Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) lần đầu tiên do UNDP tổ chức đã mời đội dự thi từ các nước ASEAN đến chia sẻ ý tưởng giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường.
Refill Đây, sáng kiến của thầy Nguyễn Hữu Nhân từ Đại học RMIT, đưa ra đề xuất dùng các trạm làm đầy di động để giảm rác thải nhựa.
Với tư cách là một trong bốn đội thắng cuộc, Refill Đây sẽ nhận được khoản tài trợ 18.000 đô la Mỹ để triển khai sáng kiến ở Vịnh Hạ Long qua chương trình thúc đẩy tác động kéo dài 9 tháng của Impact Aim thuộc UNDP.
Nhà sáng lập Refill Đây cho biết giải thưởng sẽ tạo cơ hội để ông có thể kết nối với các nhà đầu tư tác động cũng như các tổ chức phát triển quan trọng khác ở khu vực ASEAN.
“Thông qua chương trình ươm tạo khởi nghiệp Activator của Đại học RMIT, tôi mới có thể xây dựng ý tưởng dẫn lối đến thành công hôm nay tại EPPIC”, chia sẻ của ông Nhân, người từng giành giải Lựa chọn của công chúng tại vòng thi Việt Nam của cuộc thi quốc tế do RMIT Activator tổ chức vào tháng 5/2020.
Ông cho biết mục tiêu trọng yếu của Refill Đây là khích lệ mọi người làm đầy và tái sử dụng chai nhựa.
“Nhiều chai lọ và hộp nhựa mà người tiêu dùng mua và sử dụng một lần có thể tái sử dụng nhiều lần – đây là điều chúng tôi mong muốn mọi người thực hiện”, ông Nhân nói. “Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ có nhiều người có thể tiếp cận với ý tưởng làm đầy hơn”.
Ông nhấn mạnh rằng dẫu ở Việt Nam đã có những cửa hàng làm đầy và không rác thải hoạt động rất tốt, họ thường bán những sản phẩm đắt đỏ khiến người có thu nhập trung bình sẽ không mua nổi hoặc bán những nhãn hàng chưa được biết đến khiến người tiêu dùng cảm thấy lạ lẫm.
“Chúng tôi muốn thay đổi và giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa dùng một lần đang thải ra môi trường”.
Refill Đây trên xe gắn bán hàng tận nơi ở Vịnh Hạ Long
Refill Đây đã ra mắt tại khu vực Vịnh Hạ Long vào năm ngoái và được người dân nơi đây đón nhận nhiệt tình. Dự án dự kiến sẽ ra mắt ở TP. Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cuộc thi ý tưởng sáng tạo chống rác thải nhựa EPPIC tại các nước ASEAN được thực hiện nhờ nỗ lực hợp tác của UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) và Bộ Ngoại giao Na Uy, nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa tại các thành phố ven biển châu Á.
Thông qua cuộc thi, UNDP hy vọng sẽ tìm kiếm, nuôi dưỡng và nhân rộng các ý tưởng sáng tạo từ các nước ASEAN để chống lại vấn nạn rác thải nhựa khủng khiếp đang xâm hại hành tinh chúng ta.