Vĩnh biệt người khổng lồ văn chương Milan Kundera

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Milan Kundera - tiểu thuyết gia Pháp gốc Czech - vừa tắt nghỉ ở tuổi 94, sau một thời gian dài chống chịu bệnh tật. Được coi là một trong những nhà văn lớn của thế giới ở thế kỷ 20, Milan Kundera chọn cuộc sống ẩn dật.

Nhà văn ở ẩn

Nhà văn Milan Kundera mất tại Paris (Pháp) hôm 11/7 ở tuổi 94. Tin buồn được truyền hình Czech đăng tải, sau đó thông báo là nhà xuất bản Gallimard (Pháp). Anna Mrazova - người phát ngôn của Thư viện Milan Kundera - nói với hãng AFP về sự mất mát to lớn của giới văn chương.

Nổi tiếng thế giới với những tác phẩm được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, Kundera là nhà văn kín tiếng. Ngay cả thông tin tiểu sử cũng được ông tóm gọn: “Milan Kundera sinh tại Czech. Năm 2017, ông định cư ở Pháp”.

Vĩnh biệt người khổng lồ văn chương Milan Kundera ảnh 1

Milan Kundera và vợ - Vera tại tư gia ở Paris năm 1990.

Từ năm 1985, ông không còn trả lời phỏng vấn nữa. Được đánh giá là “thông thạo tiếng Pháp một cách hoàn hảo”, ông viết văn trực tiếp bằng tiếng Pháp từ năm 1993. Ông cũng sát sao cùng các dịch giả khi chuyển ngữ tiếng Pháp các tác phẩm thời kỳ đầu viết bằng tiếng Czech.

Milan Kundera khẳng định tiểu thuyết là nghệ thuật tổng hòa, có thể tích hợp nhiều loại hình đa dạng như tiểu luận, sân khấu hoặc triết học. Chính vì thế trong Sự bất tử, Milan Kundera đối thoại với Goethe và Hemingway.

Gia tài văn chương đồ sộ

Sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, Czech, cha Milan Kundera là giáo viên dương cầm. Ông từng là công nhân, nhạc công chơi nhạc jazz. Khoảng 1948-1952 Milan Kundera học đại học về âm nhạc, văn học, mỹ học, điện ảnh.

Trước khi được biết đến với tư cách nhà văn, Milan Kundera làm thơ. Tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông được xuất bản là Trò đùa (1967). Cuốn tiểu thuyết được Louis Aragon - người viết lời tựa cho cuốn sách khi xuất bản năm 1968 tại Pháp - đánh giá cao, coi là “tác phẩm lớn, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ 20”.

Sau khi viết Những mối tình nực cười (1971), Điệu valse giã từ (1973), Cuộc sống không ở đây (đạt giải thưởng Médicis), Milan Kundera khẳng định “không muốn viết nữa”. Tuy nhiên độc giả, bạn bè thuyết phục ông tiếp nối sự nghiệp văn chương.

Ông tới Pháp định cư năm 1975. Milan Kundera làm giảng viên thỉnh giảng tại một đại học ở Rennes năm 1981. Tổng thống Pháp François Mitterrand cấp cho ông quốc tịch Pháp năm 1981. Milan Kundera nhanh chóng coi Paris là quê thành phố quê hương thứ hai, sau này còn khẳng định mình là "nhà văn Pháp".

Vĩnh biệt người khổng lồ văn chương Milan Kundera ảnh 2

Milan Kundera rất kín tiếng, khước từ trả lời phỏng vấn từ rất lâu.

Năm 1984, Milan Kundera gặt hái thành công vang dội với Đời nhẹ khôn kham, chất chứa những suy tư về sự mong manh của kiếp người. Sau này tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 1988 do đạo diễn Philip Kaufman thực hiện, nhưng không mấy thành công. Đó là lý do khiến ông khước từ các lời đề nghị chuyển thể tác phẩm văn học lên phim.

Từng trải qua giai đoạn tham gia thành lập đảng ở Czech những năm 1950, tuy nhiên sau này dù định cư ở Pháp, nhận những câu hỏi xoáy về quan điểm chính trị, Milan Kundera thẳng thắn khẳng định mình là “nhà tiểu thuyết” thuần túy. Tiểu thuyết của Milan Kundera chạm tới những vấn đề nhân sinh của con người trong thời hiện đại.

Milan Kundera trong mắt văn giới Việt Nam

Năm 2010, nhân sự kiện ra mắt cuốn Vô tri ở Việt Nam, một số nhà văn, dịch giả và giới phê bình mổ xẻ văn chương Milan Kundera trong tọa đàm Milan Kundera-tiểu thuyết và tiểu luận. Tiểu thuyết và tiểu luận, hai mảng lớn trong sự nghiệp sáng tác của Kundera, luôn tạo luồng dư luận trái chiều, ngay cả trong giới nghiên cứu, phê bình.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Kundera là một nhà văn rất khó tính đối với các tác phẩm của mình, công đoạn sửa một tác phẩm hàng năm trời... Tôi thích tiểu luận của ông hơn tiểu thuyết. Tiểu luận của ông như một cuốn tiểu thuyết, nhân vật trong tiểu luận của Kundera chính là tiểu thuyết. Trong tiểu luận, ông nói về số phận long đong, kỳ lạ và cũng tuyệt vời của tiểu thuyết suốt mấy thế kỷ”.

Dịch giả Cao Việt Dũng (Vô tri) lại thích tiểu luận của Milan Kundera hơn: “Tôi nghĩ tiểu luận của Kundera là cách tiểu thuyết hóa. Ngay cả khi Kundera nói nhiều về các nhà văn khác, tiểu luận của ông dường như chỉ có mục đích duy nhất để giải thích tiểu thuyết của chính ông. Tiểu luận giống như cách giải thích địa hạt hư cấu của ông, do ông cho rằng không phải nhà phê bình nào cũng nhận ra. Tôi lại thích đọc tiểu thuyết Kundera hơn cả”.

Vĩnh biệt người khổng lồ văn chương Milan Kundera ảnh 3

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Milan Kundera được dịch sang tiếng Việt.

Nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh thích đọc những thứ nhẹ nhàng hơn, nên đọc tiểu thuyết của Kundera rất chậm và khó, “nhưng đọc tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết của ông rất hay, ông đâu chỉ nói về riêng mình, ông nói về Kafka rất hay đấy chứ”.

“Trước đó ông phát ngôn: Tiểu thuyết nói hộ tôi. Nhưng năm 2001, dù hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn, Milan Kundera trả lời báo Le Monde nói về Từ điển của Kundera, có lẽ vì ông nhận ra giới phê bình cũng chưa nhìn nhận đúng về tiểu thuyết của mình. Tôi thích tiểu luận của Kundera hơn, tôi không yêu được nhân vật trong tiểu thuyết của ông”, GS. Đặng Thị Hạnh nhận định.

Tác phẩm của Milan Kundera được chuyển ngữ sang tiếng Việt khá nhiều: Sự bất tử, Chậm, Căn cước, Sách cười và lãng quên, Đời nhẹ khôn kham, Những mối tình nực cười, Cuộc sống không ở đây, Vô tri, Một cuộc gặp gỡ... cùng tiểu luận như Những di chúc bị phản bội, Nghệ thuật tiểu thuyết.

Milan Kundera nhận được nhiều giải thưởng lớn: Giải Médicis cho tiểu thuyết nước ngoài, Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu (1987), Giải thưởng lớn Văn học của Viện Hàn lâm Pháp.

MỚI - NÓNG