Xung quanh hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam và thị thực Schengen

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 2/8, Đại sứ quán Cộng hòa Séc (Czech) tại Việt Nam thông báo tạm dừng công nhận hộ chiếu mẫu mới màu xanh tím than của Việt Nam. Trước đó, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Tây Ban Nha thông báo tạm dừng cấp visa (thị thực) Schengen đối với hộ chiếu mẫu mới do hộ chiếu không có thông tin về nơi sinh. Vậy quy định với thị thực Schengen cụ thể như thế nào?

Theo Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, thị thực Schengen được cấp cho công dân của các quốc gia thứ ba có trong Phụ lục I của Quy định (UE) 2018/1806, cho phép lưu trú trong Khối Schengen lên đến 90 ngày vì lý do du lịch, công tác, thăm thân, điều trị y tế, học tập, thực tập không lương hoặc các hoạt động tình nguyện trong khoảng thời gian dưới 3 tháng, hoặc để thực hiện các hoạt động phi lợi nhuận khác.

Cộng hòa Séc không công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam

“Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7 không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về thông số ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Vì vậy, Cộng hòa Séc (Czech) đồng quan điểm với các nước thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) và dừng công nhận hộ chiếu mẫu mới”, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam thông báo ngày 2/8.

Theo văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn hộ chiếu của ICAO, thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu là loại hộ chiếu, số hộ chiếu, ngày hết hạn hộ chiếu, họ tên, quốc tịch, ngày sinh, giới tính. Các thông tin khác như nơi sinh là không bắt buộc, tùy thuộc từng nước. ICAO khuyến nghị các nước cần cân nhắc mọi vấn đề liên quan khi đưa hoặc bỏ thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu.

Thị thực Schengen cũng cho phép quá cảnh lãnh thổ và sân bay. ​Loại thị thực này là bắt buộc đối với công dân Việt Nam.

Khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia châu Âu không có biên giới kiểm soát giữa các nước này. Đó là Đức, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Thị thực Schengen cho phép đi đến bất kỳ quốc gia Schengen nào và quá cảnh qua lãnh thổ của họ, nhưng không bao hàm quyền tự động nhập cảnh vào khu vực Schengen. Cơ quan quản lý cửa khẩu có thể từ chối nhập cảnh nếu không cung cấp được bằng chứng về lý do và điều kiện của chuyến đi hoặc nếu không đáp ứng được những điều kiện nhập cảnh còn lại.

Xung quanh hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam và thị thực Schengen ảnh 1

Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam (trái).

Điều kiện cấp thị thực Schengen

Theo Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, điều kiện cấp thị thực Schengen bao gồm mục đích chuyến đi, thanh toán chi phí cho chuyến đi, tự nguyện quay trở về, sử dụng thị thực đúng quy định, chứng nhận bảo hiểm du lịch…

Đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán sẽ kiểm tra xem mục đích chuyến đi có rõ ràng hay không. Thị thực chỉ được cấp khi thời gian lưu trú ở Khối Schengen cũng như việc quay trở lại Việt Nam được đảm bảo về mặt tài chính.

Về cơ bản, có 3 khả năng sau đây: Bên sử dụng lao động có người xin thị thực thanh toán các chi phí cho chuyến đi; người mời hoặc người thứ 3 chi trả cho chuyến đi; người đặt đơn tự đảm nhận các chi phí.

Đối với người xin thị thực đi công tác thì trong quyết định cử đi công tác của bên sử dụng lao động hoặc trong giấy mời phải nêu rõ bên nào sẽ thanh toán kinh phí cho chuyến đi. Nếu người mời chi trả cho chuyến đi thì người mời có thể chứng minh bằng việc làm giấy cam kết bảo lãnh. Nếu muốn đi thăm thân và tự chi trả cho chuyến đi thì có thể tự chứng minh tài chính thay cho việc nộp giấy cam kết bảo lãnh. Nếu muốn đi du lịch và tự chi trả cho chuyến đi, phải chứng minh có đủ khả năng tài chính cá nhân.

Thị thực Schengen chỉ được phép cấp khi đại sứ quán chắc chắn rằng người xin thị thực sẽ rời khỏi Khối Schengen đúng hạn. Đại sứ quán sẽ đưa ra dự đoán khả năng quay trở lại của người xin thị thực dựa trên các yếu tố sau đây: sự ràng buộc về mặt gia đình tại Việt Nam (vợ/chồng, con cái vị thành niên, trách nhiệm giám hộ…); sự ràng buộc về công việc (có công việc ổn định); sự ràng buộc về mặt kinh tế (thu nhập bổ sung thường xuyên từ việc cho thuê nhà hoặc sở hữu bất động sản); từng sử dụng thị thực Schengen đúng quy định…

Ngày 28/7, trả lời Tiền Phong, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, trong thời điểm hiện tại và cho đến khi có thông báo mới, các cơ quan chức năng của Pháp vẫn tiếp tục công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam và cấp thị thực bình thường.

Trước khi cấp thị thực, trong mọi trường hợp, Đại sứ quán Đức sẽ kiểm tra thông tin trên ngân hàng dữ liệu của Đức về người nước ngoài (AZR) cũng như trên hệ thống thông tin của Khối Schengen (SIS). Các ngân hàng dữ liệu này lưu giữ dữ liệu về người nước ngoài từng phạm tội trong thời gian lưu trú tại Đức hoặc các nước thuộc Khối Schengen. Thông thường, nếu người xin thị thực có tên trong các ngân hàng dữ liệu này thì đơn sẽ bị từ chối.

Đại sứ quán cũng sẽ kiểm tra xem người xin visa từng sử dụng thị thực Schengen đúng quy định hay không, có rời khỏi Khối Schengen trước khi thị thực hết hạn hay không; có dùng visa chủ yếu cho thời gian ở đất nước mà đại sứ quán của nước đó đã cấp thị thực hay không; có sử dụng thị thực Schengen một năm/nhiều năm đúng quy định (thời gian lưu trú không quá 90 ngày trong vòng 180 ngày) hay không…

Xung quanh hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam và thị thực Schengen ảnh 2

Visa Pháp ngắn hạn có ký hiệu C. Nguồn: Việt Nam Booking.

Về chứng nhận bảo hiểm du lịch, theo điều 21 khoản 3e luật thị thực Schengen, thị thực Schengen chỉ được cấp nếu người đặt đơn sở hữu bảo hiểm du lịch có hiệu lực. Bảo hiểm du lịch phải thỏa mãn nhiều điều kiện như, phải có hiệu lực cho toàn bộ Khối Schengen, phải có giá trị trong toàn bộ thời gian lưu trú, mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu là 30.000 Euro, bảo hiểm phải thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh hồi hương trong trường hợp ốm đau cũng như các chi phí chăm sóc y tế và/hoặc điều trị cấp cứu trong bệnh viện, các hãng bảo hiểm có trụ sở nằm ngoài Khối Schengen phải có văn phòng đại diện tại một trong số các nước thuộc Khối Schengen có khả năng xử lý các yêu cầu liên quan đến bảo hiểm…

Visa Schengen là loại thị thực cho phép người sở hữu nhập cảnh, đi lại tự do giữa 26 quốc gia trong Khối Schengen, và tới 3 nước châu Âu không thuộc Khối là Vatican, San Marino (do nằm trong Ý) và Monaco (do nằm trong Pháp). Để xin visa Schengen, cần chọn quốc gia sẽ lưu trú lâu nhất hay là điểm đến chính của chuyến đi, theo Công ty Cổ phần Việt Nam Booking.

MỚI - NÓNG