Xây dựng chuỗi nông sản an toàn: Tạo niềm tin cho nông sản Việt

Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng đã được dùng những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc; giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

Việc phát triển chuỗi thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" đã được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức triển khai từ năm 2013. Để có bức tranh toàn cảnh về kết quả triển khai trong 5 năm qua, báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng Chất lượng nông sản – Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn: Tạo niềm tin cho nông sản Việt ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng Chất lượng nông sản – Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản

Ông Thuận cho biết:

Việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định trong Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là xây dựng mối liên kết sản xuất kinh doanh tập thể, chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, gia tăng xuất khẩu, an sinh xã hội, cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, luật pháp về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

Kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng có ý nghĩa với cả người tiêu dùng lẫn những đơn vị tham gia chuỗi. Đầu tiên, người tiêu dùng được lựa chọn nông sản sạch, an toàn, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc; giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

Bên cạnh đó, chuỗi cung cấp nông sản giúp gia tăng sự gắn kết và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia chuỗi. Thúc đẩy các hệ thống an toàn như GAP, GMP, HACCP.

Vậy các bước triển khai chuỗi trong thời gian qua gồm những nội dung cụ thể như thế nào, thưa ông?

Các bước triển khai được thực hiện theo trình tự trước - sau, có kết nối, đó là liên kết hình thành chuỗi cung ứng bền vững; Nâng cấp điều kiện ATTP từng khâu trong chuỗi, áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng, ATTP (GAP, GMP, HACCP) và hệ thống truy xuất nguồn gốc (truyền thống/ điện tử); Tập huấn tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy trình, hệ thống bảo đảm chất lượng, ATTP; hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đăng ký, chứng nhận đủ điều kiện ATTP (GAP/ GMP/HACCP); Xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…; Phát triển nhãn hiệu, thông tin truy xuất, thương hiệu; Truyền thông, quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Xử lý các vấn đề phát sinh, duy trì và mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ông có thể thông tin thêm về kết quả triển khai đến nay?

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương gửi về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đến hết tháng 11/2018 cho thấy: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi; 1096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Có sự tham gia của khoảng 100  hợp tác xã, 250 công ty, trong đó có một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop ....); Các cơ sở sản xuất kinh doanh hưởng ứng, nhận thức đúng và có trách nhiệm tham gia triển khai chuỗi; Hầu hết các địa phương đã tổ chức xác nhận chuỗi và thực hiện truyền thông quảng bá sản phẩm chuỗi tại nơi bán hàng, trên báo địa phương và trên đài truyền hình địa phương. Một số địa phương đã triển khai hệ thống truy xuất điện tử. Nhìn chung kết quả phân tích các chỉ tiêu ATTP sản phẩm của chuỗi (thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, khánh sinh) đều đạt yêu cầu.

Trong thời gian triển khai, đơn vị có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Quá trình triển khai không thể tránh được những khó khăn ban đầu, trong đó có công tác kết nối các khâu của chuỗi (giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh) còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể. Lợi nhuận được phân phối không công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Thương nhân (người kinh doanh bán buôn, bán sỉ) nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với những người khác.

Kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất các chuỗi sản phẩm an toàn. Sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít, bao bì, nhãn mác, thông tin truy xuất chưa đủ đẹp; Việc quảng bá sản phẩm chuỗi chưa thường xuyên, liên tục.

Vậy đâu là giải pháp triển khai trong thời gian tới, thưa ông?

Mục tiêu đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 50% sản lượng nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi; Việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Để đạt được mục tiêu cần xây dựng và áp dụng chương trình thực hành tốt (GAP) hoặc những tiêu chuẩn phù hợp với địa phương; Tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định về ATTP, đào tạo kiến thức ATTP cho người tham gia sản xuất; tạo mối liên kết theo liên kết ngang (thành lập HTX, tổ hợp tác) theo chiều dọc (hợp đồng về sản lượng, chất lượng, giá cả, ...). Vận động các đối tượng động lực (doanh nghiệp, HTX/Tổ hợp tác, trang trại liên kết) chủ động liên kết, hỗ trợ các tác nhân còn lại; Hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở tham gia chuỗi (triển khai áp dụng, chứng nhận sản phẩm, tem nhãn nhận diện...); hướng dẫn kỹ thuật...; Hỗ trợ xây dựng thí điểm các khu vực kinh doanh sản phẩm của chuỗi; Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chuỗi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Chương trình thực hiện với sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo chí phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo chí phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc

TPO - "Báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Công chúng mong muốn có ngày càng nhiều hơn nữa những cây bút, những tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc, tầm vóc, chuyển tải được những bước chuyển mình to lớn của Đảng, của dân tộc, có giá trị cao về chính trị, tư tưởng", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'

TPO - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, từ nay đến năm 2030 là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. "Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân. Đó là mệnh lệnh của thời đại", Tổng Bí thư nói.
Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà Tết tại Cần Thơ

Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà Tết tại Cần Thơ

TPO - Chiều 20/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã thăm và tặng quà Tết gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.