Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. |
Thưa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, tại sao anh đang làm báo lại chuyển sang lĩnh vực tư vấn xuất bản?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Công việc chính của tôi vẫn là làm báo. Tôi đến với xuất bản là do yêu thích sách từ trước và may mắn kết hợp được với các kỹ năng báo chí, truyền thông... Tôi cũng may mắn làm được một số cuốn sách best-seller, nên “thừa thắng xông lên”. (Cười)
Với các trang mạng xã hội phổ biến như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cá nhân có vẻ rất đơn giản, tại sao anh lại nói viết sách mới là cách làm thương hiệu cá nhân đỉnh cao?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Bạn viết một bài để đăng trên Facebook thì rất đơn giản, thậm chí có thể dễ dàng viết 10 bài cùng lúc. Nhưng viết sách thì bạn cần phải làm nhiều hơn thế khoảng 50 lần. Viết bài đăng Facebook, bạn có thể chỉnh sửa thoải mái, thậm chí có thể xoá luôn nếu cần, nhưng viết sách thì yêu cầu cao hơn hẳn vì sách đã in ra rồi thì không sửa được. Rồi cấu trúc các nội dung viết ra như thế nào để thành một cuốn sách cũng không đơn giản, nếu bạn không biết cách làm. Rồi các thủ tục pháp lý, phát hành, truyền thông...
Thực tế, có nhiều người nổi như cồn trên mạng xã hội, nhưng không xuất bản được sách. Những người có thương hiệu và có kiến thức luôn ý thức được rằng xuất bản sách vừa là để lại một giá trị của bản thân cho cộng đồng, vừa để nâng thương hiệu lên một tầm cao khác.
Nhưng có vẻ để xuất bản được một cuốn sách như anh nói không hề đơn giản?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Nếu dễ làm thì tôi đã không dám nói viết sách là cách làm thương hiệu đỉnh cao. Nhưng nếu bạn đã có kiến thức về lĩnh vực bạn muốn viết sách thì chỉ cần bạn tìm hiểu một chút là có thể làm được. Tôi sắp xuất bản cuốn sách 6 bước tự xuất bản một cuốn sách vào tháng 10/2021, các bạn có thể tham khảo.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và Tiến sĩ Alok Bharadwaj (Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á). |
Theo anh, những người như thế nào thì có thể dễ tự xuất bản sách hơn?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin Truyền thông công bố vào đầu tháng 3/2021 thì trong năm 2020, có hơn 33.000 cuốn sách được cấp phép xuất bản, có nghĩa là gần 100 cuốn sách được xuất bản mỗi ngày. Nhiều tác giả có sách best-seller trong thời gian gần đây không phải là các nhà văn, nhà báo (những tác giả chuyên nghiệp theo quan niệm truyền thống) mà là nhân viên văn phòng, nhà khoa học, mẹ bỉm sữa, chuyên gia kinh tế... Tôi cho rằng, không ai trong chúng ta giỏi tất cả mọi thứ, nhưng chắc chắn sẽ giỏi ít nhất một thứ, viết sách về cái mình giỏi nhất thì ai cũng có thể làm được.
Đang có một thực tế là những nhân vật có nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội nếu tự xuất bản sách thì số lượng sách được bán ra sẽ nhiều hơn.
Tự xuất bản một cuốn sách mà cuốn sách này không trở thành best-seller thì có phải là tác giả đã không làm được thương hiệu cá nhân, thưa anh?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Với tôi, khi xuất bản được một cuốn sách tốt có nghĩa là mình đã đóng góp và để lại cho cộng đồng, cho xã hội một giá trị nhất định. Khi cuốn sách đã có giá trị thì đương nhiên sẽ được đón nhận, thương hiệu cá nhân, giá trị kinh tế cũng sẽ đến theo. Tuy nhiên, trong thực tế đôi khi có những cuốn sách có giá trị, nhưng lại kén người đọc.
Vừa là một chuyên gia tư vấn xuất bản, anh cũng là một nhà báo, một chuyên gia tư vấn truyền thông doanh nghiệp, anh có lưu ý gì với những bạn đọc muốn tự xuất bản sách?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Việc khó nhất khi xuất bản một cuốn sách là chuẩn bị nội dung. Nội dung có tốt thì mới truyền thông được, mới phát hành được... Còn nếu nội dung không tốt mà đẩy mạnh truyền thông, marketing thì chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu tác giả. Nếu có điều kiện, các tác giả không chuyên nên mời một chuyên gia tư vấn xuất bản có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng có nhiều sách best-seller để tư vấn ngay từ đầu.
Cảm ơn anh.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang làm việc tại báo Tiền Phong. Anh có gần 10 năm kinh nghiệm viết sách best-seller cho nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có TS Lê Thẩm Dương (Chuyên gia kinh tế), TS Alok Bharadwaj (Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á)...
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh được đào tạo bài bản về báo chí truyền thông, quan hệ quốc tế, nhân sự, marketing, quản trị kinh doanh...