Xử lý rác sinh hoạt Thủ đô: Ưu tiên quy hoạch, phân loại rác tại nguồn

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với tăng trưởng dân số và sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị, xử lý chất thải rắn (CTR) đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Trong đó, nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác phát điện là ưu tiên hàng đầu.

Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước. Với diện tích tự nhiên 334.470 ha, dân số hiện nay hơn 9 triệu người với 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn. Cùng với tăng trưởng dân số và sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị; công tác giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), thu gom vận chuyển và xử lý từ 6.500 - 7.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày phát sinh trên địa bàn Thành phố luôn là điểm khó trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung và quản lý CTR sinh hoạt nói riêng.

Tháng 7/2022, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam) tại huyện Sóc Sơn đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, vận hành giai đoạn 1. Sau 5 tháng chính thức hòa điện lưới quốc gia, nhà máy đã giúp Hà Nội xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày, sản sinh được 15 MW/giờ điện phục vụ cho công tác sản xuất.

Xử lý rác sinh hoạt Thủ đô: Ưu tiên quy hoạch, phân loại rác tại nguồn ảnh 1

Đại diện Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý cho biết, hiện nhà máy đã hoạt động 3 tổ máy, giúp Hà Nội xử lý 3.000 tấn rác/ngày. Dự kiến năm 2023 sẽ vận hành toàn bộ 5 tổ máy.

Cũng trong năm 2022, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn AMACCAO đã khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Nhà máy có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Hiện dự án đang đảm bảo tiến độ đề ra, sau khi hoàn thành nhà máy sẽ giúp giảm tỷ lệ chôn lấp rác của thành phố xuống 3%.

Những kết quả đạt được nhờ có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, UBND thành phố về xử lý CTR sinh hoạt. Cụ thể, thành phố đã phân cấp đến UBND các quận huyện thị xã, giao chủ động trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát duy trì VSMT trên địa bàn.

Tổ chức rà soát quy hoạch xử lý CTR, đôn đốc kiểm tra, giám sát đầu tư đối với các dự án xử lý chất thải, tiếp tục đôn đốc xây dựng, hoàn thành 2 nhà máy đốt phát điện theo công nghệ hiện đại…

Xử lý rác sinh hoạt Thủ đô: Ưu tiên quy hoạch, phân loại rác tại nguồn ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông thị sát tại nhà máy điện rác Seraphin. Hiện nhà máy hoàn thành nhiều hạng mục vượt tiến độ đề ra

Điều chỉnh Quy hoạch xử lý CTR phù hợp

Năm 2022, công tác quản lý CTR đã được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, việc triển khai thực hiện tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường mới (hiệu lực từ 01/01/2022) và các Nghị định hướng dẫn. Trong đó có việc tổ chức, quy định lại chức năng nhiệm vụ của các Sở chuyên ngành, quy định công tác quản lý CTR theo một đầu mối, thành lập Phòng Quản lý chất thải rắn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành ủy, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các quận huyện, thị xã và các tổ chức nước ngoài như Worldbank, Will Rock, Jica … xây dựng đề án phân loại rác thải tại nguồn, mục tiêu đến năm 2025 triển khai thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố; dự kiến công tác thí điểm triển khai sẽ bắt đầu từ năm 2023.

Trong thời gian tới, UBND thành phố định hướng hoàn thành xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn, triển khai thí điểm từ năm 2023 đáp ứng tiến độ yêu cầu tại Luật Bảo vệ môi trường có thể triển khai toàn diện từ năm 2025. Cùng với đó sẽ tiến hành rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn, trong đó bổ sung xây dựng các trạm trung chuyển, các vị trí xây dựng nhà máy xử lý CTR sinh hoạt nói riêng và CTR nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố trong thời gian tới.

Xử lý rác sinh hoạt Thủ đô: Ưu tiên quy hoạch, phân loại rác tại nguồn ảnh 3

Với những chủ trương phù hợp, Hà Nội sẽ giải được bài toán rác thải trong vài năm tới

Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ VSMT theo định hướng, hướng dẫn kỹ thuật dự kiến sẽ ban hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với định hướng của Luật Bảo vệ môi trường.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nêu gương các mô hình phân loại, hiệu quả đối với cá nhân tập thể; tạo hiệu ứng tốt về giữ gìn VSMT trong xã hội. Tiếp tục đôn đốc các quận huyện, thị xã trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, song nhiều dự án chậm tiến độ. Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát, cập nhật tiến độ quy hoạch các khu, dự án xử lý rác thải trên toàn địa bàn. Dự kiến, trong quý I/2023 có thể trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG