Vượt định kiến giới, nữ Giám đốc HTX làm giàu trên quê hương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Mình đã vượt lên được số phận. So với những người phụ nữ nơi khác mình chưa là gì cả, nhưng mình mong các chị em phụ nữ hãy có hoài bão, ước mơ, làm không được thì ta làm lại, khi nào được thì thôi. Hãy sống cho bản thân, thoát mình ra khỏi căn nhà chỉ có bếp và con cái. Đặc biệt, hãy chứng tỏ cho chồng thấy ngoài việc nhà, mình vẫn làm được nhiều việc khác nữa", nữ Giám đốc HTX Lộc Thị Chanh nói. 

Lớn lên ở xã Nông Thượng (tỉnh Bắc Kạn), cô gái người Tày Lộc Thị Chanh (SN 1991) nhớ lại ký ức khi xưa chứng kiến mẹ, các bác phụ nữ trong bản phải sống với những định kiến về giới.

"Tất cả các công việc trong nhà đều phải làm, con cái có quấy khóc nếu không dỗ được còn bị mắng không biết trông con. Trong khi ấy, mẹ và các bác vừa trông con, vừa phải lên nương rẫy, rồi về nhà cơm nước. Còn nam giới thì ngoài việc đồng áng, về nhà không phải làm gì, đến bữa thì ngồi vào ăn cơm, uống rượu.

Người phụ nữ mặc nhiên không được tham gia vào tham góp ý kiến hay quyết định những công việc lớn trong gia đình. Chỉ được làm "tròn vai" là một người phụ nữ nội trợ, trông con", Chanh kể.

Nhà nghèo, gia đình lại có 3 chị em gái, để được đi học, Chanh đi gánh gạch cùng bố mẹ, tìm măng, tìm bông chít, quả chè về để bán. Cô gái dân tộc Tày đầy hy vọng, rằng chỉ có việc học mới giúp cô khẳng định vị thế của mình và vượt lên trên định kiến về phụ nữ của người dân trong bản lúc bấy giờ.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Dược Hà Nội, năm 2017, Chanh đã thử làm bánh gio. Từ nguyên liệu tự nhiên tưởng như bỏ đi như cây chít mọc khắp nương rẫy, nếp nương... chị đã làm thử và bán trên các trang mạng xã hội, bạn bè ngoài tỉnh.

Vượt định kiến giới, nữ Giám đốc HTX làm giàu trên quê hương ảnh 1

Lộc Thị Chanh tại Lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023 vừa qua.

Từ cơ sở nhỏ lẻ, Chanh đã thành lập hợp tác xã để kêu gọi các chị em trong bản cùng làm. Đến năm 2022, cô gái dân tộc Tày đã thành công đưa bánh gio đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bình quân mỗi ngày HTX sản xuất và bán ra thị trường gần 2.000 chiếc bánh, có thời điểm lên đến hơn 10.000 bánh/ngày; thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 thành viên, chủ yếu là phụ nữ.

Từ hành trình khởi nghiệp đầy gian khó của mình, Chanh quan niệm, phụ nữ không thua kém đàn ông; đàn ông làm được việc gì thì phụ nữ cũng làm được điều đó.

"Ngày xưa, phụ nữ trong bản chỉ sinh con đẻ cái, làm các công việc trong nhà. Đàn ông ra ngoài kiếm tiền mới là công to việc lớn. Nhưng giờ, công việc nên san sẻ cùng nhau, cùng nhau phát triển để xây dựng gia đình hạnh phúc", Chanh nói.

Vượt định kiến giới, nữ Giám đốc HTX làm giàu trên quê hương ảnh 2

Đến năm 2022, cô gái dân tộc Tày đã thành công đưa bánh gio đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Về hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới, nữ Giám đốc HTX đã tích cực tuyên truyền tới các gia đình thành viên và đang có sự khởi sắc. Chanh kể, các chị em có lúc làm ở xưởng về muộn, các ông chồng cũng tạo điều kiện, có khi còn lên phụ việc cùng để tăng thêm thu nhập, hay chủ động phụ công việc nhà.

"Mình đã vượt lên được số phận. So với những người phụ nữ nơi khác mình chưa là gì cả, nhưng mình mong các chị em phụ nữ hãy có hoài bão, ước mơ đi, làm không được thì ta làm lại, khi nào được thì thôi. Hãy sống cho bản thân, thoát mình ra khỏi căn nhà chỉ có bếp và con cái. Đặc biệt, hãy chứng tỏ cho chồng thấy ngoài việc nhà, mình vẫn làm được nhiều việc khác nữa", nữ Giám đốc HTX Lộc Thị Chanh nói.

Hành trình vượt qua định kiến giới, vươn lên khẳng định vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số là một hành trình lâu dài và bền bỉ. Những tấm gương như Lộc Thị Chanh có tính điển hình, truyền cảm hứng, tiếp thêm sự tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số theo đuổi các chân giá trị của bản thân, nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, vượt qua mọi rào cản, định kiến.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.