Với 'lão nông cao tốc'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Loạt bài 3 kỳ Lão nông mở “chuyên án” cao tốc đăng nhật báo Tiền Phong từ ngày 13-15/6/2022 vừa giành giải cao nhất (giải B, không có giải A thể loại Ký báo chí cho báo in) Giải báo chí tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XV-2023 trao đúng dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay.
Với 'lão nông cao tốc' ảnh 1
Lão nông Phạm Tấn Lực với xấp đơn tố cáo sai phạm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi viết bằng 2 thứ tiếng Việt Trung. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngày 20/6/2017, báo Tiền Phong khởi đăng bài đầu tiên của tôi về lão nông Phạm Tấn Lực đã “xăm mình”, bạo gan lên tiếng tố cáo những hạng mục thi công gian dối trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (khu vực xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tiếp đó là hàng loạt bài viết trên Tiền Phong và các báo đài, nhưng phải 5 năm sau, tháng 6/2022 việc làm của ông Sáu Lực mới chính thức được ghi nhận, với tấm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.

Tôi gặp lão nông Phạm Tấn Lực vào tháng 3/2017 và không hề ấn tượng với giọng hơi ngọng, người gầy gò, khuôn mặt đen thui. Nhưng tôi “neo” lại trong lòng mình ở lời nói của lão về việc công trình đường cao tốc vay vốn nước ngoài, “nếu nó làm dối thì nợ công chồng chất, con cháu sau này gánh đủ, tôi theo dõi họp Quốc hội nhiều rồi, nghe nói nợ công nhiều lắm…”.

Những người hàng xóm của lão mà tôi bắt gặp để đối chiếu những gì lão nói thì họ đều nói hất ra, “cha Sáu Lực bị khùng, bởi vì mình là nông dân, dốt nát, trong khi họ toàn là kỹ sư, nói trật là họ bỏ tù mọt gông”.

Ông Bùi Văn Chương, thời đó là Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ, xã Bình Trung khi mới gặp tôi đã có vẻ khó ăn khó nói, vì chi bộ có 63 đảng viên, nhưng sao người tiên phong thì lại là một lão nông nghèo khổ? Ông Chương khẩn khoản và úp mở chuyện anh em cũng có động viên, có chia sẻ với bà con nông dân vì đã theo ông Lực đi làm một việc thể hiện tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tôi chợt nhớ ra, lục tìm lại, hóa ra cái chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được đề cập từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986. Có nghĩa là đã hơn 31 năm trôi qua, nhưng cái chủ trương “người dân tham gia giám sát xã hội” thì rất nhiều nơi như vẫn chỉ là trên giấy tờ.

Rồi cũng năm đó, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong dịp gặp gỡ báo chí nhân ngày 21/6 đã nhấn mạnh câu chuyện “các nhà báo phải giúp cho người dân có tiếng nói, xuất hiện nhiều người tốt, mạnh dạn, thì xã hội mới phát triển mạnh lên được…”. Các lão nông nghe chuyện này thì gật gù, theo kiểu “chú Sáu và bà con đã được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bật đèn xanh”.

Với 'lão nông cao tốc' ảnh 2
Ông Sáu Lực trong một lần kiểm tra hiện trường thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Thế rồi thời gian trôi qua, lão đã mạnh dạn hơn và có lần tôi gặp lão đang mở điện thoại gọi thẳng cho ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC (Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam). Vào giai đoạn này, tổ giám sát lão nông đã tăng thêm mấy người, trong đó có cả ông cụ Hồ Miến, 84 tuổi. Dù mắt mũi kèm nhèm nhưng ông Miến vẫn chống gậy ra mé đường để quan sát, nắm tình hình. Nhìn tình cảnh các ông già lọm khọm nhòm ngó đường cao tốc và chỉ ra những chứng cứ theo kiểu nông dân, tôi lại rút ra thêm một chân lý khác, đó là người dân khi mới bước chân vào cái guồng “dân biết, dân bàn…” sẽ gặp vô vàn trắc trở. Người ta sẽ nói “Ông là ai? Dựa vào đâu? Ông có nhiệm vụ gì… mà đi giám sát chúng tôi?”.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong dịp gặp gỡ báo chí nhân ngày 21/6 đã nhấn mạnh câu chuyện “các nhà báo phải giúp cho người dân có tiếng nói, xuất hiện nhiều người tốt, mạnh dạn, thì xã hội mới phát triển mạnh lên được…”.

Với 'lão nông cao tốc' ảnh 3
Bài về lão nông Sáu Lực đăng Tiền Phong từ tháng 6/2017. Ảnh: Lê Văn Chương

Nhưng rồi thời gian trôi qua, nếu người dân quyết tâm “dấn thân”, vì đại nghĩa, vì xã hội… thì tới lúc người hỏi ngược bạn sẽ phải lắng nghe, tới lúc đó thì bạn đã đưa chủ trương từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đi vào cuộc sống.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chính thức thông tuyến vào ngày 2/9/2018; đến ngày 16/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can vì những sai phạm tày trời, rồi vụ án mở rộng điều tra, có đến 36 bị cáo ra tòa lãnh án. Tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định tặng bằng khen cho ông Phạm Tấn Lực, năm đó ông Lực đã 63 tuổi và lão nông Hồ Miến thì cũng đến tuổi sắp về trời.

Đây là thời điểm cộng tác viên báo Tiền Phong chính thức “gút” vấn đề, tổng kết bằng loạt bài 3 kỳ sau 5 năm đồng hành (bài Lão nông mở "chuyên án" cao tốc) trên báo Tiền Phong. Loạt bài được Hội đồng giải báo chí tỉnh Quảng Ngãi chấm chọn trao giải B nhân dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay 21/6/2023.

MỚI - NÓNG