Bạn nhận nhiệm vụ canh gác biên giới trong khoảng thời gian nào?
Vừa kết thúc nhiệm vụ trực chốt biên giới tỉnh Lạng Sơn tôi cùng đồng đội tiến tới biên giới tỉnh Tây Ninh để thực hiện thêm nhiệm vụ mới từ ngày 12/1/2021 và kéo dài hơn 2 tháng đến ngày 30/3/2021 thì kết thúc. Xa nhà làm nhiệm vụ đúng dịp Tết Nguyên đán nên tôi và đồng đội đi vào biên giới Tây Nam chống dịch với một tâm thế "chống dịch như chống giặc" để nhân dân vui xuân đón Tết.
Đỗ Trọng Tuyển (sinh viên lớp 42A, Tiểu đoàn 4, Học viện Biên phòng). |
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, bạn được truyền đạt những kinh nghiệm gì từ những người đi trước?
Trước khi đi vào Tây Ninh tôi cũng đã đi lên biên giới phía Bắc cụ thể là tỉnh Lạng Sơn để chống dịch trước đó 2 tháng. Nên đi lần này tôi biết mình cần chuẩn bị những gì để khi thực hiện nhiệm vụ tránh bị lây nhiễm nguy hiểm cho bản thân và cho đồng đội.
Bạn có đắn đo hay lo lắng gì khi được giao nhiệm vụ canh gác biên giới trong thời điểm dịch bệnh?
Khi được giao nhiệm vụ đi chống dịch, tôi không thấy lo lắng mà ngược lại thấy rất vui mừng. Là một người lính, tôi có sức khỏe, có sức trẻ thì nên hăng hái tham gia. Tôi coi đây là cơ hội quý giá để được cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc. Vì đã có kinh nghiệm chống dịch ở tỉnh Lạng Sơn trước đó nên tôi biết cần chuẩn bị những gì để khi thực hiện nhiệm vụ tránh bị lây nhiễm nguy hiểm cho bản thân và cho đồng đội.
Những khó khăn bạn phải đối mặt trong quá trình công tác?
Tôi được phân về Chốt Biên phòng Cầu Khỉ (Đồn Biên phòng Tân Bình). Đồn nằm trong khu vực rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, xung quanh không có dân cư và phải đi ít nhất 10km mới ra đến chỗ có người.
Chốt thường có ba người trực, ngoài tôi còn có thêm công an xã và dân quân tự vệ. Cả ngày lẫn đêm chốt trực luôn phải có người nên tôi và đồng đội chia nhau cứ hai người trực thì một người tranh thủ nghỉ ngơi. Ban ngày thì không có gì đáng ngại, nhưng trực đêm gặp nhiều muỗi. Chốt trực ở trong rừng nên muỗi rừng nhiều, đốt xuyên cả quần áo. Dùng bao nhiêu hương muỗi cũng không đỡ được phần nào. Cũng như những chốt chống dịch khác, tôi cùng đồng đội cũng thực hiện “ăn lán ngủ rừng” trong suốt hơn hai tháng chống dịch. Chúng tôi vẫn thường gọi vui chốt của mình là chốt “ba không”.
Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn về “ba không” gồm những gì? Mọi người đã khắc phục những thiếu thốn đó như thế nào?
“Ba không” gồm không điện, không sóng, không nước. Mỗi lần muốn gọi điện thì phải di chuyển ra cách chốt khoảng 3km mới đến chỗ có sóng điện thoại. Chúng tôi có ắc quy nhưng chỉ phục vụ cho việc thắp sáng bóng đèn còn đun nấu thì dùng hoàn toàn bằng bếp củi. Còn nước sinh hoạt thì phải ra chỗ của mấy anh bảo vệ rừng cách chốt chừng 3km để xin, rồi chúng tôi cũng chia nhau dùng tiết kiệm và chắt chiu hết sức. Việc sinh hoạt có nhiều bất tiện nhưng không vì vậy mà chúng tôi lơ là nhiệm vụ chính của mình.
Nhiệm vụ chính của bạn trong khoảng thời gian công tác tại biên giới Tây Ninh là gì?
Thời điểm tôi nhận nhiệm vụ vào cận Tết nên nhiều người Việt Nam sinh sống bên Campuchia cố gắng nhập cảnh trái phép để về quê ăn Tết. Khi trực chốt và phát hiện những trường hợp đó, tôi cùng hai người đồng đội đưa về chốt để lấy thông tin cá nhân, đưa vào lán cách ly tạm thời. Sau đó, báo cho cơ quan y tế của huyện đưa những người nhập cảnh trái phép đi xét nghiệm và cách ly tập trung.
Bố mẹ bạn phản ứng như thế nào khi bạn thông báo nhận nhiệm vụ xuyên Tết?
Lúc nói với bố mẹ chuyện không về ăn Tết cũng khá khó khăn. Tuy lo lắng nhưng bố mẹ cũng rất tự hào vì tôi được ra tuyến đầu chống dịch. Bố mẹ động viên tôi rất nhiều, dặn phải ăn uống cẩn thận, nhớ tự phòng tránh dịch cẩn thận, phải đặt an toàn lên hàng đầu.
Đỗ Trọng Tuyển (bên phải) cùng đồng đội chuẩn bị vào chống dịch tại biên giới Tây Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Lần đầu tiên đón Tết xa nhà và còn ở nơi biên giới xa xôi, bạn cảm thấy như thế nào?
Hai tháng thực hiện nhiệm vụ là khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ giúp tôi rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng và có thêm nhiều trải nghiệm đáng quý trong cuộc đời quân ngũ của mình. Lần đầu tiên đón Tết ở biên giới, lần đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng tôi không buồn phiền gì nhiều vì ăn Tết cùng anh em đồng chí đồng đội cũng rất vui, tất cả đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Thời điểm đó tôi chỉ nghĩ “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 còn dài và những người chiến sĩ Biên phòng như chúng tôi phải bền ý chí, vững tư tưởng, nguyện cống hiến hết mình để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại khu vực biên giới, đồng thời ngăn chặn những trường hợp nhập cư trái phép làm lây lan dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Xin cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện!