Nam học đang dần thu hẹp. Đây là xu hướng chung của lĩnh vực Khu vực học và nhiều lĩnh vực khác của khoa học xã hội và nhân văn ở Nhật Bản. GS. Furuta Motoo cũng nhấn mạnh, trong tương lai, cần phát triển ngành Việt Nam học theo định hướng khu vực học để làm sáng tỏ vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và định nghĩa lại bản sắc Việt Nam.

Chia sẻ một số kinh nghiệm giảng dạy ngành Việt Nam học tại trường ĐH Charles, Cộng hòa Séc, TS. Bình Slavická cho biết, ngành Việt Nam học được coi là một trong những ngành chiến lược của Khoa Triết học, trường ĐH Charles, CH Séc. Nguyên tắc giảng dạy tiếng Việt ở trường ĐH Charles là “Lấy ngữ âm ngữ pháp làm trọng, kỹ năng diễn đạt nói, nghe, đọc, viết là đích”, vì vậy, bước quan trọng đầu tiên là ngữ âm và ngữ pháp. Chương trình giảng dạy tiếng Việt dành cho ngữ âm chiếm phần lớn thời lượng, điều đó cho thấy việc quan tâm đúng mức về ngữ âm đem lại sự tự tin nhất định cho người học. Bên cạnh đó, các hiện tượng ngữ pháp được giảng viên giới thiệu từ đơn giản đến phức tạp và minh họa bằng những ví dụ cụ thể, dễ hiểu, giúp sinh viên nắm vững nội dung của bài trước để hiểu được bài tiếp theo.

Tổng kết Diễn đàn, GS. TSKH Vũ Minh Giang – Trưởng Ban Tổ chức đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Diễn đàn. GS. TSKH Vũ Minh Giang khẳng định, hiện nay, nghiên cứu về Việt Nam học đã có những bước tiến dài, lĩnh vực này đã được nâng tầm trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam học vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu còn nhiều ẩn số.

“Về mặt lý luận và phương pháp nghiên cứu được thể hiện một cách đa dạng, phụ thuộc vào hướng nghiên cứu của mỗi nhà nghiên cứu ở mỗi quốc gia, khu vực, do đó, sự liên kết quốc tế trong nghiên cứu Việt Nam học là cực kỳ quan trọng” – GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

GS. TSKH Vũ Minh Giang cũng ghi nhận các ý kiến thảo luận cho rằng, cần tăng tính hấp dẫn của nghiên cứu Việt Nam, áp dụng những kết quả nghiên cứu Việt Nam học để thích ứng với bối cảnh mới. Đồng thời cần chuẩn hóa chương trình đào tạo tiếng Việt và quốc tế hóa chương trình đào tạo ngành Khu vực học, đặc biệt là chuyên ngành Việt Nam học.

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI năm 2021 do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ĐHQG Hà Nội đồng tổ chức. Hội thảo có 10 tiểu ban và 1 Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 28-29/10/2021.

Các Tiểu ban nội dung:

Tiểu ban 1: Các vấn đề khu vực và quốc tế

Tiểu ban 2: Tư tưởng, chính trị

Tiểu ban 3: Dân tộc, Tôn giáo

Tiểu ban 4: Giáo dục, Đào tạo và Phát triển Con người

Tiểu ban 5: Kinh tế, Công nghệ, Môi trường

Tiểu ban 6: Ngôn ngữ, Văn học

Tiểu ban 7: Nhà nước và Pháp luật

Tiểu ban 8: Lịch sử, Khảo cổ, Hán Nôm

Tiểu ban 9: Văn hóa

Tiểu ban 10: Xã hội

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).