Vĩnh biệt đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đạo diễn Long Vân có nhiều duyên nợ với mảnh đất phương Nam. Ngoài Biệt động Sài Gòn, ông còn cho ra đời các tác phẩm kinh điển như Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn và sau này giữ vai trò cố vấn của phim truyền hình dài tập Những đứa con biệt động Sài Gòn. Sự hào sảng và quyết liệt khi làm phim giúp đạo diễn Long Vân được nhiều đồng nghiệp nể phục.
Vĩnh biệt đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' ảnh 1
Đạo diễn Long Vân (ngoài cùng bên phải) trong khi làm phim Biệt động Sài Gòn.

Duyên nợ với Sài Gòn

Đạo diễn Long Vân qua đời sáng 24/12 tại Hà Nội. Ông là một trong những tên tuổi của nền điện ảnh nước nhà. Năm 14 tuổi, ông được cử sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập. Năm 1955, ông tốt nghiệp sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, ông làm phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đi trước như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…

Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước, sản xuất năm 1979, do nhà văn Phù Thăng biên kịch, từng đoạt giải thưởng quốc tế. Sau đó, tay nghề của ông được khẳng định qua các phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, Cho cả ngày mai.

Mốc son trong sự nghiệp của đạo diễn Long Vân là Biệt động Sài Gòn - phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985. Biệt động Sài Gòn sớm trở thành hiện tượng màn ảnh và đưa nhiều tên tuổi nổi tiếng vượt bậc, trong đó có NSND Quang Thái, NSND Hà Xuyên, diễn viên Thương Tín, NSƯT Thanh Loan,…

Là một bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh, Biệt động Sài Gòn phản ánh cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ biệt động hoạt động bí mật trong lòng địch nhưng vẫn khéo léo lồng ghép chuyện tình yêu lãng mạn.

Bên cạnh sự nghiệp thành công, đạo diễn Long Vân có cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, viên mãn bên bạn đời - nghệ sĩ Kim Cương. Ông từng nói hạnh phúc lớn nhất là có người vợ yêu thương chăm sóc và con gái thành đạt lo cho đời sống tuổi già. Mối tình với nghệ sĩ Kim Cương như là mối duyên tiền định. Về già, đạo diễn Long Vân cùng vợ sống ở ngôi nhà khang trang nằm trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trong quá trình làm nghề, ông nổi tiếng là người không mấy bận tâm đến chuyện thù lao. Phim ăn khách là thế nhưng đạo diễn Long Vân thường nói mình rỗng túi, “ăn cơm vợ để đi làm phim”.

Bốn tập phim Biệt động Sài Gòn có nhiều cảnh quay ám ảnh. Với cảnh tra tấn ni cô Huyền Trang (NSƯT Thanh Loan), đoàn phim nghe những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo kể lại nên sáng tạo ra cảnh đó. Cảnh Sáu Tâm (Thương Tín) nhảy cầu, địch bắn súng theo, ở dưới sông có giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật dây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch. Đạo diễn Long Vân từng khẳng định, đây là một trong những cảnh quay nguy hiểm nhất phim. Ông cũng mời cô con gái duy nhất của ông là diễn viên nhí Vân Dung vào vai em bé bán báo trong phim. Vân Dung trải qua cảnh quay căng thẳng đáng nhớ khi đối mặt với 20 con rắn độc.

Vĩnh biệt đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' ảnh 2
Đạo diễn Long Vân là một trong những tên tuổi của nền phim ảnh nước nhà.

Sinh ra ở Hà Nội nhưng đạo diễn Long Vân có nhiều duyên nợ với Sài Gòn. Ngoài Biệt động Sài Gòn, ông còn cho ra đời các tác phẩm kinh điển như Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn và sau này giữ vai trò cố vấn của phim truyền hình dài tập Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Thời gian quay phim Giải phóng Sài Gòn, ông làm việc lao lực và ngã bệnh, tưởng chừng không qua khỏi. Nghệ sĩ Kim Cương đã phải cùng con gái vất vả chăm sóc, chạy chữa tứ phương để kéo chồng thoát khỏi cửa tử. Đến khi khỏe lại, ông lập tức nhận lời làm Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Nhưng không may, đạo diễn Long Vân lại gặp tai nạn ở chân, không thể vi vu tung hoành như xưa. Cuộc đời ông đầy những duyên nợ với Sài Gòn: danh tiếng và cả hai lần thập tử nhất sinh cũng đều vì đi làm phim về Sài Gòn, ở Sài Gòn.

Đắm chìm trong công việc

Sự hào sảng và phong thái làm phim quyết liệt giúp đạo diễn Long Vân được nhiều đồng nghiệp nể phục. Đạo diễn, biên kịch Đặng Thu Trang có dịp gặp ông khi chị còn là sinh viên. “Lần đầu gặp, bác đang làm đạo diễn phim Giải phóng Sài Gòn. Lúc ấy, tôi cảm thấy may mắn và hãnh diện lắm. Ấn tượng nhất về bác là dáng dấp cao to và giọng nói đầy uy lực dù tuổi đã lớn”, đạo diễn Thu Trang nói. Chị kể, đạo diễn Long Vân lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và sự bùng nổ sáng tạo. Thu Trang tưởng nhớ đạo diễn Long Vân bằng cách nhớ lại bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn có nhân vật Út Vân (NSND Thu Hà đóng): “Ở một nơi nào đó sẽ có ai đó vẫn nói Hẹn gặp lại Sài Gòn, Vân nhé!”.

Năm 2019, dàn diễn viên Biệt động Sài Gòn tái hợp trên sân khấu chương trình Ký ức vui vẻ, cùng những câu chuyện lần đầu tiên kể sau hơn 33 năm bộ phim phát hành. Nghệ sĩ Hai Nhất (Ba Cẩn) kể hồi ấy chưa có diễn viên đóng thế, ở một phân đoạn, Thương Tín (Sáu Tâm) phải đá ông thật đau. Sau cú đá trời giáng đó, diễn viên Hai Nhất vẫn tiếp tục chịu đựng cơn đau để hoàn thành hết phân đoạn.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan xúc động: “Thời đó chúng tôi đóng phim khổ lắm, tận bốn năm trời mới có thể xong được bốn tập phim”. Nghệ sĩ cũng hy sinh mái tóc dài của mình để làm bộ phim.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhớ nhiều kỷ niệm khi nhắc đến đạo diễn Long Vân, bởi hai gia đình khá thân nhau. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã là người bạn đời của tác giả kịch bản phim Biệt động Sài Gòn Lê Phương. Bà đến thăm đạo diễn Long Vân trước ngày ông nhập viện chừng một tháng. Khi ấy ông đã yếu.

“Trước đây, tôi thường nghe chồng và anh Long Vân nói với nhau về những dự án phim mới, ngay cả khi cả hai đã yếu. Thỉnh thoảng, họ cười với nhau về chuyện cũ, nhất là thời làm phim Biệt động Sài Gòn. Khi làm xong tập 2 của phim, hai ông được lệnh làm tiếp ngay tập 3 vì phim đang ăn khách. Chồng tôi viết vội để có kịch bản làm tiếp, khó tránh khỏi tranh luận với đạo diễn những phân đoạn chưa ưng ý. Sau bữa cơm chung, biên kịch Lê Phương và đạo diễn Long Vân đi dạo để tiếp tục cãi nhau về kịch bản”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể.

Khi ấy, cả hai đang theo đoàn giao lưu cùng bộ đội ở Campuchia. Mải tranh luận, đi quá giờ giới nghiêm nên bị quân cảnh bắt vào trụ sở. “Mãi khi ông Long Vân đọc một đoạn dài trong kịch bản của phim đang chiếu thì họ ồ lên, cử xe đưa hai người về tận trụ sở ban chỉ huy quân đoàn. Ông Long Vân là thế, khi bắt tay làm phim là đắm chìm trong đó, thuộc từng câu thoại hay, từng phân đoạn tâm đắc. Nhưng cũng có khi ra trường quay, chợt nghĩ ra cái gì hay hơn là ông đổi phắt, rất quyết liệt”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhớ lại.

Bà cho biết, với các nhà biên kịch khác, ông cũng vẫn giữ cách làm việc khăng khít, tranh luận, trao đổi đến cùng. “Đạo diễn Long Vân với cố nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương ngoài công việc còn có tình bạn bền chặt. Họ giống nhau ở chỗ chỉ quan tâm đến công việc, không biết đòi hỏi danh lợi”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

MỚI - NÓNG