Về sự kiện vinh danh Nguyễn Đình Thi-Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Hồng Đăng:

Xứng đáng!

Nghệ sĩ (Trần Mạnh Tuấn, Tùng Dương) trình diễn ca khúc của Trịnh Công Sơn trên đường phố mang tên nhạc sĩ. Ảnh: DPV.
Nghệ sĩ (Trần Mạnh Tuấn, Tùng Dương) trình diễn ca khúc của Trịnh Công Sơn trên đường phố mang tên nhạc sĩ. Ảnh: DPV.
TP - Tác giả “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”..., nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc, Thế giới Âm nhạc cho rằng sự kiện vinh danh nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng lễ gắn biển đặt tên đường mới đây là xứng đáng, và rằng “văn nghệ sĩ rất cảm động về sự phóng khoáng, và cái tình”.

Nghe nói ông rất nhiệt tình với việc đặt tên phố Trịnh Công Sơn. Có đến mức phải đấu tranh để có được hôm nay?

Trịnh Công Sơn là trường hợp đặc biệt, không phải dễ thống nhất. Vẫn có người quan niệm Sơn vốn xuất thân “vùng địch”, rồi bao người công lao lớn sao không ghi nhận. Nhưng Trịnh Công Sơn được mấy yếu tố: Gia đình, bạn bè, công chúng. Tất nhiên có người thích người không nhưng bút pháp của Sơn là đặc biệt, bao giờ cũng có nét mới, lạ, khiến người ta thấy rằng à, nên tìm tòi cho văn học nghệ thuật một hướng đi như thế. Còn khi viết hàng trăm hàng ngàn ca khúc có một đôi bài không hay cũng là bình thường. Không hay thì người ta không hát và không nổi, thế thôi.

Việc Trịnh Công Sơn được đặt tên đường ở Thủ đô chứng tỏ anh đã được ghi nhận với con mắt phóng khoáng. Cách nhìn này khiến văn nghệ sĩ thêm phấn khích, họ thấy được cái tình. Trước giờ, chúng ta quen nhìn mọi việc riết róng, nhưng nếu cùng là anh em văn nghệ sĩ cả, thành tâm với nhau thì nên thoáng hơn.

“Khoảng năm 1976- 1977, một hôm Trần Tiến dẫn Trịnh Công Sơn đến chơi nhà tôi ở phố Lý Thường Kiệt. Nói chuyện thấy thú vị bèn rủ nhau đến nhà Văn Cao gặp một số anh em nữa. Thấy càng hiểu nhau, từ đó thân luôn. Tôi không chú ý chuyện thích bài nào nhất của Trịnh Công Sơn nhưng nhìn qua phong cách thì thấy ngay sự tìm tòi, và thấy cái chất trong ca khúc của Trịnh Công Sơn nó dễ thu phục người ta”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Sài Gòn làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn, là nơi ông sống phần lớn cuộc đời nhưng Hà Nội lại tôn vinh sớm hơn. Như cách ông nói trên kia, phải chăng cái nhìn về nhạc sĩ này ở ngoài này dễ thống nhất hơn?

Trong kia tôi cũng nghe nói, có sự phản đối từ lâu rồi. Cho nên chủ trương cương quyết (đặt tên đường Trịnh Công Sơn) chứng tỏ những người duyệt, quyết định đã rất phóng khoáng, có vậy mới thu phục được văn nghệ sĩ. Nếu lúc nào cũng cứng rắn quá thì khó thu được kết quả như ý. Sự cân nhắc việc đặt tên một người như Trịnh Công Sơn cho con đường quan trọng ở Thủ đô, động cơ tốt thôi, nhưng chặt chẽ quá có thể khiến người ta hơi ngần ngại. Người ta ở đây gồm nhiều phía.

Trong lễ gắn biển tên phố vừa qua, có lời phát biểu: “Qua các di sản văn hóa mà hai ông để lại, mỗi người chúng ta cảm thấy bên mình luôn có một Nguyễn Đình Thi, luôn có một Trịnh Công Sơn. Cảm giác đó thật là hạnh phúc bởi được làm một người của mọi người, được làm một người của mọi thời là mơ ước tột đỉnh của bất cứ văn nghệ sĩ nào. Đi trên con đường Nguyễn Đình Thi - Trịnh Công Sơn, chúng ta thấy như hai ông đang đưa chúng ta đến với cái đẹp, cái thiện, cái cao quý của một đời người”. Ông thấy sao? Có quá lời, đúng mức, hay chưa tới về hai nghệ sĩ?

Hay, giỏi quá, ai viết đấy! Không quá lời đâu.

Xứng đáng! ảnh 1 Tình bạn Trịnh Công Sơn - Hồng Đăng đã có từ những ngày đầu thống nhất đất nước (ảnh TL gia đình, chụp năm 1998).

Nhà thơ Hữu Thỉnh, quan chức văn nghệ quan trọng nhất hiện nay thưa ông.

Nước mình có một điều, như đã nói, là nhiều khi chúng ta nhìn mọi thứ theo kiểu che chắn phía này phía kia để có được sự hoàn hảo. Làm gì có sự hoàn hảo ấy!

Vinh danh thêm người nào quí người ấy, thêm tác phẩm nào quí tác phẩm ấy chứ sao có thể đòi hỏi con số trăm phần trăm tròn trĩnh thống nhất. Khó quá.

Nhớ lại, đất nước thống nhất, nhiều anh em văn nghệ miền Bắc mới được nghe nhạc Trịnh Công Sơn và thấy sự tìm tòi khác nhiều người khác, đấy là điều đáng trân trọng nhất ở một nghệ sĩ. Mà Sơn không chỉ có bút pháp. Còn cách nhìn xã hội, con người, tình yêu. Tất cả đều độc đáo. Không phải vì bạn thân mà tôi khen đâu.

Bạn ông từng thiệt thòi nhưng cuối cùng cũng đạt đỉnh vinh quang nhất là từ thập kỷ 90 trở đi? Nay, với sự kiện mới này, phải chăng văn nghệ sĩ đang được quan tâm đặc biệt?

Có giai đoạn khoảng dăm ba năm sau giải phóng, không chỉ Sơn mà với tất cả nhạc sĩ từng sống, viết trong Nam đều có sự hãm lại, xem thật kỹ có vấn đề gì không. Cách làm đấy thời ấy có cái đúng của nó, nhưng cũng làm người ta ngại. 

Còn chủ trương ưu ái quan tâm văn nghệ sĩ có từ lâu nhưng không làm được đấy thôi!

Với con mắt của một nghệ sĩ, tôi thấy quyết định đặt tên đường, rồi sự kiện gắn biển trang trọng với sự chứng kiến của dân chúng làm anh em văn nghệ sĩ rất cảm động. Việc làm của quận Tây Hồ rất đáng kính trọng. Đành rằng đây là chủ trương của thành phố nhưng còn bao cái tên cần đặt nữa. Trong chuyện này có những điều đặc biệt. Tên của hai nghệ sĩ nổi tiếng được chọn đặt cho đường ven hồ đẹp, con đường tình yêu. Và bố cáo trọng thể cho công chúng biết.

Ông có nhiều kỉ niệm với Nguyễn Đình Thi? Vì ngày trước hai ông ở sân 51 với nhau (51 Trần Hưng Đạo, trụ sở các hội nghệ sĩ).

Đúng. Hồi tôi làm ở Hội Nhạc sĩ thì ngày ngày gặp nhau. Bàn luận, trò chuyện tôi thấy ở Nguyễn Đình Thi lòng liên tài, tầm vóc của nghệ sĩ, trí thức lớn.

Nguyễn Đình Thi đa tài, giống Trịnh Công Sơn. Nào thơ, nào nhạc, nào họa. Đa tài giới văn nghệ không ít đâu, có nhiều. Nhưng lên được đến mức như thế thì quá quí. Cho nên tôi mới nói Hà Nội vừa làm được những điều cực kỳ tốt đẹp đầu tiên với văn nghệ sĩ.

MỚI - NÓNG