Xếp bút nghiên lên đường chống dịch

Tham gia chống dịch lần này là cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, sưu tầm những tài liệu, tư liệu bổ sung cho các bài giảng, nghiên cứu khoa học tại Học viện
Tham gia chống dịch lần này là cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, sưu tầm những tài liệu, tư liệu bổ sung cho các bài giảng, nghiên cứu khoa học tại Học viện
TPO - “Được tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu của Tổ quốc  dẫu có khó khăn, vất vả nhưng em thấy được tinh thần, trách nhiệm của bản thân những người lính với vai trò bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, đó là chia sẻ của Trung sỹ Phạm Thái Sơn, một trong 88 học viên năm cuối Học viện Biên Phòng (HVBP) được tăng cường lên các chốt biên giới tỉnh Cao Bằng chống dịch COVID-19.

Nếm mật, nằm gai

Sau hơn một tháng tham gia cắm chốt tại đồn biên phòng nằm tại biên giới phía Bắc tỉnh Cao Bằng, Trung sỹ Phạm Thái Sơn, học viên năm cuối HVBP chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ túc trực ở đồn, các học viên còn được tổ chức đi tuần tra bảo vệ biên giới, trực ban và làm một số báo cáo tuần tra, trích điện. “Đây không chỉ là nhiệm vụ mà trở thành một trong những bài học thực tế rất hữu ích đối với học viên chúng em”, Trung sỹ Phạm Thái Sơn chia sẻ với phóng viên.

Sơn cho biết, khi nhận được thông báo triển khai kế hoạch học viên năm cuối HVBP sẽ tham gia chống dịch tại biên giới phía Bắc, ai cũng bất ngờ. Nhưng tất cả học viên đều hào hứng đầy khí thế xung phong lên đường tham gia nhiệm vụ. Sau khi được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch, công tác vận động quần chúng, tuần tra biên giới nhóm học viên được tăng cường lên 16 đồn biên phòng của tỉnh Cao Bằng từ ngày 6/3.

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 1  Ở lán trại nhưng các học viên đều giữ nề nếp, tác phong

Tại đây, các học viên nhanh chóng hoà nhập cùng cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, lập các chốt, lán trên biên giới, tham gia đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Học viên phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác tham gia kiểm soát và làm thủ tục, đưa đồng bào ta về các khu cách ly tập trung theo quy định, đảm bảo an toàn và không để sót lọt đối tượng...

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 2 Tham gia giúp đỡ người dân

“Khi mới lên em chưa thích kịp nghi, nhất là công tác trực đêm, nhiều hôm 2 giờ sáng có người nhập cảnh trái phép về phải thực hiện tuyên truyền, phát khẩu trang, nước sát khuẩn rồi liên hệ đưa họ về khu cách ly. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ các đồng chí, đồng đội cũng như lãnh đạo đồn, em đã quen dần”, Trung sỹ Sơn kể.

Khác với Sơn, Trung sỹ Chau Kum Sinl là người dân tộc Khơme (quê ở An Giang) được tăng cường về công tác ở đồn biên phòng Cốc Bàng (Cao Bằng) chia sẻ: “Khó khăn nhất đối với em là không quen với khí hậu và khẩu vị ăn uống. Nhiều hôm, thấy bộ đội vất vả người dân ở đây thường hay cho mớ rau rừng, đọt măng nhưng rất đắng mà khẩu vị người Nam ăn ngọt nên không thể ăn nổi. Nhiều người còn thường xuyên cho bó củi to để anh em sưởi ấm hàng đêm, hong quần áo”.

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 3  

Ấm lòng nơi biên giới

Cũng bởi địa hình đồi núi khó khăn, đường tiểu ngạch nhiều nên các tổ địa bàn phải cắm chốt và sinh hoạt tại chỗ. Điều khó khăn hơn tất cả là vấn đề điện lưới không, nước sinh hoạt phải phải cắt cử nhau đi lấy về bởi không có đường dẫn nước tới. “Mỗi tổ cắm chốt của chúng em gồm 5 người. Vất vả nhất là những đêm mưa”, Trung sỹ Giàng Đông Dương cho biết.

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 4 Công tác phòng dịch ở các chốt được thực hiện nghiêm ngặt.

Cũng theo Dương, mọi khó khăn, vất vả ấy rồi cũng qua đi để khi nhìn thấy “những ánh mắt của anh em cán bộ, chiến sỹ sau mỗi ca trực; nụ cười hồn nhiên, của những đứa trẻ theo chân cha mẹ đi làm qua là mọi mệt mỏi lại tan biến hết”.

Cũng như bao đồng đội, đồng chí của mình đang kiểm soát, chốt giữ nơi biên cương của Tổ quốc, Phạm Thái Sơn còn có một cách nhìn khác, “Lần đầu lên với rừng, với núi nên thấy thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng vui lắm ạ, bởi được các thầy cô, các thủ trưởng và bạn bè gọi điện thăm hỏi và động viên liên tục” .

Trên dòng trạng thái của mình chia sẻ trên mạng xã hội, Trung sỹ Phạm Thái Sơn viết: “Các em vất vả nhiều không? Ăn uống đầy đủ không? Người xuất nhập cảnh căng thẳng không? Mà khẩu trang nhớ đeo đảm bảo nhé..., đó là động viên cứ mỗi dịp cuối tuần của cô An, giảng viên HVBP. Rồi cô gửi quà để chúng tôi mua cho người dân khẩu trang chống dịch. Những lời động viện ấm áp của cô thắp lên cho học viên chúng tôi ý chí kiên cường hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm để chống dịch. Ở biên giới chúng tôi thật ấm lòng khi ở hậu phương luôn thấu hiểu, động viên và dõi theo.Học viên chúng em đang công tác tại Cao Bằng sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng,toàn dân chống giặc như tinh thần Thủ tướng chính phủ chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc.”

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 5  Đưa người nhập cảnh về khu cách ly

“Tham gia chống dịch lần này là cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, sưu tầm những tài liệu, tư liệu bổ sung cho các bài giảng, nghiên cứu khoa học tại Học viện. Là cách “đưa Biên giới về với học viện” một cách chân thực nhất. Đặc biệt, thầy và trò vận dụng tốt kiến thức vào thực tế”, đó là chia sẻ của Đại úy Nguyễn Hồng Minh, Giảng viên HVBP.

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch ảnh 6  Đây là một kỳ thực hành đáng nhớ của các học viên
Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Học viện Biên phòng, Trưởng đoàn công tác tại tỉnh Cao Bằng cho biết: Đoàn cán bộ, học viên của Học viện Biên phòng và cán bộ, huấn luyện viên, chó chiến đấu của Trường Trung cấp 24 tăng cường phòng, chống dịch Covid 19 tại tỉnh Cao Bằng gồm 110 đồng chí, 12 chó chiến đấu. Bắt đầu hành quân thực hiện nhiệm vụ từ ngày 6/3/2020. Khi đến đơn vị, được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng quán triệt, giao nhiệm vụ và quyết định điều động đi 16 đồn biên phòng trên toàn tỉnh. 
MỚI - NÓNG