Việt Nam thất thoát chất thải nhựa ra môi trường rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa công bố báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy, chất thải nhựa ngày càng gia tăng với TPHCM, Hà Nội là điểm nóng.

Gia tăng qua từng năm

Theo báo cáo, khối lượng chất thải nhựa phát sinh tại các tỉnh/thành phố trên toàn quốc có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2021, mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 8.021 tấn rác thải nhựa, tương đương khoảng 2,93 triệu tấn/năm. Con số ghi nhận vào năm 2018 là xấp xỉ 2,7 triệu tấn, năm 2019 là 2,83 triệu tấn.

Trong năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 4.460 tấn/ngày, tương ứng với 1,63 triệu tấn/năm. Tại khu vực nông thôn, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 3.561 tấn/ngày, tương ứng 1,3 triệu tấn/năm.

Tính theo vùng, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ là hai khu vực đứng đầu cả nước về khối lượng chất thải nhựa phát sinh. Đây cũng là những nơi có chỉ số phát sinh chất thải bình quân người cao hơn so với các khu vực còn lại. Hầu hết các khu vực đô thị có chỉ số phát sinh chất thải nhựa đầu người khá đồng đều từ 40 - 50 kg/người/năm. Ngoài ra, các tỉnh thành ven biển cũng ghi nhận lượng chất thải nhựa nhiều hơn khu vực vùng núi.

Tính theo địa phương, Hà Nội và TPHCM là hai nơi có lượng chất thải nhựa lớn nhất. TPHCM – thành phố đông dân nhất cả nước ghi nhận lượng chất thải nhựa trung bình mỗi ngày khoảng 1068 tấn, còn thủ đô Hà Nội ghi nhận khoảng 738 tấn mỗi ngày vào năm 2021.

Ngoài ra, các thành phố du lịch phát triển và các trung tâm kinh tế lớn cũng ghi nhận lượng chất thải nhựa trên đầu người nhiều hơn các thành phố khác. Năm 2021, người dân TPHCM thải ra trung bình 43kg/người/năm, con số này ở Bình Dương là 41kg, ở Ninh Thuận là 44kg, ở Quảng Ninh là 40kg. Tuy nhiên, số lượng này đã được cải thiện so với con số công bố năm 2019.

Việt Nam thất thoát chất thải nhựa ra môi trường rất lớn ảnh 1

Rác thải nhựa được thải ra sau đêm giao thừa ở TPHCM. Ảnh Duy Anh.

Theo nhóm chuyên gia xây dựng báo cáo, sự gia tăng khối lượng chất thải nhựa theo thời gian có liên quan đến xu thế phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu và thói quen của người dân đối với tiêu dùng sản phẩm nhựa. Trong các năm gần đây, xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là dụng cụ ăn uống và đựng thực phẩm đã gia tăng nhanh chóng.

Một điểm đáng lưu ý, dù tỷ lệ chất thải nhựa tăng đều qua các năm nhưng việc thu gom chất thải nhựa, đặc biệt là việc tái chế nhựa có tỷ lệ rất thấp khiến chất thải nhựa thất thoát ra môi trường rất lớn.

Theo số liệu năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa được thu gom là 6.581 tấn/ngày, tương ứng với 2,4 triệu tấn/năm. Khối lượng phát sinh không được thu gom là 1.440 tấn/ngày tương đương với 0,53 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng khối lượng. Tỷ lệ thu gom chất thải nhựa có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng như các tỉnh/thành phố trên cả nước. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ chất thải nhựa được thu gom thấp hơn so với các khu vực khác.

Trong đó, phần lớn chất thải nhựa thu gom được xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt, tỷ lệ tái chế khá thấp. Năm 2021, chất thải nhựa được tái chế là 0,89 triệu tấn/năm nhưng khối lượng thực sự được đưa vào tái chế chỉ 0,77 triệu tấn/năm, khoảng 10% khối lượng chất thải nhựa thất thoát trong quá trình tái chế, tương ứng với 77.366 tấn.

Khối lượng chất thải nhựa bị thất thoát ra môi trường do không được thu gom trong toàn quốc là 1.152 tấn/ngày tương ứng với 420.373 tấn/năm. Việc chất thải nhựa bị thất thoát ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, tác động lên sức khoẻ con người và các loài sinh vật.

Đề xuất 3 ưu tiên

Khẳng định ô nhiễm nhựa là vấn đề môi trường nghiêm trọng toàn cầu, các nhà khoa học đề xuất 3 nhóm giải pháp ưu tiên để giảm thiểu chất thải nhựa gồm giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng sản phẩm nhựa.

Việt Nam thất thoát chất thải nhựa ra môi trường rất lớn ảnh 2

Đoàn viên thanh niên thu dọn rác thải tại bờ biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền.

Trong đó giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần là giải pháp rất quan trọng bởi theo nhóm nghiên cứu, phần lớn các loại nhựa được tìm thấy trong chất thải rắn sinh hoạt là các loại túi ni-lông, bao bì nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy.

Để thực hiện giảm chất thải nhựa, nhóm nghiên cứu đề xuất cần thực hiện các giải pháp theo lộ trình từ hạn chế sản xuất và sử dụng, áp thuế đối với các sản phẩm nhựa khó phân hủy, đồng thời thúc đẩy hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Một số giải pháp cụ thể được đặt ra như siêu thị, cửa hàng và cơ sở kinh doanh hạn chế phân phối cho khách hàng túi ni lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần (khay, hộp chứa đựng thực phẩm, bát, đũa, ly, cốc, dao, thìa, dĩa, ống hút, dụng cụ ăn uống khác có thành phần nhựa được thiết kế và đưa ra thị trường với chủ đích để sử dụng một lần trước khi thải bỏ ra môi trường).

Các cơ sở lưu trú, khu du lịch, dịch vụ hạn chế phân phối cho khách hàng túi ni-lông, các sản phẩm vệ sinh cá nhân dùng một lần. Các hộ gia đình và người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni-lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa sang sử dụng các dụng cụ khác.

Nhấn mạnh tác hại nghiêm trọng của chất thải nhựa đến môi trường và đa dạng sinh học, sức khoẻ con người, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị các cấp, các ngành cần có các biện pháp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong xử lý tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa.

MỚI - NÓNG