Đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam, Trung Quốc. ̣(Ảnh: Thu Loan) |
Các chuyên gia quốc tế cho rằng các đập thủy điện trên sông Mekong đang gây nguy cơ cạn kiệt dòng chảy, giảm trầm tích chảy xuống hạ lưu, là một trong những nguyên nhân gây hạn mặn ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (23/5), Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đoàn Khắc Việt cho biết, Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam rất quan tâm đến những tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng sông này.
“Như chúng tôi đã nhiều lần nói rõ, việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm tác động xuyên biên giới, đến môi trường và phát triển kinh tế xã hội, đời sống kinh tế xã hội của các nước ở lưu vực, nhất là các nước ở hạ nguồn; phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hoà lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, Ủy hội sông Mekong quốc tế có đối tác đối thoại là các quốc gia thượng nguồn và đang tích cực thúc đẩy hợp tác với các cơ chế khác liên quan đến sông Mekong.
Theo thống kê chính thức, đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ m3; dự kiến tăng lên 90 - 95 tỷ m3 năm 2030 và 120 tỷ m3 khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch cho giai đoạn năm 2040-2060.
Giới chuyên gia đánh giá, những công trình này sẽ tác động lớn đến dòng chảy xuống Đồng bằng sông Cửu Long, khiến tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, nguy cơ mất lũ tăng lên, từ đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Bên cạnh đó, tình trạng sụt giảm khoảng 70 - 75% lượng phù sa chảy xuống Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng.
Trong mùa khô năm 2023-2024, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hàng nghìn héc-ta cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khiến hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
nguyenvanhach
Cần có phương án hữu hiệu khắc phục những vấn đề khó khăn có thể xảy ra, chỉ kêu gọi chưa đủ;
Thích Trả lời