Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với sự giúp đỡ của ban tổ chức, chàng trai dân tộc Tày Lường Quang Đại thô mộc thường ngày trở nên lãng mạn đứng trên sân khấu cầm chiếc nhẫn cầu hôn run rẩy gọi tên vợ: “Xuân ơi…” rồi khóc nghẹn.

Ngày 8/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Chương trình Gala “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2023, biểu dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc và ra mắt Mạng lưới đồng hành xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”.

Dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng - Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

Giận thì giận mà vẫn thương

Là một trong 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023, vợ chồng anh Lường Quang Đại (dân tộc Tày) và chị Lý Thị Xuân (dân tộc Dao) đến từ Bắc Kạn mang đến những chia sẻ rất mộc mạc về cuộc sống gia đình. Không có một lời cầu hôn chính thức nào, suốt 10 năm nay chị Lý Thị Xuân làm vợ anh Đại trong tình yêu giản dị của sự thấu hiểu và sẻ chia.

“Hạnh phúc của chúng tôi chỉ đơn giản là được cùng nhau lên nương mỗi ngày. Dù có vô vàn khó khăn nhưng vợ chồng mình luôn đồng lòng, sẻ chia để vượt qua, nuôi dạy 2 con khôn lớn”, chị Lý Thị Xuân chia sẻ.

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 1

Khoảnh khắc xúc động của vợ chồng anh Lường Quang Đại (dân tộc Tày) và chị Lý Thị Xuân (dân tộc Dao)

Khi được MC hỏi vợ chồng có va chạm, mâu thuẫn thì giải quyết thế nào, anh Lường Quang Đại chân thành kể: “Tôi đi lên nương, vào rừng làm việc đến tối mới về, mà về nhà kiểu gì cũng có cơm ngon, canh ngọt ăn”.

Ngồi bên cạnh, vợ anh – chị Xuân cười bẽn lẽn: “Giận thì giận nhưng nghĩ chồng mình đi làm vất vả lo toan cho gia đình nên vẫn thương. Thôi thì để chồng no bụng đã, giận tính sau”.

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 2

Vợ chồng anh Lường Quang Đại và chị Lý Thị Xuân hạnh phúc ngập tràn khi trao nhẫn cầu hôn sau 10 năm làm vợ chồng.

Chương trình Gala trở nên lắng đọng, ngập tràn cảm xúc khi xuất hiện màn cầu hôn đặc biệt của anh Lường Quang Đại dành cho vợ Lý Thị Xuân. Với sự giúp đỡ của ban tổ chức, chàng trai dân tộc Tày thô mộc thường ngày trở nên lãng mạn đứng trên sân khấu cầm chiếc nhẫn cầu hôn run rẩy gọi tên vợ: “Xuân ơi…”, rồi khóc nghẹn.

Phải mất một lúc kiềm chế dòng cảm xúc nghẹn ngào, anh Đại mới nói tiếp những lời yêu: “Anh run lắm… Anh hiểu 10 năm ở với anh em rất vất vả, thiệt thòi. Em không nhận được lời cầu hôn nào của anh, vợ chồng mình chỉ về ở với nhau như vậy thôi”.

Nói xong, anh bước hàng ghế dưới hội trường trao cho chị Lý Thị Xuân chiếc nhẫn cầu hôn muộn. Chị Xuân bật khóc nức nở úp mặt vào lồng ngực của chồng trong niềm yêu thương, hạnh phúc ngập tràn và tiếng vỗ tay tán thưởng của đông đảo mọi người có mặt tại hội trường.

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 3

Tại chương trình giao lưu còn có vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Kỷ - Lan Hương.

Trân trọng giá trị của tình cảm gia đình

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Kim Quy - Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, chương trình Tuyên dương gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với CTy Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức đã tuyên dương 56 gia đình trẻ tiêu biểu,

Năm nay, Ban tổ chức chọn chủ đề của chuỗi chiến dịch truyền thông xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc là Chạm để yêu thương. Một chủ đề gửi gắm tâm huyết và những thông điệp sâu lắng của những người tổ chức. Theo anh Quy, gia đình nào cũng vậy, sẽ có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, thế nhưng những cặp vợ chồng trẻ hãy nhớ “Chạm để yêu thương”, chạm để gắn kết.

“Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ sẽ trân trọng giá trị của tình cảm gia đình, giá trị của tình yêu lứa đôi để cùng đồng hành, sẻ chia và vượt qua những mâu thuẫn, bất đồng trong hành trình xây dựng và gìn giữ mái ấm của mình”, anh Quy nói.

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 4

Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư (bên trái) trao khen thưởng Gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Bảo Anh

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 5

Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam (thứ 2, từ phải sang) trao khen thưởng Gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Bảo Anh

Tại chương trình, Ban tổ chức tuyên dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ năm 2023. Đặc biệt, lần đầu tiên Ban tổ chức ra mắt Mạng lưới đồng hành gia đình trẻ hạnh phúc.

Xúc động màn cầu hôn muộn sau 10 năm của chàng trai dân tộc Tày ảnh 6

Các gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023

Mạng lưới nhằm quy tụ những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu làm hạt nhân để lan tỏa hơn nữa giá trị của hạnh phúc gia đình trong thế hệ trẻ. Những hạt nhân đầu tiên của Mạng lưới là 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc 2023. Đó là gia đình trẻ của MC Đức Bảo – Phương Thảo, dù bận rộn với công việc thường xuyên phải vắng nhà, xa nhau nhưng họ có những cách riêng để bồi đắp, gìn giữ tình cảm vợ chồng. Đó là sự nỗ lực khởi nghiệp của vợ chồng doanh nhân trẻ tiên phong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Phan Hoàng Huy và chị Nguyễn Xuân Trang với thương hiệu mỳ quảng Ếch – bếp Trang…

“Dù ở những vùng miền khác nhau, công việc khác nhau nhưng những gia đình trẻ đầu tiên của Mạng lưới đồng hành xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc đều có điểm chung là sự trân trọng, yêu thương nhau và cùng chia ngọt, sẻ bùi trước mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn của cuộc sống”, anh Nguyễn Kim Quy nói.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.