Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Bắc Trung Bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để kết nối vùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương lựa chọn theo hướng ưu tiên các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Sáng 13/1, tại Nghệ An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùngBắc Trung BộDuyên hải Trung Bộ.

Năm 2023, Hội đồng điều phối vùng đã hoàn thành 8 nhiệm vụ trọng tâm. 13/14 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng phê duyệt quyết định quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Còn 1 quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã thẩm định, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng đề ra.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Bắc Trung Bộ ảnh 1

Năm 2023, cả vùng thu hút được 183 dự án FDI.

Năm 2023, cả vùng thu hút được 183 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD. Trong đó, Nghệ An nằm trong nhóm 10 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tỉnh đã thu hút gần 1,4 tỷ USD vốn FDI, với 19 dự án đầu tư mới.

Năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, trong đó vùng hoàn thành các đoạn cao tốc: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, tiếp tục khởi công dự án cao tốc chiến lược vùng đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Về hàng không, cảng hàng không Phú Bài hoàn thành, đưa vào khai thác. Hệ thống đường sắt đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; khởi công dự án Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM (đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nha Trang).

Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công dự án nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Bắc Trung Bộ ảnh 2

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, cơ hội thu hút đầu tư đối với các địa phương rất lớn

Năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang đặt ra. Các địa phương khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, gửi xin ý kiến các bộ, ngành trong tháng 3/2024, hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4/2024 để triển khai thực hiện.

“Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội vùng. Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị các Bộ ngành và địa phương báo cáo rà soát cơ chế, chính sách của vùng, đề nghị các thành viên khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá riêng, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/4/2024”, Bộ trưởng Dũng đề nghị.

Năm 2024, cơ hội thu hút đầu tư đối với các địa phương rất lớn, cần chủ động cụ thể hóa phương án quy hoạch, tạo mặt bằng sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… để đón dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ KH&ĐT xây dựng các tiêu chí, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, các tiểu vùng trong vùng. Các địa phương nghiên cứu, đóng góp vào các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch các cơ sở giáo dục đào tạo, mạng lưới y tế, thể thao, du lịch, cơ sở văn hoá nghệ thuật... Trong vùng, cần xây dựng các sản phẩm của vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Về kết nối vùng, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lựa chọn theo hướng ưu tiên các dự án, công trình hạ tầng giao thông có tính toán đến kết nối với các vùng khác; hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng năng lượng theo hướng trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các vùng.

MỚI - NÓNG