Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người là cuốn sách của bộ đôi tác giả Giáo sư Tâm lý học Roy Baumeister và nhà báo John Tierney. Cuốn sách nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia và các tờ báo uy tín như: Sunday Book Review, NPR, The Daily Beast…
"Sức mạnh ý chí” là khái niệm được người Victoria thế kỷ 19 coi trọng và đó là một dạng năng lượng tinh thần giúp con người tránh xa cám dỗ và vững vàng trong cuộc sống. Tuy nhiên, mối quan tâm của các nhà nghiên cứu đến yếu tố này bị trồi sụt theo thời gian. Ngay cả Baumeister ban đầu cũng có một chút hoài nghi về sự tồn tại của ý chí.
Sau rất nhiều thí nghiệm, Baumeister đã bị thuyết phục “ý chí” thực sự tồn tại. Nó mang lại cho con người sức mạnh để kiên trì, khiến họ mất tự chủ khi nó bị cạn kiệt; và năng lượng tinh thần này được thúc đẩy bởi glucose trong máu của cơ thể. Quan trọng hơn, ông phát hiện ra ý chí giống như cơ bắp, bị cạn kiệt khi sử dụng nhiều, nhưng cũng có thể được tăng cường qua luyện tập. Và đây chính là lý do khiến cuốn sách Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người được các chuyên gia và độc giả thế giới đánh giá cao như vậy.
Thực tế, khi được yêu cầu kể ra những phẩm chất tốt nhất của mình, người ta thường nói đến thành thật, sáng tạo, dũng cảm và các phẩm chất khác – thậm chí cả khiêm tốn. Nhưng chẳng mấy ai nhắc đến tự chủ. Ngược lại, khi được hỏi về những thiếu sót, thiếu tự chủ lại nằm ở đầu danh sách. Trong khi đó, các vấn đề lớn nhất của cá nhân cũng như xã hội hiện tại đều xoay quanh sự thiếu vắng của tự chủ: học hành sa sút, công việc trì hoãn, tiêu xài hoang phí, ăn uống không lành mạnh, luôn lo lắng và dễ nóng giận, bộ phát bạo lực… dẫn đến các tổn thương: bị sa thải, sự nghiệp bị phá hủy, bạn bè xa lánh, ly hôn hay thậm chí là ngồi tù…
Các nghiên cứu của Baumeister tập trung vào ý chí - yếu tố tạo ra sự tự chủ, lựa chọn và ra quyết định. Ông cũng nghiên cứu cách mọi người điều chỉnh cảm xúc của họ, chống lại sự cám dỗ, phá vỡ những thói quen xấu và phát huy hết khả năng của họ - và cả nguyên nhân tại sao họ thường không làm như vậy.
Thí nghiệm cho 2 nhóm sinh viên, một nhóm được ăn bánh quy nướng và một nhóm chỉ được nhìn bánh quy rồi phải ăn củ cải sống trước khi giải các bài tập hình học hóc búa, giúp Baumeister phát hiện ra sự sụt giảm của ý chí khi bị sử dụng. Cụ thể, nhóm sinh viên không phải sử dụng ý chí khi ăn bánh quy nướng có thể ngồi trung bình trong 20 phút để giải các bài toán hình khó giải; trong khi nhóm buộc phải sử dụng ý chí để củ cải sống thì chỉ có thể kiên trì trong 8 phút để làm bài tập. Kết quả này cũng được chứng thực trong hơn 100 thí nghiệm tiếp theo của Baumeister.
Khi các đối tượng được yêu cầu thực hiện những thay đổi vừa phải trong lối sống, họ đã thể hiện khả năng tự chủ tốt hơn trong tổng thể cuộc sống của mình. Baumeister nhận thấy sức mạnh ý chí có thể được củng cố giống như một cơ bắp. Đây là những phát hiện mới mẻ và vô cùng quan trọng đối với lĩnh vực này, đúng như ông đã giải thích trong cuốn sách.
Điều đáng nói, trong cuốn sách Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người, bộ đôi tác giả không chỉ trình bày hiểu biết và đưa ra các đề xuất, bài tập cải thiện ý chí cho độc giả thông qua các thí nghiệm khoa học chính xác của mình; mà họ còn mang đến nhiều câu chuyện hấp dẫn về ý chí của các nhân vật nổi tiếng như vận động viên sức bền nổi tiếng David Blaine, hành trình khám phá hạ nguồn châu Phi nguy hiểm của nhà thám hiểm Henry Morton Stanley, câu chuyện cai nghiện của Eric Clapton và Mary Karr… khiến cuốn sách càng thêm thu hút.
Nhận xét về cuốn sách, Martin Seligman, cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ viết: "Ý chí, sức mạnh ý chí và nghị lực tinh thần đã bị tâm lý học hiện đại xa lánh. Roy Baumeister, nhà tâm lý học xã hội thực nghiệm xuất sắc nhất trên thế giới và John Tierney, một nhà báo nổi tiếng, đã hợp tác để đưa ý chí trở lại vị trí trung tâm chính đáng của nó. Cuốn sách tuyệt vời này là tác phẩm phải đọc cho tất cả chúng ta, những người muốn tập thể dục, ăn kiêng, quản lý thời gian, tiết kiệm và chống lại sự cám dỗ. "