Vụ 12.000 'sổ đỏ' cấp sai hạn mức, mới giải quyết được 1.000 trường hợp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện UBND huyện đã vận động được 1.000 hộ dân tự nguyện điều chỉnh về hạn mức đất ở theo đúng quy định. Còn 11.000 giấy chứng nhận chưa được xử lý.

Thông tin tại Hội nghị tiếp xúc với cử tri huyện Sóc Sơn diễn ra tại huyện Sóc Sơn chiều 25/4, ông Nguyễn Văn Toàn - quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thông tin: Địa bàn huyện có 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp vượt hạn mức đất ở. Trong đó từ năm 1993 - 2000 cấp 3.000 giấy chứng nhận; từ năm 2005-2012 cấp 9.000 giấy chứng nhận. Các hộ dân đều có nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1980.

Hiện UBND huyện đã vận động được 1.000 hộ dân tự nguyện điều chỉnh về hạn mức đất ở theo đúng quy định. Còn 11.000 giấy chứng nhận chưa được xử lý.

Vụ 12.000 'sổ đỏ' cấp sai hạn mức, mới giải quyết được 1.000 trường hợp ảnh 1
Hàng nghìn hộ dân tại Sóc Sơn bức xúc vì bị cấp sai hạn mức đất ở

Theo ông Toàn, việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp vượt hạn mức gặp rất nhiều khó khăn do quá trình sử dụng các hộ dân đã đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận sau khi chia tách, mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nên không thể thực hiện được việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định tại Điều 106 Luật Đất đai, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ.

"Khi thực hiện GPMB, nếu bồi thường theo diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận là không đúng quy định, nếu bồi thường theo hạn mức ban đầu (không quá 400m2/hộ) thì các hộ dân không đồng thuận", ông Toàn nói. Đặc biệt, các hộ dân thuộc phạm vi GPMB dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0-500m và sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện GPMB theo quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn sắp tới.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, đối với đất ở vượt hạn mức lên đến 12.000 trường hợp tại huyện Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ trước đó đã có kết luận liên quan đến việc này. Theo lãnh đạo Sở TNMT Hà Nội, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nên không thể có cơ chế chung ban hành để xử lý toàn bộ các trường hợp này. "Giải pháp là huyện phải phân loại ra, giao thanh tra huyện thanh tra từng đợt. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này", ông Cường nói.

MỚI - NÓNG