Lao động - Công đoàn:

Xa vời giấc mơ an cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hàng chục năm xa quê lập nghiệp, người lao động ở nhiều khu công nghiệp luôn ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Xóm trọ đi liền khu công nghiệp

Rời quê từ Phú Thọ xuống Hà Nội từ khi hơn 23 tuổi, giờ đã hơn 10 năm chị Nguyễn Thúy Quỳnh gắn bó với khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Gia đình chị thuê phòng trọ khoảng 18m2 tại ngõ 2, đường Mới, Hậu Dưỡng. Chị lấy chồng cách đây 7 năm và chồng chị chuyển về sống cùng trong căn nhà trọ.

Xa vời giấc mơ an cư ảnh 1

Không gian sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Thúy Quỳnh

Khi hai con nhỏ lần lượt ra đời, vợ chồng bận đi làm nên phải nhờ bà ngoại xuống ở cùng để chăm cháu và lo việc nhà. Cả gia đình 5 người giờ sống chung trong căn phòng nên gia đình chị đã bỏ thêm tiền để thêm gác xép làm chỗ nghỉ ngơi. Tất cả đồ đạc của cả nhà xếp trong phòng nên nhìn đâu cũng thấy bừa bộn dù được dọn dẹp thường xuyên. Phòng trọ ngay sát mặt đường, lại có con nhỏ nên nhà chị Quỳnh phải lắp thêm khung chắn bằng sắt, con chị cả ngày chỉ loanh quanh trong căn phòng nhỏ, nếu muốn ra ngoài đường, phải có người lớn đi cùng. Việc này đối với gia đình chị vô cùng bất tiện vì vợ chồng chị đi làm từ sáng tới tối, bà ngoại thì đã có tuổi, cháu nhỏ lại hiếu động, đưa cháu ra ngoài nhiều khi cũng lo.

Theo nhiều người lao động đang sống tại khu nhà ở tập thể dành cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, mỗi tháng, họ chỉ chi trả 40.000 - 50.000 đồng/người, tiền điện, nước được công ty hỗ trợ. Tuy giá rẻ nhưng nhiều bất tiện, chỉ phù hợp với người độc thân. Người có gia đình, con cái thường phải chuyển ra ngoài thuê trọ.

Chị Quỳnh tâm sự: “Con cái càng ngày càng lớn, trước mắt là cần có không gian để vui chơi, học hành, sau lớn hơn một chút lại cần có không gian riêng tư để sinh hoạt. Thế nhưng với điều kiện kinh tế như hiện nay, mua được một ngôi nhà chỉ có trong mơ thôi”.

Trước kia, khi công việc còn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, được tăng ca nhiều thì thu nhập của cả hai anh chị cộng lại khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mấy năm trở lại đây, công ty ít đơn hàng nên chị không được tăng ca, anh đi làm ngoài nữa thì thu nhập cũng chỉ khoảng 17 triệu đồng/tháng. Đấy là một số tiền vào dạng khá so với bình quân thu nhập của công nhân sống tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, với tình trạng vật giá leo thang như hiện nay, số tiền đó cũng chỉ đủ để gia đình chị Quỳnh chi tiêu trong tháng, hoặc may ra thì dư 2-3 triệu đồng tiết kiệm.

Ngại yêu vì không có nhà ở

Thuê hai phòng trọ cấp 4 liền nhau ở Hậu Dưỡng, vợ chồng anh Bùi Văn Dũng (42 tuổi, quê Hòa Bình) cho biết anh đã gắn bó với nơi này từ khi vừa đặt chân xuống Hà Nội, đến giờ cũng đã ngót 10 năm. “Trước kia có chỗ ăn chỗ ngủ đã là điều may mắn rồi, thế nhưng ở quanh đây cũng toàn khu nhà trọ kiểu này, nhiều người nên cũng nhiều vấn đề phức tạp, Đã có nhiều vụ trộm cắp xảy ra ở quanh đây rồi”, anh Dũng nói.

Dù biết khả năng tài chính không đủ nhưng anh Dũng vẫn nhiều lần mơ sở hữu một căn nhà hoặc căn hộ khang trang hơn, an toàn hơn để ổn định cuộc sống “Người ta hay bảo an cư lạc nghiệp nhưng đối với mức lương công nhân hiện tại của chúng tôi thì quá khó, phấn đấu cả đời chắc cũng không được. Ở đây, chúng tôi đều mong chính quyền, Nhà nước hỗ trợ công nhân có được một căn nhà, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với mức thu nhập của chúng tôi”, anh nói.

“Tôi dự tính khoảng 2-3 năm nữa khi dành dụm được nhiều hơn chút thì sẽ đi vay thêm để mua một căn nhà ở xã hội hoặc một mảnh đất nhỏ ngoại thành rồi xây nhà”.

Anh Dũng cho biết, thời gian trước, khi có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà xã hội, vợ chồng anh cũng từng đi xem và tham khảo các khu nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, nhưng việc tiếp cận để mua còn khó nên anh chuyển hướng qua tìm và tham khảo các khu đất nền được người dân rao bán.

Không ít nam nữ công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, áp lực cuộc sống nơi thành phố, thiếu nhà ở khiến không ít bạn trẻ ngại yêu, ngại lập gia đình...

MỚI - NÓNG