Vụ sạt lở chết người ở Đà Lạt: Những tổ chức, cá nhân nào bị triệu tập?

TPO - Công an TP Đà Lạt và Sở Xây dựng Lâm Đồng triệu tập nhiều doanh nghiệp, cá nhân và lãnh đạo, cán bộ chính quyền địa phương để làm rõ nguyên nhân sự cố sập ta luy gây hậu quả nghiêm trọng tại phường 10.
Vụ sạt lở chết người ở Đà Lạt: Những tổ chức, cá nhân nào bị triệu tập? ảnh 1

Hiện trường vụ sạt lở ở phường 10, Đà Lạt

Ngày 3/7, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản triệu tập nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự cố sập đổ ta luy tại hẻm 15/2 Yên Thế (phường 10, TP Đà Lạt).

Theo đó, sở triệu tập nhà thầu thi công và thiết kế xây dựng ta luy (Cty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng), nhà thầu thẩm tra thiết kế (Cty TNHH Hà Phát Thịnh) và các chủ đầu tư: ông Nguyễn Minh Thông, ông Nguyễn Minh Tâm, ông bà Lê Văn Lực và bà Hoàng Thị Kim Xuân.

Sở Xây dựng đề nghị khi đến làm việc (chiều 6/7), các tổ chức, cá nhân này phải mang theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến công trình, bao gồm: Hợp đồng thi công, hợp đồng tư vấn, thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ biện pháp thi công, hồ sơ khảo sát, hồ sơ quản lý chất lượng trong quá trình thi công, các tài liệu khác có liên quan.

Trước đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, đánh giá, tổ chức giám định để xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố tại hẻm 15/2 Yên Thế.

Vụ sạt lở chết người ở Đà Lạt: Những tổ chức, cá nhân nào bị triệu tập? ảnh 2

Ta luy tại hẻm 15/2 Yên Thế bị sập

4 ngày qua, Công an TP Đà Lạt cũng đã triệu tập khoảng 20 người để điều tra làm rõ những sai phạm dẫn đến sự cố nghiêm trọng này. Trong đó có chủ thầu thi công bờ ta luy, đơn vị giám sát thi công, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND phường 10, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt cùng các thành viên Đội Trật tự xây dựng thuộc phòng này.

Công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc cấp phép xây dựng, thiết kế công trình, thẩm định, giám sát thi công…; đồng thời cử lực lượng trở lại hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở phường 10 để khám nghiệm, làm rõ sai phạm trong việc thi công xây dựng ta luy bằng bê tông cốt thép.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định giữa giấy phép được cấp để xây dựng ta luy và thực tế thi công có nhiều sai phạm về chiều cao công trình.

Cũng trong ngày 3/7, cơ quan chức năng TP Đà Lạt huy động thêm nhiều phương tiện, máy móc cùng những công nhân lành nghề phá bỏ phần còn lại của ta luy đang cheo leo bên miệng vực.

Một số xe múc đang múc bớt đất phía trên đỉnh ta luy nhằm giảm bớt áp lực vào khối kè bê tông có nguy cơ sạt trượt. Một số công nhân đang đục thủ công bờ kè bê tông để bảo đảm an toàn cho ngôi nhà phía dưới còn nguyên vẹn sau vụ sạt lở.

Vụ sạt lở chết người ở Đà Lạt: Những tổ chức, cá nhân nào bị triệu tập? ảnh 3

Dùng máy múc để múc đất giảm bớt áp lực vào khối kè bê tông ở đỉnh ta luy

Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 29/6, ta luy tại hẻm 15/2 Yên Thế bị sụp kéo theo lượng lớn đất đá đổ xuống hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám khiến đôi vợ chồng bị đất vùi lấp, tử vong. Một số người khác bị mắc kẹt trong ngôi nhà phía dưới ta luy, được lực lượng chức năng giải cứu, đưa vào bệnh viện điều trị.

Vụ sập ta luy còn làm 1 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 3 căn nhà khác và một số công trình điện, nước, đường giao thông… bị hư hỏng.

Ngày 2/7, Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra những sai phạm liên quan vụ sạt lở ta luy này.

MỚI - NÓNG