Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 22/9, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Ngành ô tô tiếp cận đa chiều, hướng tới trung hòa carbon” nhằm phát triển các biện pháp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong ngành giao thông vận tải, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ô tô. 

Biến đổi khí hậu hiện trở thành vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng nhất hiện nay, đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả quốc gia trên thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu đầy thách thức nói trên, thời gian qua Chính phủ đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó có việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê –tan của ngành giao thông vận tải với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Nhằm thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Ngành công nghiệp ô tô tiếp cận đa chiều, hướng tới trung hòa carbon” vào sáng 22/9.

TỌA ĐÀM Ô TÔ 22/9

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

22/09/2023 08:14

22/09/2023 08:17

22/09/2023 09:01

Chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện cơ giới đường bộ

Mở đầu tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu được các quốc gia đặc biệt quan tâm.

"Mỗi ngày, mở một trang báo hay lướt mạng, xem tivi, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy những tin tức về siêu bão, về mưa lũ lịch sử, về sạt lở đất, hạn hán, nắng nóng kỷ lục diễn ra ở nhiều vùng đất trên thế giới", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 3

Buổi tọa đàm diễn ra sáng 22/9.

Lấy ví dụ về tác động của biến đổi khí hậu, nhà báo Phùng Công Sưởng thông tin, gần đây nhất, đất nước Lybia gánh chịu một trận lũ lịch sử với số liệu ước tính hơn 800.000 người dân (khoảng 11,4% dân số nước này) bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 20.000 người được cho là chết và mất tích. Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường. Biến đổi khí hậu đang thực sự gây ra nỗi ám ảnh cho nhân loại.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 4

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu.

Chính vì thế, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Glasgow (Scotland) là một dấu mốc quan trọng, khi Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ trong hành động của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các địa phương và toàn thể người dân, trong đó có ngành giao thông vận tải.

Như chúng ta đã biết, phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Giảm phát thải từ ngành giao thông được coi là một trong những mục tiêu quan trọng trong lộ trình tiến tới NetZero vào năm 2050.

Để cụ thể hóa, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê –tan của ngành giao thông vận tải với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Một trong những giải pháp quan trọng, chiến lược để thực hiện mục tiêu trên là chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó việc tiếp cận đa chiều, bao gồm việc phát triển các dòng xe xăng lai điện và phát triển xăng sinh học được coi là một hướng đi thiết thực, có tính khả thi cao.

22/09/2023 09:10

Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp ô tô

Ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về khái niệm "Trung hòa carbon", "Net Zero".

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 5

Ông Lương Quang Huy - Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thuật ngữ "Trung hòa Carbon" hay "Net Zero" tựu chung lại là chúng ta phải giảm mạnh mẽ khí phát thải, khí carbon, khí nhà kính.

Tại COP 26, có hơn 140 quốc gia cam kết cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Sau đó, càng nhiều quốc gia tiếp tục ký cam kết này. Việc các quốc gia trên toàn cầu đồng loạt ký cam kết này là do nhiều nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về việc khí thải gia tăng.

Đến nay, nỗ lực này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, năm 2015 nhiều quốc gia đã cam kết giảm khí thải, biến đổi khí hậu, trong 5-6 năm triển khai chưa thấy hiệu quả rõ rệt trên toàn cầu.

Trên toàn cầu lượng khí thải lên tới 51 tỷ tấn CO2, trong đó Việt Nam chúng ta là 500 triệu tấn. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng khí phát thải có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn.

Trước khi COP 26 diễn ra, Việt Nam cam kết giảm 9% tự nguyện. Đến năm 2030, nếu có sự hỗ trợ, mức giảm là 27 %. Nghĩa là, đến năm 2030 chỉ tăng khoảng 600-700 triệu tấn CO2.

Nhưng với cam kết Net Zero, năm 2022 chúng ta tăng gần gấp đôi cam kết đó, cam kết tự nguyện từ 9% đến 15% , cam kết có sự giúp đỡ nước ngoài tăng từ 27% đến 43%.

Về lộ trình trung hòa carbon của thế giới, tập trung chủ yếu ở công nghệ năng lượng. Trong 2 thập kỷ vừa qua, điện năng lượng mặt trời tăng trưởng mạnh nhất. Theo thống kê không chính thức, trong 20 năm vừa qua chúng ta đã tiêu 500 nghìn tỷ USD trên toàn cầu mà mức năng lượng tái tạo chỉ tăng được 2%. Dự đoán rằng, với Net Zero, trong những năm tiếp theo mức năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh mẽ trên toàn cầu.

22/09/2023 09:32

VIDEO: Hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050

Hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

22/09/2023 09:50

Cũng theo ông Lương Quang Huy, trong thời gian đó, mức năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng chỉ có 1-2%, nhưng giai đoạn này, Việt Nam đã đưa lượng năng lượng tái tạo lên điện lưới 20%.

Mức độ khí phát thải khí nhà kính trên thế giới bình quân khoảng 6,7 triệu tấn/ người. Ở Việt Nam trên dưới 5 tấn khí phát thải/người. Tổng khí phát thải tích lũy đứng thứ 17 trên thế giới.

Dự báo đến năm 2030 và 2050, tổng lượng khí phát thải rất cao. Trong đó lượng lớn đến từ giao thông vận tải. Việc phát triển xe điện đã góp phần nâng cao hơn rất nhiều ý thức cộng đồng. Bên cạnh việc sử dụng xe điện thì còn cần tăng thêm lượng giao thông công cộng.

Việc tắc đường khiến tiêu thụ quá nhiều năng lượng và gia tăng mạnh mẽ khí phát thải. Việc sử dụng xe điện và phương tiện công cộng giúp giảm thiểu phát thải, tiết kiệm thời gian cho người sử dụng và bảo vệ khí hậu toàn cầu.

Cung cấp thêm thông tin, ông Lương Quang Huy cho biết, số lượng xe điện nhiều nhất trên thế giới là ở Trung Quốc, số lượng trạm sạc lớn nhất cũng là Trung Quốc.

22/09/2023 10:01

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 6Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 7Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 8Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 9

Quang cảnh buổi tọa đàm.

22/09/2023 10:15

Tham gia buổi tọa đàm còn có bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

Bà Hiền cho biết, số liệu phương tiện hiện hành ở Việt Nam cả số lượng đăng ký ô tô và xe máy, tính đến 31/12/2022, theo số liệu của Cục đăng kiểm, có tới 5.850.000 ô tô và có trên 72 triệu xe máy.

Liên tục trong 10 năm qua tốc độ tăng trưởng xe điện của chúng ta đều ở 2 con số. Ở năm 2020 tốc độ tăng trưởng giảm, ở mức 8%. Tốc độ tăng trưởng đăng ký xe năm 2021 và 2022 ở mức độ 12%/ năm.

Theo báo cáo kiểm kê chính thức gửi lên UNFCCC mới nhất, tổng lượng phát thải của 5 chuyên ngành giao thông vận tải là 35,85 triệu tấn, trong đó phát thải của các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 85%, tức là hơn 30 triệu tấn.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 10

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

Nói về lượng phát khí thải tại Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới, bà Hiền cho rằng, nhìn chung, so với quy mô tương đương của lượng xe và tổng lượng phát thải ra ngang với thế giới. Với tổng phương tiện chúng ta lưu hành hiện nay thì chúng ta chiếm 0,45% tổng phát thải đường bộ so với thế giới.

Đối với tổng phát thải quốc gia trong ASEAN, chúng ta ở mức thứ 2. Trong lĩnh vực giao thông vận tải và đặc biệt trong giao thông đường bộ đứng sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Như vậy, chúng ta ở mức giữa.

Để thực hiện cam kết chung lộ trình NetZero vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành sớm quyết định 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê –tan của ngành giao thông vận tải với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Quyết định này được xem là khá toàn diện.

Bà Hiền phân tích, để đạt phát thải ròng bằng 0 tham cam kết của ngành GTVT, cần có 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ nay đến năm 2030, ngành giao thông vận tải cần tính toán tối ưu mạng lưới giao thông công cộng với đô thị giảm phát thải.

Yêu cầu chuyển đổi năng lượng sạch là tất yếu. Với yêu cầu như vậy, Bộ GTVT từ nay, đến năm 2030 xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và bước đầu khuyến khích sử dụng xe điện trong đường bộ.

Cũng đến năm 2030, giảm nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiến tới chỉ lưu thông phương tiện xe sạch. Dự đoán, 2045, các mục tiêu giảm phát thải ròng có thể đạt được.

22/09/2023 10:24

Tiếp chủ đề xu hướng chuyển đổi xanh, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong đặt vấn đề về xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, Việt Nam cũng như dự đoán trong 10 năm tới về sự phát triển của xe điện.

Trả lời câu hỏi này, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, báo Hà Nội mới cho biết, chúng ta đều biết phương tiện cá nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong những loại xe ra đường hằng ngày.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 11

Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh.

Trong nỗ lực chung để hướng tới xã hội không phát thải, chính phủ các nước đều theo đuổi mục tiêu xanh hoá giao thông mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng phải nói rằng phương tiện giao thông gắn với đời sống người dân chặt chẽ, nếu không có sự ủng hộ của người tiêu dùng thì mọi nỗ lực trong việc định hướng sản phẩm sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Trên thế giới hiện nay, trong số những loại phương tiện không phát thải thì xe điện đóng vai trò cốt lõi. Xe điện đang có sức hút nhất định có thể thuyết phục người tiêu dùng, ví dụ những nhóm bạn trẻ rất quan tâm vấn đề môi trường.

"Theo tôi, sự lựa chọn của người tiêu dùng với xe điện sẽ tăng lên. Trong năm 2023 có cả chục mẫu xe điện mới ra mắt ở thị trường Việt Nam với nhiều khoảng giá khác nhau. Như vậy, người tiêu dùng cũng sẽ dễ tiếp cận hơn", nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh nói.

Xe điện là nền tảng rất mới, là bước nhảy vọt về phương tiện đi lại, đi kèm rất nhiều giải pháp công nghệ, góp phần giải quyết bài toán giao thông đô thị. Về chi phí, khi mà hạ tầng được cải tiến thì chi phí của xe điện sẽ được giảm thấp.

Vì những lý do này, xe điện trên phương diện toàn cầu hay ở Việt Nam sẽ có sự tương lai tích cực trong 10 năm tới.

Số liệu thống kê cho thấy ở thị trường đa dạng như châu Âu hay Mỹ thì lượng xe điện bán ra sẽ chiếm 40% trong số xe bán ra từ nay đến 2030, đó là kịch bản lạc quan nhất, còn nếu không là khoảng 30%.

Nếu nói riêng Việt Nam, chắc chắn sẽ đi theo chung xu thế toàn cầu, nhưng lộ trình như thế nào, hiệu quả như thế nào sẽ phục thuộc nhiều yếu tố. Trong quá trình chuyển đổi đó thì sẽ có nhiều giải pháp song hành.

Hiện nay khi nhắc đến xe điện, mọi người sẽ nhắc đến xe điện chạy pin, nhưng đây chỉ là một trong nhiều mô hình xe điện, ngoài ra còn có xe nhiên liệu hydro, xe hybrid (xe điện chạy xăng)…

Với xe điện, điều quan trọng là nguồn điện đến từ đâu. Cùng là một chiếc xe điện nhưng ở mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào việc điện được sản xuất như thế nào.

Trong 10 năm tới, xe điện sẽ phát triển rất tốt. Nhưng sau 10 năm thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như xe điện phải cạnh tranh với những mẫu xe mới, bức tranh năng lượng các quốc gia, mô hình giao thông công cộng phát triển… sẽ tác động đến doanh số của xe điện.

22/09/2023 10:32

Hướng tiếp cận cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, để đạt mục tiêu Net Zero đặc biệt trong giao thông chúng ta phải nghiên cứu theo hướng nó là một vòng khép kín hoàn toàn.

Và để đánh giá lượng khí phát thải của một chiếc ô tô, chúng ta phải nghiên cứu về lượng phát thải từ khi nó được sản xuất, đến khi nó vận hành và cuối cùng là khi nó được loại bỏ.

Quan điểm về Net Zero của chúng ta chưa thực sự hoàn thiện, hầu như chỉ quan tâm đến lượng phát thải khi chiếc xe vận hành. Hiện có một khái niệm rất hoàn thiện mà chúng ta cần hướng đến là “Từ giếng dầu đến bánh xe”. Chúng ta cần giảm lượng phát thải từ khi chiếc xe được đến khi nó vận hành và cuối cùng là khi nó được loại bỏ, bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến nguồn năng lượng mà nó sử dụng.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 12

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bản chất sản xuất điện cũng một phần từ hóa thạch, dầu mỏ, nên việc các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng là xăng, dầu hay điện thì cũng như nhau.

Vì thế chúng ta cần cần quan tâm đến hiệu suất sản xuất và sử dụng, hiệu suất cao thì giảm được lượng phát thải. Chúng ta không thể phủ nhận được năng lượng hóa thạch, dầu mỏ.

Đối với việc đánh giá chính xác lượng khí thải của một chiếc ô tô, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc đề cập đến khái niệm Well to Wheel và Life Cycle và cần phải quan tâm từ sản xuất đến lúc tiêu thụ đến lúc loại bỏ nó sinh ra bao nhiêu CO2, phải tính tổng để đánh giá 1 số lượng khí phát thải CO2.

Liên quan đến sản xuất chúng ta quan tâm rằng thép sản xuất ô tô phải giảm 30% lượng khí phát thải. Tái chế xe cũng cần quan tâm đến khí phát thải gồm dây điện, vỏ xe không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Những gì mới và công nghệ mới rất đắt tiền và chúng ta phải chấp nhận đánh đổi. Phải có một tiêu chí đánh gia cân đối giữa kinh tế và môi trường.

"Năm 2010, một trường đại học của Canada so sánh tính kinh tế và môi trường của 6 chiếc xe: tính chỉ số phát thải ( trong quá trình sản xuất, sử dụng, tái chế,…) và tính chỉ số kinh tế (giá cả sản xuất, sử dụng, tái chế,..) và vấn đề đặt ra là nguồn năng lượng để sử dụng. Việc sử dụng năng lượng gì quyết định rất nhiều về chỉ số kinh tế", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc lấy ví dụ.

Khách hàng sẽ chia 2 tiêu chí để mua 1 chiếc xe, những người yêu công nghệ sẽ chấp nhận chi trả một số tiền lớn để mua một chiếc xe công nghệ cao, có thể bảo vệ môi trường tốt với lượng khí phát thải thấp, những người quan tâm hơn đến tính kinh tế có thể sẽ chọn những chiếc xe có giá thành thấp hơn. Vì thế vấn đề đặt ra là cần cân bằng được tính kinh tế và tính công nghệ.

22/09/2023 10:56

Tham dự tọa đàm còn có đại diện nhà sản xuất Toyota.

Nhìn nhận về xu thế chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào 2050 cũng như lộ trình để hướng tới mục tiêu này, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, Toyota là đơn vị nghiên cứu và phát triển khá lâu về vấn đề trung hòa carbon.

Hơn 50 năm, tập đoàn Toyota đã phát triển công nghệ xe và định hướng là thân thiện môi trường. Vào năm 1970, trên thế giới lúc đó diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ và đã được công ty nghiên cứu. Vào năm 1994, tập đoàn Toyota đã giới thiệu xe điện và năm 1996 đã thương mại hóa xe Hybrid ra thị trường.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 13

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - công ty Ô tô Toyota Việt Nam.

Về lộ trình phát thải ra dòng bằng 0, theo đại diện Toyota Việt Nam, từ khâu sản xuất linh kiện, xe, đại lý, hệ thống phát thải ròng phải bằng 0. Việc thải bỏ cũng cần phải có cơ chế.

Ba giải pháp đóng góp cho xã hội, cụ thể gồm trồng rừng, đảm bảo nguồn nước sạch và "cốt tử" là tạo ra ủng hộ xã hội đối với công nghiệp xanh vì nếu khách hàng không ủng hộ ngành công nghiệp xanh thì doanh nghiệp không thể làm được.

Tập đoàn Toyota gần đây công bố, năm 2030 có 3,5 triệu xe điện bán ra trong tổng số 10 triệu xe bán ra.

Ở Việt Nam chúng tôi làm được gì? Toyota Việt Nam là một phần của tập đoàn và chúng tôi cam kết tuân thủ và chủ động tích cực đóng góp lộ trình xây dựng hướng tới mục tiêu chung.

Hiện tại, tập đoàn Toyota đã đóng góp và đưa ra thị trường xe điện với hơn 7.000 xe. Nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn.

Tương lai thì sao? Hiện nay chúng tôi đã có trong tay mẫu xe điện dù chưa thể tiết lộ. Chúng tôi hiểu rõ ràng, tùy vào từng thời điểm, nhu cầu và định hướng nhà nước thì chúng tôi đưa ra dòng xe phù hợp.

Dự đoán, năm 2030, xe điện và xe điện hóa chiếm 30%. Như vậy, 30% là tương đương với 300.000 xe điện được bán ra.

Câu chuyện nữa mà chúng ta cần nghĩ đến 700.000 xe còn lại, làm sao để khách hàng vẫn mua được xe? Chúng tôi đã có tia sáng ban đầu khi đi vào nghiên cứu về năng lượng xanh như nhiên liệu sinh học.

Với Toyota, từ nhà máy, từ đại lý đến khách hàng, khâu vận chuyển xe thì khâu Logistic chúng tôi cũng chuẩn hóa và giảm thiểu quãng đường, nghĩa là tối ưu hóa logistic để giảm thiểu tối đa phát thải.

Giờ chúng ta chưa nói đến thải bỏ ô tô nhưng trong 5-7 năm tới sẽ có thải bỏ. Chúng tôi đã tính sẵn sàng bài toán thu hồi thải bỏ. Đặc biệt, với vấn đề pin thì áp dụng xây dựng khái niệm “khai mỏ trong thành phố” . Trên đây là tổng thể những nỗ lực mà tập đoàn Toyota đang triển khai.

22/09/2023 11:05

Yếu tố quyết định phổ cập xe xanh

Ở phần II của tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong đề cập đến hướng tiếp cận đa chiều của ngành ô tô hướng tới giảm phát thải, trong đó nêu rõ hiệu quả mang lại của việc phát triển các loại xe xanh và nhiên liệu thân thiện.

Nói về xu thế xe điện hóa, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, Báo Hà Nội mới cho biết, xe điện là loại hình phương tiện mới, nên sự tiếp cận của người tiêu dùng còn dè dặt.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 14

Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh (giữa).

Khi nhắc đến xe điện ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mọi người hay nói đến hạ tầng, đầu tiên là trạm sạc. Nhưng theo tôi, yếu tố quyết định xe điện phổ cập nhanh đến đâu là ở hệ sinh thái xung quanh.

Hệ sinh thái bao gồm thứ nhất là hệ thống trạm sạc, cần độ phủ rất lớn. Thứ hai là cơ sở hạ tầng để phục vụ xe điện, không phải quốc gia nào cũng có, ví dụ tuyến đường được thiết kế cho xe điện, trạm sửa chữa, trạm sạc, trạm dừng chân…

Thứ ba, công nghệ cũng là rào cản rất lớn. Xe điện và xe xăng về bản chất có thể đi được quãng đường giống nhau nhưng người dùng xe điện luôn lo lắng là xe khi nào hết điện. Điều này bắt nguồn từ việc trạm sạc và thời gian sạc của xe điện còn nhiều bất cập.

Thứ tư là những rủi ro. Xe điện tiềm ẩn những rủi ro khác với xe xăng. Để dập tắt đám cháy do pin trong xe điện hay những vật liệu mới sử dụng trong xe điện thì cần những cách thức rất là khác so với xe xăng. Hay khi gặp rủi ro trên đường thì xử lý như thế nào. Nên yếu tố đầu tiên quyết định đến việc sử dụng xe điện chạy pin nói riêng và các loại xe năng lượng sạch nói chung là hệ sinh thái xung quanh.

Song song là tuyên truyền cho người sử dụng. Thế hệ trẻ rất cởi mở trong việc tiếp cận công nghệ mới. Chính vì thế, những kênh thông tin như báo Tiền Phong - hướng tới giới trẻ - rất quan trọng.

Về các nhà sản xuất, mỗi nhà sản xuất đều có sở trường riêng. Có những nhà sản xuất mạnh về xe điện chạy pin, có nhà sản xuất mạnh về xe hybrid. Khi các nhà sản xuất có tiếng nói chung, hành động chung thì sẽ có động lực để kích thích thị trường xe xanh đi đúng hướng. Khi ấy thì mới có những giải pháp dễ dàng để người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm, dễ sửa chữa.

22/09/2023 11:14

Hiệu quả giảm phát thải xe điện và xe động cơ đốt trong

Nghiên cứu về hiệu quả giảm phát thải xe điện và xe động cơ đốt trong, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, muốn đẩy mạnh xe điện hóa thì phải đáp ứng 3 vấn đề gồm nhà sản xuất phải có xe, người tiêu dùng chấp nhận giá thành, điều kiện vận hành không thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nếu đáp ứng được các vấn đề về cung và cầu như thế thì sẽ đẩy mạnh được xe điện hóa, giảm được lượng khí phát thải.

Theo đó, cần phải xây dựng được hệ sinh thái phù hợp với hạ tầng của Việt Nam, quan tâm đến nguồn năng lượng có sạch không, xe sạch nhưng nguồn năng lượng không sạch thì vẫn gia tăng khí phát thải. Điện không phải tối ưu hóa mà còn phải quan tâm nguồn sản xuất điện.

Tại Nhật Bản, họ bắt đầu nghiên cứu cách thu lại carbon đưa đến khu vực khác có khả năng tái tạo CO2 cao hơn. Vì thế lượng tổng phát thải vẫn không thay đổi. Đó cũng là một điều chúng ta cần học hỏi.

Tại Việt Nam cộng đồng chúng ta cùng nhau thúc đẩy hệ sinh thái đó lên để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường chung của toàn cầu.

22/09/2023 11:43

Hướng tiếp cận phát triển nhiên liệu sạch

Nói về hướng tiếp cận phát triển nhiên liệu sạch cho các phương tiện hiện hành, loại nhiên liệu nào là phù hợp với Việt Nam nhất tính đến thời điểm hiện tại, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc và ông Nguyễn Trung Hiếu, câu chuyện ở đây xe nào hay công nghệ nào thì bản chất là công cụ còn mục tiêu chính là giảm phát thải nhưng theo đặc thù vì phát thải ở thành phố khác, ở nông thôn khác. Thị trường của Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội.

Thứ nhất, tôi đã phân tích ở phần trước đây là câu chuyện tập thể. Về mặt sản phẩm chúng ta chọn giải pháp tiếp cận một cách đa dạng có cân nhắc. Chúng ta không lý tưởng công nghệ nào nhưng chọn công nghệ phù hợp nhất tại thời điểm đáp ứng tốt nhất điều kiện kinh tế xã hội.

Bởi vậy, trước mắt Toyota Việt Nam cũng đã chủ động đẩy mạnh công nghệ Hybryd. Tại sao lại công nghệ này mà chưa phải là công nghệ khác.

Nghiên cứu của chúng tôi đã có phân tích sâu và chia sẻ về tài liệu về nghiên cứu phát thải về xe điện, xe Hybryd có sạc và có sạc ngoài. Nghiên cứu của chúng tôi triển khai ở Thái Lan, nơi mà có tỉ lệ năng lượng điện được tạo từ các dạng năng lượng khá tương đồng với Việt Nam. Ở Việt Nam tôi đánh giá sẽ tốt. Ở Việt Nam trong 10 năm sẽ tương đồng với Thái Lan.

Với động cơ đốt trong, lượng phát thải 100% thì vòng đời trong 10 năm của động cơ đốt trong lượng thì xe Hybryd sẽ tiết kiệm được 40%. Như xe điện tốt hơn xe Hybryd ở mức 55%.

Như vậy, về mặt hiệu quả giảm phát thải thì trong phát triển kinh tế thì tỷ trọng năm lượng như ở Việt Nam ở các dòng điện không chênh nhau nhiều, ở 40-50%.

Tôi tin rằng thị trường Việt Nam vẫn có thị trường cho ngành xe điện khi đang là xu thế và có nhiều khách hàng quan tâm đến dòng xe này.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 15

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc.

Câu chuyện nhiêu liệu sinh học khá là đau đầu của cơ quan quản lý. Bản thân nhà nước rất muốn nhưng khi làm thì còn gặp phải rất khó khăn. Làm sao trong thời gian tới chung ta chung tay để tiến tới sử dụng nhiên liệu sinh học.

Với thực hiện theo quyết định 867 thì chúng tôi đang làm và có hứa hẹn tích cực. Chúng ta cùng cần thay đổi nhận thức thì sẽ thay đổi nhận thức của cả toàn xã hội.

Trong bối cảnh đó, ở yếu tố thứ 2 là yếu tố kinh tế xã hội. Yếu tố kinh tế xã hội ở đây là vấn đề hệ sinh thái. Vấn đề công nghệ Hybryd có thể giảm ngay lập tức nếu chúng ta chuyển ngay từ động cơ đốt trong sang xe Hybryd mà chúng ta không phải mất bất cứ đồng nào về trạm sạc, khách hàng hàng không phải hy sinh bất cứ thời gian nào.

22/09/2023 11:48

Chính sách và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành ô tô

Về phía Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, thạc sỹ Nguyễn Thị Phương Hiền cho rằng, để có thể phát triển nhanh trên lĩnh vực này, có nhiều giải pháp chính sách ngành giao thông vận tải cần áp dụng, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thuế thì cần áp dụng các giải pháp về luật, chính sách cụ thể. Các văn bản dưới luật cần phải triển khai, cần tạo khuôn khổ pháp lý chung.

Gần đây có một phản ứng rất tiêu cực vê việc sử dụng xe điện tại các khu dân cư, chúng ta cần tạo nên một hệ thống quy chuẩn, quy phạm như nào để người dân yên tâm sử dụng xe điện.

Các bộ ban ngành đã đang xây dựng hệ thống quy chuẩn, quy định các quy tắc phục vụ phương tiện điện.

Ngoài ra, sẽ hoàn thiện bổ sung các quy hoạch. Cục đường bộ Việt Nam đã quan tâm quy hoạch các trạm sạc trên cao tốc, quốc lộ. Công nghệ xe điện trên thế giới đang phát triển một cách chóng mặt. Các hạ tầng đã được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.

Xây dựng hệ sinh thái phù hợp để giảm lượng khí phát thải và bảo vệ môi trường ảnh 16

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền (phải).

Việc xây dựng và triển khai chính sách sẽ phát triển toàn diện về hạ tầng (trạm sạc, gara bảo dưỡng, sửa chữa), bên cạnh đó còn quan tâm phát triển nhân lực để phục vụ nhu cầu này.

Bên cạnh đó là xây dựng các nhóm chính sách về sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, xây dựng các nhóm chính sách cho người tiêu dùng.

Các chính sách này đã giao các bộ ban ngành nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra một chính sách chung bao quát các vấn đề xoay quanh việc phát triển giao thông năng lượng sạch

Việc triển khai các trạm xe buýt tại các thành phố, địa phương, các đô thị cấp 1 đang được nhà nước quan tâm phát triển. Hiện đã có một số địa phương triển khai như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng,…

Sẽ sớm triển khai các trạm sạc trên các cao tốc, quốc lộ, sẽ có những quy định quy chuẩn chung đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người sử dụng.

Một yếu tố khác là truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng trong giao thông vận tải.

Theo lộ trình của Chính phủ đặt ra, trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp ký cam kết dừng sản xuất các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này cần được truyền thông đưa tới người dân, bên cạnh đó nêu cao tính tiện ích, tính bảo vệ môi trường để người dân thay đổi tư tưởng suy nghĩ và hướng tới việc sử dụng nhiên liệu sạch.

"Tôi mong muốn sẽ có nhiều buổi tọa đàm nữa để nhà nước có thể nói nhiều hơn về chính sách, pháp luật, phương hướng phát triển tới các doanh nghiệp, tới người dân, trao đổi các vấn đề khúc mắc và nhờ truyền thông có thể đưa những điều này tới người dân", bà Nguyễn Thị Phương Hiền nói.

Tại tọa đàm, các khách mời sẽ thảo luận về xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp ô tô. Sau đó, các chuyên gia sẽ cùng trao đổi để đưa ra giải pháp tiếp cận đa chiều của ngành ô tô hướng tới giảm phát thải, trong đó nêu rõ hiệu quả mang lại của việc phát triển các loại xe xanh và nhiên liệu thân thiện.

KHÁCH MỜI TỌA ĐÀM

- Ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

- PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, Báo Hà Nội Mới

- Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam.

Tọa đàm diễn ra từ 8h30-11h30 sáng thứ Sáu, ngày 22/9, được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong điện tử (Tienphong.vn) và livestream trên Fanpage Báo Tiền Phong. Trân trọng kính mời độc giả đón xem.

MỚI - NÓNG