Vinatex sản xuất vải chống cháy, tìm cơ hội tại thị trường ngách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats (Vương quốc Anh) vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Đây là bước đi thử nghiệm để nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách, một hướng đi thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, với hợp tác chiến lược này, Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và chi nhánh của Coats trên toàn cầu.

Theo đó, tập đoàn Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế & phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị, phân phối và cung cấp các mẫu vải chống cháy (FR) và quần áo FR.

Ngoài ra, Coats cam kết sẽ liên tục phát triển vải FR, đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex, từ xơ, sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, may đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề.

Vinatex sản xuất vải chống cháy, tìm cơ hội tại thị trường ngách ảnh 1

Lãnh đạo Vinatex và Coast tại lễ ký biên bản hợp tác sản xuất vải chống cháy

Theo ông Trình, sau hơn một năm nghiên cứu thử nghiệm, sản phẩm mẫu đã được khách hàng chấp nhận và đạt tất cả các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu. Sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng sản phẩm: Từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ. Thông thường vải được sản xuất từ xơ chịu nhiệt, được các nhà cho thuê giặt ủi cung cấp đến người sử dụng. Sản phẩm phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực: gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy..

Theo ông Trình, thị trường EU, yêu cầu rất nghiêm ngặt về vải chống cháy. Lần này sản xuất hàng cho ngành khai khoáng, điện, bảo vệ rừng. Sau quá trình nghiên cứu, nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng của ngành này, Vinatex đã xây dựng kế hoạch và kỳ vọng trong 5 năm tới đạt 80 – 100 triệu USD cho mặt hàng này.

“Tiềm năng cho thị trường vải chống cháy này, mỗi năm toàn cầu tiêu thụ cho ngành này khoảng 16 tỷ USD. Bước đầu năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch 5 triệu USD cho mặt hàng này, bắt đầu từ kéo sợi đến dệt may. Sản lượng dự kiến sản xuất 20 triệu m vải mỗi năm”, ông Trình cho hay.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho biết, việc hợp tác với Coats đây cũng là con đường mới giúp tập đoàn mở rộng thị trường, đi vào thị trường ngách về bảo vệ con người, không phải sản phẩm thời trang truyền thống.. Theo Chủ tịch Vinatex, điểm khác biệt là công nghệ sản xuất mặt hàng này là công nghệ bản quyền. Do là sản phẩm bản quyền nên việc kinh doanh sẽ gắn với từng quy định ở các nước. Đây là một xu thế mới cho việc bảo vệ con người, dành cho các thị trường phát triển như G7, EU. Vì vậy, giá trị của sản phẩm cũng khác rất nhiều so với các sản phẩm phổ thông do phải có nhiều năm nghiên cứu và có bản quyền được bảo hộ trên toàn cầu. “

“Sản phẩm này sẽ đi vào thị trường ngách, không phải hàng thời trang mà là hàng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho con người. Vinatex xác định thị trường ngành dệt may ngày càng cạnh tranh khốc liệt về giá nên cần sự chuyển đổi”, ông Trường cho hay.

MỚI - NÓNG