Hầu hết các bạn sinh viên đang yêu đều phải trải qua cảm giác thế nào là “yêu xa” thời gian qua. Covid-19 thật sự ảnh hưởng nhiều đến tình cảm của các bạn sinh viên. Rất nhiều bạn (cả nam và nữ) đã chia sẻ với tôi những cảm giác khá giống nhau là lo lắng, bất an, nhớ nhung và thậm chí bất lực. Càng mong càng khó được gặp nhau. Chính những cảm xúc này khiến cho nhiều cặp đôi thương nhau hơn, cố gắng bảo vệ tình yêu của mình nhưng cũng nhiều cặp đôi sẽ nảy sinh mâu thuẫn, tình cảm phai nhạt hoặc vì cãi nhau mà thành chia tay. Nếu như không có dịch bệnh, những hành động nhỏ nhặt nhất cũng có thể tạo ra hạnh phúc như một ánh mắt động viên, một cái ôm xoa dịu sự mệt mỏi, một cái nắm tay tiếp thêm sức mạnh. Nhưng vì dịch bệnh, những điều đơn giản đó cũng trở nên vô cùng khó khăn. Nhìn chung, Covid-19 khiến cho tình cảm của các bạn có xu hướng “tiêu cực” nhiều hơn và đây là một ảnh hưởng không mong muốn. Ngay cả với những bạn không có người yêu thì Covid-19 kéo dài cũng khiến tâm lý các bạn bất ổn hơn, cảm giác buồn chán dần xuất hiện mặc dù nhiều bạn đã có những hoạt động tích cực như học thêm một lĩnh vực nào đó, đọc sách, chăm sóc cây, làm những điều mình yêu thích.
TS. Đào Thị Thu Trang và sinh viên |
Như tôi đã nói ở trên, thật ra với sinh viên, trừ khi làm việc chuyên môn, tôi thường nói chuyện với các bạn với tư cách là “một người đi trước” nhiều hơn là một cô giáo. Ở đây cũng vậy, tôi cũng muốn chia sẻ vài lời với các bạn sinh viên về tình yêu trong thời gian này. Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử, cho chúng ta nhìn rõ hơn về tình yêu và cuộc sống. Tình yêu nào vững bền thì sẽ vượt qua được thử thách này, còn ngược lại, có thể vì thử thách này mà tan vỡ. “Yêu xa” là điều không ai mong muốn nhưng nếu cả hai dành tình cảm yêu thương nhau thật sự thì các bạn sẽ biết quan tâm nhau hàng ngày. Các bạn có đủ phương tiện để liên lạc, để nhìn thấy nhau bất cứ khi nào chứ không giống như thời chiến tranh của ông bà. Nếu yêu thương nhau thật sự, các bạn sẽ biết chia sẻ, lấp đầy những khoảng trống, cùng nhau làm những điều tích cực. Các bạn vẫn có thể khoe nhau những điều mình nỗ lực làm, những thứ mình yêu thích, thậm chí chỉ đơn giản một món ngon mình nấu, một bức tranh đầy nhớ thương… Chính vì vậy, phép thử này cho các bạn rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu biết, sự hy sinh, lòng vị tha và đó là chìa khoá cho sự bền chặt của các mối quan hệ.
TS. Đào Thị Thu Trang |
Nếu vì “yêu xa” mà tình cảm nhạt phai, mất lòng tin, gây cho nhau tổn thương hay chia tay thì chắc chắn đó không phải lỗi của Covid-19, đó chỉ đơn giản là các bạn đã “yêu không đúng người, không đúng thời điểm” mà thôi. Có thể các bạn hoặc người yêu chỉ đang yêu điều gì khác (ví dụ: yêu vật chất, yêu bản thân mình, yêu những thứ mình đang nhận được…) chứ không phải yêu chính con người của cả hai. Có thể tình yêu của các bạn chưa đủ đậm sâu… Và đại dịch chỉ giúp chúng ta nhìn ra điều đó dễ dàng hơn mà thôi. Những tâm trạng tiêu cực như buồn, chán nản, thất vọng, lo lắng… sẽ có nhưng khi hiểu được các bạn sẽ thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng.
Chia xa trong những ngày dãn cách khiến các bạn đang yêu làm quen với cảm giác không có “người ấy” ở bên cạnh. Các bạn sẽ tập dần việc không quá phụ thuộc vào (tình cảm) người ấy. Các bạn nhận ra cả hai vẫn phải sống, phát triển bản thân và trưởng thành dù có người ấy hay không. Nhưng điều đó không khiến các bạn lạnh lùng hơn và mối quan hệ trở nên nhạt nhẽo mà động lực sống và làm việc vẫn là những tình cảm hướng về nhau, những mong chờ trong tương lai. Các bạn độc lập và chủ động đối diện với khó khăn. Đại dịch không thể quyết định Tình yêu, chính chúng ta mới là người quyết định Tình yêu của chúng ta sẽ thế nào.
Bài viết cùng chủ đề: Những vấn đề tình yêu nào hay được sinh viên hỏi?
TS Đào Thị Thu Trang là giảng viên khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội. Chị có nhiều thời gian làm việc với sinh viên và đã tham gia một số chương trình tư vấn tâm lý, tình bạn, tình yêu, tình dục cho sinh viên.