Giới trẻ và hành trình “chữa lành”
Khái niệm “chữa lành” không mới, nhưng nó đã trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh hiện đại, khi áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng. Sự phổ biến này không chỉ phản ánh nhu cầu thực sự của giới trẻ trong cách họ tiếp cận về vấn đề sức khỏe tinh thần. Thay vì giữ kín cảm xúc, nhiều bạn trẻ đã chủ động chia sẻ và tìm kiếm sự đồng cảm từ cộng đồng.
Nguyễn Thị Kim Nhung (22 tuổi), hiện đang học tập và sinh sống tại Đà Nẵng, là sinh viên năm cuối nên cô cảm thấy có nhiều áp lực. Nhung chia sẻ rằng, áp lực từ việc học tập, thực tập và kế hoạch chuẩn bị cho tương lai khiến cô không ít lần rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng.
“Khi áp lực trở nên quá lớn, mình thường khóc. Nhiều người nghĩ rằng nước mắt là biểu hiện của sự yếu đuối hay tiêu cực, nhưng với mình, đó lại là cách tốt nhất để giải tỏa cảm xúc. Sau khi trải qua nhiều chuyện, mình nhận ra, việc cho phép bản thân khóc, thay vì cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hay trốn tránh thực tại, giúp mình đối diện với chính mình rõ ràng hơn. Để rồi sau đó, mình có thể bình tĩnh suy nghĩ và tìm ra hướng đi để tháo gỡ những nút thắt trong cuộc sống”, Nhung tâm sự.
Cũng như Kim Nhung, Ngô Châu Băng (21 tuổi), mỗi khi tâm trạng không ổn cô chọn ghi nhật ký như một cách để giải tỏa cảm xúc. Châu Băng chia sẻ: “Mình có thói quen ghi nhật ký mỗi khi tâm trạng không ổn. Đó là cách mình đối diện với những cảm xúc tiêu cực mà mình tự tạo ra và gặp phải trong cuộc sống. Viết ra giúp mình nhìn nhận mọi thứ trở nên rõ ràng hơn”.
Mỗi khi tâm trạng không ổn, Băng chọn ghi hết suy nghĩ của mình ra nhật ký như một cách để giải tỏa cảm xúc. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người mắc bệnh trầm cảm. Chiếm 3,1% dân số, tương đương cứ 2 người thì sẽ có một người bị ảnh hưởng. Đáng chú ý hơn, nhóm tuổi từ 18-29 có tỷ lệ mắc cao nhất, lên đến 5,4%. Điều đáng nói, sự gia tăng các vấn đề về tâm lý ở giới trẻ không chỉ là hệ quả của nhịp sống hiện đại mà còn đến từ sự thiếu hụt kỹ năng đối mặt với khó khăn và quản lý cảm xúc.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hằng Ly, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Vinh cho biết, giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ học tập, công việc, cho đến những kỳ vọng xã hội và sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy mà các bạn trẻ tìm đến những giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng và áp lực.
Theo Tiến sĩ Trần Hằng Ly, giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ học tập, công việc, cho đến những kỳ vọng xã hội và sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống hiện đại. |
“Trong thời đại mà mạng xã hội phủ sóng mọi khía cạnh của đời sống, trào lưu chữa lành đã tìm được chỗ đứng rất vững vàng. Những nền tảng như Instagram, TikTok, hay Facebook không chỉ là nơi kết nối, mà còn là kênh lan tỏa mạnh mẽ các nội dung liên quan đến các câu chuyện hành trình chữa lành đầy cảm hứng. Điều này cũng phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận về cuộc sống của thế hệ trẻ. Họ không còn quá đặt nặng chuyện phải đạt được thành công vật chất mà thay vào đó, ưu tiên sống chậm, chăm sóc bản thân và tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong”, bà cho biết thêm.
Khi “chữa lành” trở thành cái cớ để trốn tránh thực tại
“Chữa lành” mang đến nhiều lợi ích tích cực. Nó không chỉ giúp các bạn trẻ học cách lắng nghe bản thân mà còn tạo ra một cộng đồng để chia sẻ và đồng cảm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, không ít các bạn trẻ chạy theo “chữa lành” như một trào lưu mà thiếu đi sự hiểu biết sâu sắc.
Một số bạn trẻ có xu hướng phụ thuộc vào những hoạt động này như một cách để trốn tránh thực tế, thay vì đối mặt và giải quyết tận gốc vấn đề. Điều này dẫn đến việc họ dành quá nhiều thời gian, tiền bạc và nguồn lực cho những phương pháp chưa chắc đã phù hợp. Trong khi thực tế, họ có thể đang cần những giải pháp khác, như xây dựng kỷ luật cá nhân hay đơn giản là nghỉ ngơi đúng cách.
Lê Khánh Chi (24 tuổi), nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bán quần áo ở Hà Nội, cô tâm sự rằng áp lực từ doanh số bán hàng khiến cô lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng, ngột ngạt. Những lúc đó, cô thường tìm đến những niềm vui tức thời để quên đi cảm giác nặng nề của bản thân.
“Trước đây, mỗi lần mình cảm thấy căng thẳng hay áp lực, mình thường nghĩ đến việc đi chơi, mua sắm hoặc đi du lịch. Mình nghĩ, chỉ cần tạm thời quên đi mọi thứ là đủ để tâm trạng cảm thấy tốt hơn. Nhưng rồi, sau mỗi lần ấy, mình lại nhận ra rằng cảm giác trống rỗng vẫn còn đó. Những vấn đề cũ vẫn quay lại, và mình không thực sự giải quyết được gì cả”, Khánh Chi chia sẻ.
Việc mua sắm khiến Khánh Chi cảm thấy thoải mái, giúp cô tạm thời quên đi những áp lực trong cuộc sống. |
Không chỉ riêng Khánh Chi, nhiều bạn trẻ cũng thừa nhận rằng họ thường tìm đến những hoạt động như đi chơi, mua sắm mỗi khi áp lực, xem đó như một cách để “chữa lành” tạm thời. Điều này khiến không ít người tự hỏi, liệu mình đang “chữa lành” thật sự hay chỉ đơn giản là chạy trốn khỏi những cảm xúc mà bản thân cần phải đối diện.
Theo Tiến sĩ Trần Hằng Ly, để bắt đầu hành trình chữa lành, điều quan trọng nhất là phải thành thật với chính mình. Chữa lành không phải là một đích đến có thể vội vã đạt được. Đó là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên nhẫn và cam kết bền bỉ.
“Trước hết, việc thực hành một lối sống cân bằng đóng vai trò rất lớn. Một chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, duy trì giấc ngủ đầy đủ và xây dựng các mối quan hệ tích cực là những yếu tố hỗ trợ rất tốt trong hành trình này. Và cuối cùng, điều quan trọng hơn cả, hãy học cách đối diện với cảm xúc của mình. Thay vì né tránh, hãy tập hiểu và chấp nhận chúng như một phần của chính mình”.
Dẫu vậy, “chữa lành” không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động bề nổi hay chạy theo trào lưu. Quan trọng hơn, đó là hành trình tự tìm hiểu và chấp nhận con người thật của mình. Chỉ khi biết cách chăm sóc và lắng nghe chính mình, người trẻ mới có thể thực sự tìm thấy sự cân bằng bên trong con người mình.
(Ảnh: NVCC)